1.2.2.1. Nguồn gốc, sự phân bố người Hmông trên thế giới
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc người Hmông nhưng hiện nay tồn tại nhiều ý kiến khác nhau.
Nghiên cứu thời tiền sử về người Hmông (khoảng 3000 năm TCN) có một số ý kiến cho rằng tộc người Hmông vốn là cư dân phương Bắc di cư xuống TQ (F.M. Savina trong “Lịch sử người Mèo”, Keith Quincy, trong “Người Hmông - lịch sử một dân tộc”). Tuy nhiên, việc người Hmông có phải cư dân Siberia di cư xuống TQ hay không thì chính Savina cũng thừa nhận là không chắc chắn vì không chứng minh được con đường người Hmông di chuyển như thế nào qua dãy núi An Tai và Thiên An Sơn. Sau này (năm 1994), các tác giả Cư Hòa Vần, Hoàng Nam đã viện dẫn cứ liệu nhân chủng học do Giáo sư N.R.Morơde nghiên cứu từ phân tích nhóm máu và khảo cổ học về người Hmông ở Tứ Xuyên, Quý Châu, khẳng định người Hmông có nguồn gốc Mông gôlôit, không có nguồn gốc phương Tây [173, tr.18-19] và hiển nhiên người Hmông ở Việt Nam cũng vậy.
Người Hmông sống ở vùng Hồ Nam đã liên tục chống lại Hoàng Ty và bị người Hoa Hạ đánh bại, họ chia 2 nhóm chính: một đi về Tây Bắc châu thổ sông Vị, tới Tây Tạng và dần dần bị đồng hóa, hòa lẫn với những tộc người khác, trở thành người Mili; một đi về Tây Nam, đến lưu vực sông Dương Tử, cư trú trong vùng núi cao Nam Dương Tử, họ giữ được bản sắc dân tộc giữa các cộng đồng dân tộc khác ở phương Nam (người Hán gọi là Rợ phương Nam). Thời Nam Bắc triều trở đi, người Hmông không ngừng di chuyển về Tây Nam; họ là tiền nhân của người Hmông hiện nay. “Cuối Minh, đầu Thanh, tộc Miêu di cư đến đông nam Vân Nam dừng lại ở Mã Quan...Đến triều Thanh, một bộ phận đã vào Lào Cai” [190, tr.44. bg].
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu dân tộc Hmông trên thế giới đều có chung quan điểm: khoảng hơn ba nghìn năm trước, người Hmông đã từng sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Hà, là một trong những chủ nhân của nước Tam Miêu; có nền văn hóa phát triển khá rực rỡ với nền văn minh lúa nước; có chế độ cai trị riêng và đã chiến đấu kiên cường chống lại các thế lực khác. Bị chèn ép, một bộ phận người Hmông phải thiên di dần về vùng núi cao Nam TQ rồi đến vùng núi Bắc
Việt Nam, Lào, Myanma và Đông Bắc Thái Lan, sống rải rác thành các nhóm lớn, nhỏ thuộc biên giới của các nước này. Trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp ở Đông Dương, một bộ phận người Hmông tiếp tục di tản sang Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Canada, Achentina, Guana, Nam phi…hình thành các cộng đồng người Hmông ở nhiều quốc gia.
Về phân bố dân tộc Hmông trên thế giới, đến nay chưa có một cuộc điều tra chính thức nào, song theo các chuyên gia nghiên cứu về người Hmông và chúng tôi tổng hợp được, hiện nay dân tộc này có mặt ở khoảng 15 quốc gia trên thế giới (PL1.3, tr. 252).
1.2.2.2. Nguồn gốc, phân bố, địa vực cư trú của người Hmông ở nước ta
Người Hmông thiên di vào vùng núi phía Bắc Việt Nam phần lớn từ các tỉnh Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam (TQ) bằng nhiều con đường, chia làm nhiều đợt khác nhau, nhưng có 3 đợt lớn: Đợt một, khoảng 100 hộ, các họ Vù, Giàng từ Quý Châu đến Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), thời gian vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, cách đây trên 300 năm. Đợt hai, một nhóm trên 100 hộ, có một số hộ thuộc các họ Vàng, Lý vào khu vực Đồng Văn (Hà Giang) và một nhóm khác ít hơn, thuộc các họ Vàng, Lù, Chấu, Sùng, Hoàng, Vừ vào khu vực Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) cách nay hơn 200 năm. Đợt ba, người Hmông thiên di vào Việt Nam đông nhất, khoảng trên 10 ngàn người, phần lớn từ Quý Châu, một số từ Quảng Tây, Vân Nam, chủ yếu vào các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang…khoảng từ 1840 đến 1868. Riêng một số nhóm người Hmông ở vùng Tây Thanh Hóa, Nghệ An di cư từ Lào và các tỉnh miền núi miền Bắc đến, khoảng 100 năm trở lại đây. Sau đó, hàng năm vẫn có người Hmông di cư theo hình thức nhỏ lẻ sang Việt Nam.
Về sự phân bố của người Hmông, hiện nay, đồng bào cư trú trên một địa bàn rộng lớn, độ cao 700 - 800 mét trở lên, bao gồm hầu hết các tỉnh miền núi từ biên giới Việt - Trung đến biên giới Việt - Lào (Tây Thanh Hoá, Nghệ An, Tây Nguyên). Mật độ cư trú ở vùng biên giới Việt - Trung khá cao, 70-90 người/km2; vùng biên giới Việt – Lào, 30-40 người/km2. Người Hmông ở Việt Nam có sự gia tăng dân số cao (PL1.4, tr. 253) dẫn đến nhiều nơi thiếu đất canh tác, họ du canh, du cư đến những vùng đất hoang, rừng già, thượng nguồn các tỉnh miền núi, hệ quả là mấy chục năm qua, tình trạng phá rừng thượng nguồn làm nương rẫy tại Việt Nam, Lào “trở thành vấn đề lớn”, “thảm họa nghiêm trọng” [107, tr. 63].
1.2.2.3. Nguồn gốc, sự phân bố, địa vực cư trú của người Hmông ở Lào Cai Nguồn gốc: Người Hmông thiên di vào Lào Cai cách nay đã hơn 200 năm, chủ yếu từ Quý Châu xuống Vân Nam (TQ), rồi vào Lào Cai thành nhiều đợt với số lượng người khác nhau. Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, người Hmông ở Quý Châu liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống lại sự cai trị hà khắc của Triều đình Mãn
Thanh nhưng các cuộc khởi nghĩa của họ liên tiếp thất bại, vì vậy, họ phải ra đi tìm đất mới để sinh sống. Đợt thiên di đầu tiên gồm 80 gia đình là các dòng họ Vàng, Lý, Lù, Chấu, Sùng, Hoàng; nơi đặt chân là San Khô Sủ, động Mù Văn, động Ngọc Uyển (nay là các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai), sinh sống được khoảng 3 đời thì có 30 gia đình ở Mù Văn do ông Lý Thàng Pua dẫn đầu tiếp tục di cư sang Sa Pa. Đợt thiên di thứ hai vào Lào Cai cũng là đợt thiên di lớn nhất của người Hmông vào Việt Nam diễn ra từ 1840-1868 sau khi phong trào “Thái Bình Thiên quốc” chống lại triều đình Mãn Thanh thất bại, chia thành 3 đoàn. Đoàn thứ nhất do ông Sèo Cồ Phìn dẫn đầu vào xã Pha Long (Mường Khương); đoàn thứ hai do ông Lùng Chung dẫn đầu vào xã Bản Lầu (Mường Khương); đoàn thứ ba do một thủ lĩnh họ Hoàng dẫn đầu vào huyện Si Ma Cai, Bắc Hà. Từ Bắc Hà, một bộ phận người Hmông tiếp tục vượt sông Hồng đến các xã Mường Bo, Thanh Phú, Lao Chải (Sa Pa). Từ Mường Khương, một bộ phận người Hmông tiếp tục di cư sang các xã Chung Chải, San Sả Hồ (Sa Pa) [36, tr. 12-13]. Riêng nhóm Hmông Xanh huyện Văn Bàn di cư thẳng đến huyện Văn Bàn cùng thời gian trên. Ngoài hai lần thiên di trên, từ cuối thế kỷ XIX, người Hmông vẫn tiếp tục di cư nhiều đợt nhỏ lẻ vào nhiều vùng đất Việt Nam. Trong quá trình sinh sống, người Hmông tiếp tục di dịch cư từ huyện này sang huyện khác và các tỉnh khác.
Phân bố: Dân tộc Hmông trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 27.332 hộ, 154.709 khẩu, chiếm 24,59% dân số toàn tỉnh, phân bố tại 9 huyện, thành phố gồm 118 xã/164 xã, phường, thị trấn với 534 thôn, bản/2.206 thôn, bản, tổ dân phố; trong đó có 462 thôn, bản và 33 xã có trên 90% người Hmông sinh sống [156, năm 2013, (PL 1.5; 1.6, tr. 264)].
Địa vực cư trú: Người Hmông thiên di vào Việt Nam thể hiện khát khao lớn của họ về một “mảnh đất lành” để sinh sống. Họ luôn coi nơi đây là quê hương mới của mình. Hiện nay, người Hmông Lào Cai sinh sống ở những vùng núi cao, độ cao trung bình 700-1500m so với mặt biển. Trong đó, 4 huyện vùng cao đông người Hmông sinh sống nhất là: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa; các huyện, thành phố còn lại, người Hmông cũng chỉ cư trú ở các xã vùng cao (PL1.7, tr. 265). Đó là những nơi hiểm trở nhất, những vùng rừng già trước đây rất ít người sinh sống; vì vậy, đặc điểm cư trú của người Hmông khá biệt lập, quan hệ với dân tộc khác bị hạn chế. Đồng bào Hmông có sẵn tinh thần lao động cần cù, trí thông minh, sáng tạo; đến vùng đất mới, họ đã thích ứng môi trường vùng núi, tạo ra được văn hóa ứng xử, yêu thương đoàn kết cộng đồng. Người Hmông ở Lào Cai luôn coi đây là mảnh đất sinh trụ lâu dài và họ tạo dựng được cuộc sống hòa thuận với các dân tộc anh em; sát cánh, đoàn kết chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước. Tiêu biểu như các cuộc khởi nghĩa của người Hmông ở huyện Bắc Hà (1881-1894), huyện Than Uyên (1885-1896); cuộc nổi dậy của Giàng San và nhân dân các huyện Sa Pa, Bát Xát năm 1915... chống lại Thực dân Pháp xâm lược.