Nguồn gốc: Xung quanh vấn đề nguồn gốc LHGT, có một số truyền thuyết. Chúng tôi tập hợp được 6 truyền thuyết; trong đó có 2 truyền thuyết gải thích LHGT có nguồn gốc từ việc cầu con cái; 3 truyền thuyết gải thích LHGT có nguồn gốc từ lịch sử đấu tranh và thiên di; 1 truyền thuyết gải thích LHGT có nguồn gốc từ tình yêu nam nữ (PL2.1, tr. 267; xem thêm 2.1.2).
Thời gian tổ chức LHGT: Người Hmông tính lịch theo vòng thời gian cố định: một năm có 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, hết 360 ngày là ăn tết (có khi trùng với tết dương lịch, có khi trùng với tết âm lịch). Ngày nay, do giao lưu với các dân tộc khác, người Hmông ăn tết Nguyên đán và LHGT tổ chức vào dịp này. LHGT, theo truyền thống, do một chủ hộ đăng cai tổ chức. Mỗi lần đăng cai tổ chức ba năm liền, theo trình tự: năm đầu 3 ngày, năm thứ hai 5 ngày, năm thứ ba 7 ngày [149, tr. 223].
Không gian tổ chức LHGT thường liên làng, liên xã; điều này liên quan mật thiết với phong tục luyến ái, hôn nhân của đồng bào Hmông. Người Hmông cư trú theo dòng họ; theo luật tục, dòng trực hệ không được lấy nhau; vả lại, do địa bàn cư trú đồi núi hiểm trở, xa xôi, các dịp để con người gặp gỡ, trao đổi tâm tư, tình cảm rất ít; vì vậy, tổ chức liên làng, liên xã là cách để mọi người gặp gỡ, thanh niên nam nữ có thể tìm hiểu giao duyên. Nơi tổ chức LHGT, theo truyền thống là gò đồi thoai thoải quay về hướng Đông, cỏ cây xanh tươi, xung quanh núi non trùng điệp, cảnh quan đẹp. Theo tiêu chí phân loại của tác giả Hoàng Lương, đây là “không gian linh
thiêng tự nhiên” hoặc theo Falassi, đây là yếu tố sacralization (thiêng liêng hóa); tác giả Đặng Văn Lung bổ sung: đây còn là không gian tổ chức diễn xướng dân ca giao duyên: "hát ngoài đồi có điều dễ nhận là bất kể nắng hay mưa nam đều che ô...” [74, tr.40]. Về không gian linh thiêng của LHGT, xem xét lịch sử tổ chức lễ hội tại vùng Pha Long có 4 giai đoạn: - trước 1960, tổ chức tại gò đồi thôn Nì Sỉ 1; - từ 1960- 1990, lễ hội bị cấm, đồng bào tổ chức “chui”, địa điểm di động hàng năm ở các xã Tả Ngải Chồ, Lùng Khấu Nhin...; - từ 1991, lễ hội được phép hoạt động trở lại, người ta tổ chức tại thôn Pha Long 1, là khu chợ san gạt bằng phẳng; - từ 2005 đến nay, quay về tổ chức tại gò đồi thôn Nì Sỉ 1. Đồng bào cho rằng tổ chức ở thôn Nì Sỉ 1 mới đúng là nơi đã chọn tổ chức LHGT từ ngày xưa, đúng phong tục truyền thống và mới đông, vui; ai cũng phấn khởi. Chúng tôi cho rằng đây là nơi đầu tiên đoàn người thiên di do thủ lĩnh Sèo Cồ Phìn dẫn đầu vào xã Pha Long đã chọn tổ chức LHGT để tập hợp mọi người, là không gian linh thiêng của cộng đồng Hmông vùng này.
Tiến trình lễ hội: LHGT có hai dạng: - một chủ hộ đứng ra tổ chức cầu tự
(cầu con cái) hoặc cầu phúc, lộc, may mắn; - nhiều chủ hộ cùng tổ chức. Dù dạng nào, trình tự cũng phải đảm bảo 4 bước:
1) Chuẩn bị: Trước tết âm lịch (ngày 24 – 28), chủ hội chọn ngày tốt để chặt cây nêu (ndêx nxêz - ndêx nxôngk), may dải băng, nấu rượu, chọn địa điểm mở hội; có hai nghi lễ chặt tre và dựng nêu là quan trọng. Ngày chặt tre, chủ nhà bày mâm lễ để chủ tế tiến hành nghi lễ cúng (gia chủ mời chủ tế uống rượu, chủ tế hát bài sêiz zeis (sây giế) - xem bói - về lý do làm LHGT); chọn cây tre phải thẳng, to, vỏ bóng, lá xanh, không bị sâu đục hay úa lá. Người chặt cây có gia đình hoà thuận, con cái đầy đủ, khoẻ mạnh. Khi chặt phải hát bài tseiz ndêx nxêz (sáy dề sê - đi tìm cây nêu) và vòng đi vòng lại quanh bụi cây 3 vòng. Khiêng cây nêu về bãi hội phải hát bài cưr ndêx nxêz (cứ dề xê – khiêng cây nêu), gốc `hướng phía trước, ngọn phía sau, không chạm đất, không nghỉ giữa đường. Trồng cây nêu không trùng với lỗ trồng cây các năm trước. Qua khảo sát những bài viết về LHGT, khảo sát dân ca Hmông và thực tế điền dã, chúng tôi thấy trồng hai cây nêu (lễ hội xã Pha Long, Tả Giàng Phình, 2013, 2014: cây to trồng trước tết, cây nhỏ trồng sáng ngày khai hội, trồng xong là khai hội) hoặc một cây nêu (Hầu Thào - Sa Pa, 2002, Cán Cấu - Si Ma Cai, 2003), hoặc một số tài liệu cho rằng trồng ba cây nêu (Lê Trung Vũ, Bùi Thiết, Đặng Văn Lung). Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhìn thấy 3 cây nêu ở các LHGT, cũng chưa nhìn thấy hình ảnh 3 cây nêu. Treo dải vải có các dạng: - dải vải đen nối vải đỏ (xã Pha Long, Mường Khương xã Lao Kha, Hà Khẩu, TQ, 2013); - một dải vải đỏ hoặc đen (xã Cán Cấu, Si Ma Cai, 2013; xã Pha Long, 2002); - dải vải trắng hoặc đen nối với trắng. Dải vải, theo truyền thống là vải lanh do bà con tự sản xuất; độ dài ngắn của dải vải có thể khác nhau. Trên cây nêu, người ta treo bầu
rượu (chai, can), có nơi treo lúa, ngô... để thờ suốt những ngày lễ hội; rượu uống để ở gốc cây nêu cùng những bộ nhạc cụ (khèn, sáo), đạo cụ múa (gậy tiền, gậy côn, liềm...), ô, dù. Gốc cây nêu được dán, treo giấy vàng, giấy tiền, hương (A2.1 – A2.2a,b,c,d, tr. 291 -293). Những vật trên coi như đã được thiêng hoá trong không gian linh thiêng của lễ hội.
2) Tổ chức lễ: Chủ tế tổ chức cúng vào ngày 2,3,4...Tết âm lịch tuỳ năm (thường chọn ngày thìn). Đồ cúng ngày nay nhìn chung đơn giản (xã Pha Long - Mường Khương, Tả Giàng Phình - Sa Pa chỉ đốt vàng hương; xã Cán Cấu, Si Ma Cai có mâm cơm, gà luộc, rượu, con lợn sống (2014); theo Ông Hoàng Chúng, một cán bộ người Hmông đã về hưu rất quan tâm đến LHGT: mâm cúng ngày xưa rất lớn, gia chủ mổ lợn để cúng; thịt lợn nấu “tháng cố” mời mọi người dự hội ăn bữa cơm cộng cảm). Chủ tế đốt hương, vàng, khấn bài ndêx pangs (dề pàng, có nơi gọi Xiển dì pàng), đại ý: ôn lại huyền thoại nguồn gốc người Hmông; nguồn gốc cây nêu, cây lanh, vải lanh; nguồn gốc hội; cầu mong cây nêu làm phúc cho gia chủ đạt ý nguyện; mọi người dự hội mạnh khoẻ, sinh sôi con cháu đông đúc, cộng đồng đoàn kết, dự hội vui vẻ; mưa thuận, gió hoà, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu (chính quyền tổ chức sẽ có khai mạc). Tiếp theo, chủ tế và 01 chủ hội múa khèn tế quanh gốc nêu (A2.3, tr. 294); sau đó bắt đầu hát nghi lễ khai cuộc hát Chù Gầu tào.
3) Hội theo truyền thống tổ chức từ ba đến bảy ngày với rất nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, nhưng đáng chú ý nhất là cảnh hát hội (Chù gầu tào - txux grâuk taox). Chù gầu tào thu hút đông đảo người tham gia, gồm: - Hát gặp gỡ bạn bè của những người đàn ông, đàn bà, ông già, bà cả; - Hát cầu nguyện sức khoẻ, may mắn cho gia đình, con cái của những người làm cha, mẹ, những người nuôi trẻ nhỏ; - Hát Gầu plềnh: Sau khi làm xong các nghi thức cúng tế là hát Gầu plềnh xung quanh gốc nêu; nhiều đối tượng tham gia; từng đôi có thể tách riêng ra một chỗ để hát, hoặc nói chuyện riêng. Vì vậy, “sau buổi hát, nhiều đôi nên vợ nên chồng” [74, tr. 69]. Cảnh hát hội diễn ra đan xen, đồng thời tạo thành không khí hết sức vui nhộn, tha thiết, đắm say...trong suốt thời gian hội. Các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao cũng diễn ra sôi nổi; đó là các sinh hoạt mang tính chất thi tài như múa khèn, múa liềm, múa côn, múa gậy tiền...; các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, ném pa pao...
4) Kết thúc: Hết thời gian quy định, chủ tế làm lễ hạ nêu: đốt giấy vàng lấy tro bỏ vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khẩn rồi nhấp nước phun ra xung quanh; trong khi đó, chủ hội hạ cây nêu, cầm bầu rượu đi theo chủ tế và phun rượu ra xung quanh. Nếu là lễ cầu tự, cây nêu được chẻ làm dát giường cho vợ chồng chủ hội, phần ngọn để nguyên lá treo ở chái nhà. Họ tin rằng làm như vậy sẽ sinh được con cái, nhất là con trai. Nếu là lễ cầu mệnh, cây nêu được gác ở vách đá khô ráo, linh
thiêng của làng với niềm tin dân làng sẽ được êm ấm, mùa màng tốt tươi, mọi nhà no đủ. Mọi người ra về lòng đầy phấn khởi, lưu luyến trong lời ca thương nhớ, hẹn hò, để bước vào mùa làm ăn mới: Mùa nương mùa rẫy đến rồi/ Mùa này mùa làm ăn không phải mùa làm khách/ Các cụ bô lão chặt cây bương/ Bọn trẻ lũ lượt bảo nhau đi tháo nước...[120, tr.130].