Khảo sát thực tế nguồn tư liệu hiện có, xem xét số lượng, sự phổ biến, sự diễn xướng từng loại bài, đặc biệt chú ý cách đồng bào tự gọi tên từng loại bài, đồng thời tham khảo cách phân loại của một số tác giả, chúng tôi nhận thấy cách phân loại dân ca Hmông của nhà sưu tầm Doãn Thanh là tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn dân ca Hmông. Cụ thể, ông phân chia thành 5 tiểu loại chính tương ứng 5 đề tài [134, tr. 8] như sau:
1) Gầu plềnh - Gâux plênhl (đề tài tình yêu), loại bài hát đa dạng, phong phú nhất trong dân ca Hmông.
2) Gầu tú giua - Gâux tuz njuôs (đề tài mồ côi) gồm các bài hát tả nỗi khổ đau cơ cực, đa số mang tính chất tự thán của những người bất hạnh có bố mẹ mất sớm.
3) Gầu uô nhéng - Gâux uô nhangz (đề tài làm dâu) diễn tả mọi nỗi khổ đau, uất ức của người phụ nữ trong xã hội cũ bị ép duyên, cưỡng hôn, bị chà đạp, đoạ đầy, đồng thời thể hiện tinh thần đấu tranh chống lại hủ tục ngặt nghèo.
Ba tiểu loại dân ca trên có hình thức diễn xướng phong phú, đa dạng. Riêng Gầu plềnh được diễn xướng trong các trường hợp sau:
- Thanh niên nam nữ hát với nhau trong bất cứ trường hợp nào thuận lợi. - Người ở làng này sang hát ở làng khác.
- Hát trong LHGT vào dịp đầu xuân cùng với nhiều trò chơi khác là hình thức diễn xướng quan trọng nhất của Gầu plềnh.
4) Gầu xống - Gâu yôngz (đề tài cưới xin) chia hai loại nhỏ: Hát nghi thức và hát vui chơi trong đám cưới.
5) Gầu túa - Gâu tuôs (đề tài tang ma) là hệ thống bài hát đặc biệt chỉ dùng trong đám ma, cúng ma; gồm bài hát chỉ đường (Khúa kê - kruôzcê) và các bài hát làm đám.
Ngoài năm loại bài hát trên, người Hmông còn nhiều loại bài hát khác. Đó là những bài hát tự thán, kể chuyện nhân vật lịch sử (như vè kể chuyện của người Kinh, Tày, Nùng); những bài phản ánh phong tục tập quán... Việc sử dụng các bài này rất linh hoạt, do đó, trong Luận án, chúng tôi chưa xếp vào loại nào.