Biến đổi về phương thức trao truyền

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 136 - 139)

- Các yếu tố biến đổi để thích nghi với môi trường cuộc sống hiện đại: Thứ nhất, thích nghi, chấp nhận sự lãnh đạo, tham gia tổ chức, quản lý với các mức độ

4.3.2.Biến đổi về phương thức trao truyền

Hình dung trong tổ chức cộng đồng Hmông xưa, khi kinh tế - xã hội chưa phát triển, con người có nhiều thời gian rảnh rỗi, phương thức giao tiếp chính là gặp nhau trực tiếp, Gầu plềnh sẽ được trao truyền qua các sinh hoạt chủ yếu: hát trong gia đình (hát ru con, hát ngẫu hứng một mình); hát trong xóm làng (- khi vui chơi đêm trăng, bao gồm cả người lớn, thanh thiếu niên, nhi đồng; - hát bên mâm rượu

khi có khách; - hát trong các cuộc tổ chức đám cưới); hát khi làm nương, ruộng; hát trong LHGT; hát khi đi chợ, trong chợ phiên; hát trong các dịp khác bất kỳ mọi người gặp nhau mà có cảm hứng.

Ngày nay, đã và đang hình thành môi trường mới do kết quả quá trình công nghiệp hóa: điện, trường học, bệnh viện, máy móc, phương tiện giao thông, truyền thông, thông tin,...chi phối cuộc sống, thời gian của con người, mở ra muôn vàn phương thức giao tiếp khác nhau, giọng hát con người được phương tiện hiện đại khuếch trương, phóng đại hay hơn, đẹp hơn bình thường... thì sinh hoạt Gầu plềnh qua giao tiếp trực tiếp, đối diện người với người bị giảm đi (chứ không có nghĩa là người ta không thuộc bài hát). Đến một nhà người Hmông, một đám cưới, một lễ hội...đều thấy tivi, vidio, catxet hoạt động với công nghệ âm thanh mới, nội dung thông tin, ca nhạc (có cả truyền thống, cả hiện đại) rất phong phú..., con người sẽ được tiếp cận với nhiều kênh thông tin mới mẻ, khác lạ chứ không chỉ hạn hẹp trong sinh hoạt truyền thống. Giai đoạn 2005 - 2007, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi với trên 98% học sinh trong độ tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; đạt chuẩn PCGDTHCS với trên 85% thanh niên 15-18 tuổi có bằng THCS (báo cáo tổng kết PCGD giai đoạn 2005 – 2010). Như vậy, ở tuổi học sinh, hầu như các em phải tập trung học tập gần hết thời gian trong ngày, thường xuyên tiếp xúc với hệ thống văn hóa, văn minh mới, ít thời gian sinh hoạt dân ca truyền thống hơn. Tuy nhiên, các em vẫn được tiếp cận dân ca truyền thống qua các phương tiện thông tin, hoạt động lễ hội, việc tổ chức giáo dục truyền thống trong nhà trường...

Trên thực tế, ngày nay vẫn có nhiều người biết hát Gầu plềnh (và dân ca Hmông nói chung) nhưng số người hát đối đáp nam nữ (hay hát Gầu plềnh tự do để tìm hiểu, yêu đương) trước đám đông ít hơn ngày xưa. Điều này liên quan đến một thực tế là tính chất ích dụng trong việc tìm hiểu yêu đương của Gầu plềnh không còn như ngày xưa nữa do ngày nay nam nữ có nhiều cách, nhiều cơ hội tiếp cận nhau hơn. Chính môi trường sống mới với các phương tiện truyền thông hiện đại đã làm mất đi nhiều cơ hội tập trung hát Gầu plềnh trong những đêm trăng, những buổi chợ phiên...nhưng lại đem đến cho người Hmông cơ hội tốt để tiếp cận Gầu plềnh, nhất là đối với các bạn trẻ ưa thích các phương tiện công nghệ hiện đại như điện thoại di động, video, catxet...Với các phương tiện này, bất cứ lúc nào họ cũng có thể được nghe những bài Gầu plềnh mà họ yêu thích, qua đó, họ thuộc nhiều bài hát hơn. Ngay phương thức trao truyền Gầu plềnh trong LHGT cũng có sự thay đổi đáng kể. Nếu năm 2000, từng nhóm thanh niên tụ tập hát bên cây nêu, hát nhỏ đủ cho nhau nghe thì nay lớp người này cũng đã trên 30 tuổi, vẫn hát nhưng tính chất hát đã khác đi. Lớp trẻ ít hát đến mức tưởng chừng Gầu plềnh không được truyền bá nữa. Nhưng thay vào đó là nhiều người lên hát, múa trên sân khấu, diễn tả cảnh hát đối đáp ngày xưa;

những bài Gầu plềnh được tăng âm, âm thanh to, đẹp, rõ ràng; không khí ngày hội nô nức trong lời ca tiếng hát. Chính điều này làm cho mọi người dự hội được tiếp cận Gầu plềnh, được sống trong không khí sinh hoạt Gầu plềnh, bất cứ ai có khả năng hát đều có thể lên sân khấu thể hiện. Mặt khác, những đám hát (kể cả do người cao tuổi hát) đều rất đông người vây quanh tán thưởng; hơn nữa, thanh niên ai cũng có điện thoại ghi âm các bài hát và hát theo...Hình thức trao truyền Gầu plềnh thay đổi chứ không phải không còn được trao truyền cho thế hệ sau. Như vậy, phương thức trao truyền Gầu plềnh biến đổi theo xu hướng đa dạng hơn, cách thức trao truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau phong phú và có nhiều phương tiện khác hỗ trợ.

Trở lại lý luận của Carl Wilhelm Von Sydow cho rằng có người lưu giữ truyền thống tích cực, bị động và những cuộc thiên di làm cho truyền thống bị tiệt diệt hàng loạt. Cần thấy rõ hạn chế trong lý thuyết này là chưa xét đến hiện tượng di cư hàng loạt trở thành thiên di như trường hợp người Hmông sang Việt Nam cư trú thành từng làng riêng, tương đối biệt lập, là “những nhóm nhỏ” nơi folklore diễn ra, lưu truyền (theo quan điểm của Dan Ben-Amos); sự hòa trộn oicotype của họ với cộng đồng dân tộc khác hạn chế và họ bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống hơn, sự biến đổi diễn ra chậm chạp hơn. Sydow quá coi trọng vai trò một cá nhân tích cực trong cộng đồng mà chưa xét đến trường hợp lưu truyền dân ca trong cộng đồng Hmông có đặc thù riêng ở chỗ họ có thể dùng tiếng hát để tỏ tình, giao duyên, tìm hiểu nhau nên có nhiều người hơn có thể hát Gầu plềnh và mức độ phổ biến rộng hơn, số lượng người lưu giữ tích cực cũng nhiều hơn trong một nhóm. Chúng tôi khẳng định như vậy vì đã nghiên cứu, khảo sát thực tế, đồng thời căn cứ nhận định của Wm. Hugh Jansen (1959) trong bài “Nhân tố phổ biến và bí truyền trong folklore”: Giá trị thực sự của một truyền thống (blason populaire) nhất định chỉ có thể được xác định bằng cách so sánh truyền thống với các dữ liệu dân tộc học. Các niềm tin bí truyền của một nhóm hoàn toàn có thể được duy trì một cách vô thức. “Càng bị cô lập thì càng chịu sự chi phối của phổ biến - bí truyền” (147, tr.159 - 162). Chúng ta thấy rằng, trong cộng đồng Hmông nói chung, số người nắm giữ Gầu plềnh còn khá nhiều, trong đó, một bộ phận khá đông người (tuy ngày càng lớn tuổi hơn) vẫn say sưa hát, nhất là ở LHGT và họ là những người lưu giữ truyền thống tích cực. Kết quả khảo sát học sinh trung học 3 huyện Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương (2012): 253/450 học sinh Hmông (56,2%) biết hát Gầu plềnh, trong đó, thường xuyên hát đơn: 31,6%, thường xuyên hát đối: 28,9%. Riêng huyện Mường khương có 103/150 (68,6%) học sinh biết hát dân ca hoặc thổi khèn, sáo, 51/150 (29,7%) có thể hát đối đáp tốt (PL4.7, tr. 281). Chỉ với những người lưu giữ tích cực này thôi thì Gầu plềnh cũng khó bị tuyệt diệt. Mặt khác, người Hmông thiên di hàng loạt nhưng tụ cư khá biệt lập (Lào Cai có 33/164 xã trên 90% dân số

Hmông) mà nguyên lý chung là càng cô lập thì lưu giữ truyền thống càng tốt hơn cho nên truyền thống Gầu plềnh không những chưa bị tuyệt diệt mà đó đây còn đang tồn tại hồn nhiên, chất phác, cần nghiên cứu, giữ gìn.

Theo chúng tôi, cần phải quan niệm rạch ròi hơn về việc lưu giữ truyền thống. Nếu cho rằng thoát ly khỏi diễn xướng, dân ca (hay folklore) sẽ là “cái xác không hồn” có phần cực đoan và chưa khái quát hết bản chất tồn tại của dân ca bởi dân ca hay folklore, trước hết, tồn tại trong trí nhớ, ký ức và tâm hồn của một người, nhóm người, một dân tộc. Một người thuộc lòng một tác phẩm dân ca sẽ bao gồm cả phần lời, nhạc điệu và sẽ hình dung cả cách diễn đạt, biểu diễn nó trong thực tế. Đây chính là cội rễ, căn nguyên tồn tại căn bản nhất của dân ca mà từ đó hình thành các hình thức tồn tại khác, như: diễn xướng dân ca trên thực tế (hình thức tồn tại sinh động, tính ích dụng đối với chủ thể rõ nhất); ghi chép ra giấy (sản phẩm được thực hiện cẩn trọng, đầy đủ, chính xác về ngôn ngữ của một lần diễn xướng, có thể lưu trữ lâu dài nhưng khó diễn tả phần sáng tạo và tính sinh động của diễn xướng); ghi âm, ghi hình (trung thực về âm thanh, nhạc điệu, hình ảnh, giọng điệu của người diễn xướng trong mỗi lần, lưu trữ lâu dài); ngoài ra, người ta còn có thể sáng tạo ra các hình thức khác để lưu giữ, phổ biến dân ca như dựng ca kịch, hát đối...; dựng phim với hình ảnh, trang phục, hóa trang đẹp; khi đó, dân ca được dàn dựng, gọt giũa, cách điệu, thậm chí cải biên, hiện đại hóa, hấp dẫn đối với người thưởng thức. Sự đa dạng, phong phú các hình thức phổ biến như trên giúp nhiều người thuộc, yêu mến Gầu plềnh; đó là những người tiềm năng, tiềm tàng khả năng trở thành người lưu giữ tích cực; điều đó làm cho Gầu plềnh trở nên bất diệt. Nhưng phải thấy rằng, biểu diễn Gầu plềnh cần có một lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân dân gian; đây là xu hướng phát triển tất yếu của bất kỳ nền dân ca nào của bất kỳ dân tộc nào. VD dân ca quan họ Bắc Ninh ngày nay phổ biến, khắp nước đều biết, người tỉnh khác cũng thuộc và hát chính là nhờ vai trò phổ biến của nghệ nhân dân gian, thậm chí ca sỹ chuyên nghiệp cũng tham gia biểu diễn, phổ biến dân ca.

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 136 - 139)