cuộc sống đời thường như vậy mà lanh sớm đi vào tín ngưỡng của đồng bào Hmông. Thần thoại Hmông kể rằng, ông Thần Nông không chỉ cho người Hmông giống lúa, kê để có cái ăn mà còn cho họ giống lanh, dạy họ cách làm lanh để có cái mặc [131, tr. 21]; còn bài hát chỉ đường (Khúa kê) kể rằng: Bà Trày làm cho giống lanh sống lại/ Bà Hmông làm cho giống lanh tốt tươi.../ Cây to đem về, dệt thành vuông, chống tàu lau, lá cỏ/ Mà làm lụng nuôi con, nuôi cháu/ Cây nhỏ đem về dệt thành thước đón rượu, đón cưới/ Cây thẳng đem về dệt thành tấm chống đất đen, đất vàng của nhà trời [134, tr. 331]. Như vậy, lanh đã đi vào đời sống tâm linh của đồng bào Hmông. Người Hmông cho rằng, khi mổ xúc vật hiến tế người chết, phải nối sợi dây lanh từ ngón tay người chết vào con vật đó thì linh hồn người chết mới nhận được. Đồ khâm liệm, khăn lau mặt cho người chết phải làm bằng vải lanh thì mới đưa được hồn người chết về với tổ tiên [113, tr. 107]. Do vậy, việc treo dải vải lanh trên cây nêu, trước hết là dấu hiệu “mời ma nhà" (tổ tiên) về dự hội cùng vui với con cháu. Trường hợp này, mảnh vải nhuộm màu đỏ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, tuỳ theo người đăng cai thuộc dòng họ thờ màu vải nào mà treo mảnh vải lanh màu đó; cho nên trong LHGT có thể treo mảnh vải trắng, chàm hoặc đen... Vải lanh trở thành biểu tượng thờ cúng tổ tiên, dòng họ của mỗi gia đình người Hmông. Mọi gia đình đều thờ vuông vải lanh ở trước cửa, ở bàn thờ tổ tiên; mảnh vải này thường là mảnh vải đỏ, cũng có khi màu khác; điều đó tuỳ thuộc vào quan niệm của từng dòng họ. Người ta tin rằng, làm như vậy thì tổ tiên mới thường đi về thăm nom,
giúp đỡ gia đình, mọi người được mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Mặt khác, làm như vậy còn chống được ma dữ về quấy nhiễu gia đình. Gạt bỏ đi những yếu tố mê tín dị đoan, ta thấy: giữa quan niệm và huyền thoại về biểu tượng vải lanh có sự gặp gỡ, hài hoà, tạo nên sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của đồng bào Hmông.