Mối quan hệ Gầuplềnh và Lễ hội Gầu tào

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 62 - 69)

Gầu plềnh và LHGT có mối quan hệ qua lại biện chứng, mật thiết, trong đó, Gầu plềnh trở thành hồn cốt trong cái nền của “bối cảnh văn hóa” ở phạm vi hẹp là LHGT. Một số nhà nghiên cứu nhân chủng học Mĩ cho rằng các loại hình diễn đạt

bằng lời có vai trò trung tâm trong dân gian và văn hóa quần chúng; những điểm nào trong chu trình sống của loài người được thừa nhận là quan trọng trong một xã hội nhất định thì sẽ được ghi dấu bởi sự hát và lễ lạt” (Marcia Herndon, “Diễn xướng hát”, [148, tr. 90]. Ở đây, chúng tôi chỉ xét mối quan hệ giữa “sự hát” Gầu plềnh trong LHGT và ngược lại, vai trò của LHGT đối với sự nảy sinh, tồn tại, phát triển Gầu plềnh với 4 nội dung cơ bản sau.

2.3.2.1. Gầu plềnh phản ánh tín ngưỡng phồn thực của một lễ hội nông nghiệp

Thời xa xưa, để duy trì, phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi nảy nở. Những trí tuệ sắc sảo thì tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ xây dựng nên triết lý âm dương, còn những trí tuệ bình dân thì nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy, họ sùng bái nó như thần thánh và xây dựng nên tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nảy nở). “Hai hình thức sản xuất lương thực và sản xuất con người này có bản chất giống nhau, đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại: đất và trời, mẹ và cha” [143, tr. 127]. Đó là căn nguyên của tín ngưỡng phồn thực. Người Hmông tổ chức LHGT có hai mục đích chính là cầu con người sinh sôi nảy nở, có sức khỏe và theo đó, cầu sự sinh phì nói chung. Tất cả những lễ thức LHGT đã trình bày trên đều tập trung vào hai mục đích đó. Gầu plềnh phản ánh rõ điều này: Đôi ta hát qua ba ngày, kẻo nữa mình trở lại nhà/ Nghe ông sấm đánh ù ù, cản con đường ta cày cấy... [132, tr. 119] hoặc Đôi ta ra về cây nêu ở lại/ Chúc người già, người trẻ dựng cây nêu, mạnh chân, khoẻ tay mãi mãi,.../ Người già, người trẻ dựng cây nêu, sinh được chín con trai [132, tr.125].

Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp, tồn tại trong nhiều lễ hội cổ truyền: Hội làng Danh Hựu (Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ) có tục cướp nõ nường, hội làng Sơn Đồng (Quốc Oai, Hà Nội) cướp bông, hội làng Miêng Hạ (Ứng hòa, Hà Nội) có trò cướp nõ phá bông; hội làng Quang Lang (Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình) có trò múa ông Đùng - bà Đà, hội làng Dưng (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc) có trò trai gái ôm nhau bắt trạch trong chum...Một số tộc người công khai thực hiện hành vi giao phối trong lễ hội nhằm mục đích kích thích sự tăng trưởng của mùa màng (người Pipiles ở Trung Mĩ thực hiện hành vi giao phối đúng vào thời khắc gieo hạt giống đầu tiên của vụ mùa; thổ dân đảo Tân Guinee biểu trưng cuộc giao phối thần bí của của mặt trời và mặt đất bằng cuộc giao phối thực sự của con người trong nghi lễ Saturne). Gầu plềnh có câu hát đầy ẩn ý về sự giao hoan của mặt trăng và mặt trời và tình yêu nam nữ: Mặt trời đứng dậy trêu ghẹo mặt trăng/ Đường tình duyên trai gái sinh ra/ Lan xa chín mươi chín khe núi cùng thung lũng/...Cõi trần gian muôn loài đầy đủ [134, tr. 43]. Thực chất, đây là sự nhân cách hóa các thế lực tự nhiên như những giống đực và giống cái dựa theo nguyên lý “ma thuật vi lượng”, họ tìm cách thúc đẩy

bước tăng trưởng của cây cỏ. “Đó là những bùa phép được dùng để làm cho các khu rừng xanh lá, làm cho lúa mì nẩy hạt...Các tình huống bất thường tiếp sau nghi lễ đó, về nguyên thủy, không phải là hành vi cực đoan hay đột xuất mà là một bộ phận chủ yếu của nghi thức” [33, tr. 229 - 234]).

Xét trong LHGT, đầu thế kỷ XX, tác giả Savina quan sát, nhận xét về LHGT, hát giao duyên trong lễ hội: Người Mèo tin rằng cây này (cây nêu) làm cho những người đàn bà muộn con thành ra mắn đẻ. Thanh niên đến thổi khèn xung quanh cây này, rồi con trai, con gái đồng thanh hát bằng giọng trầm những bài hát không có tính chất khuyên răn đạo đức lắm [117, tr. 71]. Cái mà Savina gọi là không có tính chất khuyên răn đạo đức thực chất là những lời hát mang tính chất giao duyên - phồn thực.

Ngày nay, quan sát một số LHGT, đặc biệt ở xã Pha Long, các hành vi nghi lễ phồn thực ẩn vào nhiều lớp văn hóa khác nhau:

- Cùng với nội dung giao duyên của bài Gầu plềnh, trai gái sát vai nhau, cầm tay, khoác vai, ghé sát mặt nhau, chen chúc trong một chiếc ô mà tỏ tình; những đụng chạm nam nữ không bị cho là cấm kị.

- Những điều hàng ngày vốn cấm kị, ở lễ hội lại được tự do: những người đã có vợ, có chồng vẫn được hát giao duyên với nhau, người chưa có vợ, có chồng cũng được hát với người có vợ, có chồng...; mọi người dường như cởi mở và thân ái hơn khi dự hội.

- Tục kéo vợ mà có người gọi là “cướp vợ”: có thể “cướp vợ” biểu trưng giao hoan nam nữ; sau thiết chế xã hội hình thành đã chuyển hóa thành hành vi kéo vợ.

- Những bài hát Gầu plềnh có tính chất nghi lễ đều cầu mong cho người an vật thịnh, cây cối tốt tươi, con người sinh sôi nảy nở...

- Trung tâm điểm của hát Gầu plềnh là cây nêu (A2.12a,b,c tr. 299 - 300 là hình ảnh mang tính biểu tượng phồn thực) mà rất nhiều bài đề cập đến việc cây nêu phù hộ sức khỏe, có nhiều con trai, làm ăn được mùa. Nhiều phụ nữ bế con đến cầu khấn cây nêu, lấy sợi vải nhỏ miết lên gốc nêu rồi đeo vào cổ, tay cho trẻ nhỏ, sau đó bế, địu con cùng mọi người đi vòng quanh cây nêu hát. Ông Ly Sín Phừ (chủ tế, 2015) cho biết “nhiều người xin cây nêu về làm giát giường, có năm phải chia cho mấy nhà vì họ tin rằng làm như vậy sẽ mắn đẻ hoặc làm ăn phát đạt” và ông cho biết thêm cuối mỗi ngày hội “khi nào mình hạ dải vải lanh đen – đỏ xuống, mọi người sẽ về nhà”. Ông Giàng Seo Diu (70 tuổi, 2015) cho rằng: giữa “hai cây ndêx nxêz và ndêx nxôngkz phải có “cái đó” (dải vải) nối với nhau thì mới sinh đẻ được, cũng như con người thôi” nên bỏ dải vải xuống thì phải về chứ ở lại có cầu mong cũng không còn tác dụng nữa. Biểu tượng phồn thực của cột nêu là rất rõ.

So sánh các lớp văn hóa trên với tục lệ của người Hmông ở Quảng Bạ (Hà Giang) cũng thấy dấu vết nghi lễ phồn thực: sau lễ hội, trai gái theo nhau vào “hội vỗ mông”, ai được vỗ nhiều là phấn khởi vì được mọi người yêu mến. Có thể nói “nghi lễ phồn thực biểu hiện tập trung ở thời điểm mạnh của lễ hội” [10, tr.178].

2.3.2.2. Gầu plềnh phản ánh nhu cầu luyến ái của nam nữ dự LHGT

Theo ông Doãn Thanh: Người Mèo nói “hát” tức là tìm hiểu, tình tự với nhau vì trai gái tìm hiểu yêu nhau thường cùng nhau ca hát [132, tr. 211]. Nhu cầu ca hát là nhu cầu rất tự nhiên của con người. Với thanh niên Hmông, ca hát là nhu cầu thiết yếu, là truyền thống và phong tục luyến ái từ ngàn xưa để lại. Chúng tôi được ông Ly Chẩn Tờ (chủ tế, 2003) và một số cụ già người Hmông cho biết: vì làng nọ cách xa làng kia, công việc hàng ngày rất bận rộn, trai gái ít có dịp gặp nhau nên hàng năm mở hội Gầu tào cho họ chọn vợ, chọn chồng: Người Hmông trồng cây nêu bên đèo/ Làm nơi cho gái trai về múa hát/...Nàng hỡi, sao nàng không hát/ Nàng không hát, mai kia các cụ hạ cây nêu/ Chất thành đống đốt cháy [134, tr. 47]; vả lại, người Hmông quan niệm con trai không biết khèn, sáo khó lấy được vợ đẹp, con gái không biết hát khó lấy được chồng tài giỏi (tất nhiên đây là chuyện ngày xưa), đặc biệt, với thanh niên Hmông, đã yêu nhau, tự nhiên muốn cất lời ca hát lòng mới thoả. Kho tàng Gầu plềnh có nhiều bài hát phản ánh điều này; đây là lời bà mẹ giục con gái đi hát LHGT (cô gái đang yêu một chàng trai): Con ơi! Thôi đừng khóc nữa.../Trai gái yêu nhau không chán, kết nhau không nản/ Con hãy đi với bạn tình, hát một đôi bài hạnh phúc lòng mới thoả [132, tr. 211].

LHGT thu hút hầu hết thanh niên nam nữ các vùng người Hmông lân cận đến dự. Họ đến để hát, cũng là để chọn bạn đời và hàng năm, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng từ những cuộc hát đó. Chúng tôi đã gặp và nói chuyện với một số cặp vợ chồng kết hôn do kéo nhau trong LHGT các năm tại hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ (Mường Khương), hiện đang sinh sống với nhau hạnh phúc (PL2.2, tr. 269). Họ đều cho rằng tìm hiểu nhau bằng hát trong lễ hội, yêu nhau, kéo được nhau về thì hết sức vui vẻ, mãn nguyện. Luật tục dân tộc Hmông cho phép nếu trai gái kết duyên trong lễ hội, người con trai có thể kéo người con gái về nhà; như vậy, việc cưới sẽ giảm nhiều chi phí. Tất nhiên, nếu người con gái không yêu mà người con trai cố tình kéo về là phạm luật. Khi kéo về nhà, cô gái được ở một gian buồng có chị em gái chàng trai hoặc bạn cô gái ở cùng. Chàng trai mang cơm, quần áo đến, nếu cô gái không ăn, không mặc tức là không đồng ý; tình huống này, nội trong ba ngày chàng trai và gia đình phải để cho cô gái về. Khi về, cô gái chạy, mọi người trong gia đình đuổi theo. Làm như thế để chứng tỏ cô gái vẫn còn trong sạch. Rõ ràng phong tục dân tộc Hmông về vấn đề luyến ái vừa cởi mở vừa nghiêm khắc, chặt chẽ. Nhu cầu tìm bạn đời trong LHGT của nhiều thanh niên Hmông là có thực, chính đáng, nghiêm túc theo luật tục; điều đó tạo

nên sức sống mãnh liệt của LHGT và được phản ánh trong Gầu plềnh: Em ơi! Anh cùng em nói lời hay thế này/ Hai bố con ông chủ cây nêu/ Đã ngả cây nêu sang bên kia đồi/ Anh sắp lạc em mất rồi [TLĐD, bài 23].

2.3.2.3. Gầu plềnh phản ánh nhu cầu giao lưu tình cảm và vui xuân của mọi người dự LHGT

Đồng bào Hmông ít có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi nhau vì đường xá xa xôi. Ngoài những buổi chợ phiên, chỉ còn ngày tết là họ được gặp nhau. LHGT là dịp để bà con thoả mãn nhu cầu giao lưu; con gái đi làm dâu có dịp gặp bố mẹ; họ hàng, bạn bè thân thích có dịp thăm hỏi nhau. Họ đến hội với những bộ quần áo mới, những đồ trang sức đẹp nhất, tấm lòng mở rộng với mọi người, niềm vui năm mới rạng ngời trên khuôn mặt. Trong men rượu nồng nàn, họ hàn huyên thăm hỏi, giãi bầy với nhau mọi chuyện; tình làng nghĩa xóm, tình cảm cộng đồng vì thế thêm bền, thêm chặt. Họ đến hội còn để ca hát, thi triển tài năng, tham gia các trò chơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện mình; những đôi tình nhân cũ có dịp để ca hát vui chơi với nhau; mọi người đều có thể tham gia và hát Gầu plềnh không phải chỉ với mục đích tìm hiểu yêu đương mà còn để giao lưu, giải trí, tâm tình: Nơi đây đều là người một nhà/ Tất cả đều con cái anh em trong đất nước.../ Hát không để người già ghét/ Đã cỡi ngựa không sự gió/ Hát không để người già mắng/ Hát theo đường vui không hát để người cười [134, tr. 46].

Lễ hội là thời điểm mạnh, thời điểm con người được thăng hoa vui vẻ, trút đi những gánh nặng đời thường lam lũ, để rồi kết thúc hội, họ bước vào một năm sản xuất mới, phấn khởi hơn: - Cây bương đổ không có chỗ nằm/ Nằm lăn kềnh ngang đồi/ Bạn gái rủ nhau đi làm mặc/ Cây bương đổ không có chỗ ngả/ Ngả lăn kềnh dọc núi/ Bạn trai rủ nhau đi làm ăn [132, tr.130] - Mai kia, các cụ hạ cây nêu bên đồi/ Nàng trở lại nhà cầm cuốc của mẹ cha theo chồng đi làm mặc [132, tr.121].

2.3.2.4. LHGT bảo lưu và phát triển Gầu plềnh

Tác giả Lương Vũ Minh trong bài “Vụn vặt về hội Gầu tào của dân tộc Miêu Văn Sơn” nhận định: “Mặc dù Thái hoa sơn (Gầu tào) chỉ là ngày hội, nhưng lại là ngày hội truyền thống long trọng nhất của người Miêu. Mặc dù Thái hoa sơn chỉ ngắn ngủi trong mấy ngày, nhưng đã làm cho con người lĩnh hội được phong tục mấy ngàn năm lịch sử của người của người Miêu” [189,

tr.127.bg]. Phong tục mấy ngàn năm ấy của người Hmông được lưu giữ chủ yếu bởi văn học dân gian và như vậy, văn học dân gian và lễ hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu văn học dân gian phản ánh lễ hội, là chủ đề của lễ hội, chi phối các hoạt động của hội thì ngược lại, chính môi trường lễ hội là nơi bảo lưu, phản ánh, tái tạo, sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển và làm sống dậy một cách sinh động nhất, truyền cảm nhất những tác phẩm văn học dân gian.

LHGT có vai trò quan trọng trong việc bảo lưu gìn giữ văn hoá dân gian, văn học dân gian Hmông nói chung và đặc biệt, nó góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, sáng tạo Gầu plềnh, làm cho Gầu plềnh ngày càng phát triển. Gầu plềnh chiếm một số lượng lớn trong dân ca Hmông. Đây là loại bài ca được nhiều người ưa chuộng và hầu như mọi người đều thuộc, đều hát. Trước kia, mọi người được học hát Gầu plềnh từ bé; lớn lên, họ đi hát và trong những cuộc hát, họ sáng tạo thêm, bồi đắp thêm làm cho số lượng các bài hát Gầu plềnh nhiều vô kể. Nhìn chung, làn điệu các bài Gầu plềnh khá đơn giản, người hát chỉ cần thuộc, trên cơ sở đó bổ sung lời. Cũng tuỳ theo hoàn cảnh mà người ta thêm lời, thêm ý, vì vậy, trai gái có thể hát hết ngày này sang ngày khác. Có thể nói, Gầu plềnh có sức cuốn hút đến đắm say lòng người, có sức lan toả mạnh mẽ. Tất nhiên, muốn hát được và dám tự tin hát trong lễ hội thì người hát phải thuộc rất nhiều bài có sẵn từ thế hệ trước truyền lại, từ đó mới có thể ứng tác trong cuộc hát. VD, từ lời ca quen thuộc: Txux txus tangl tsi tangl/ Tangl nduô nrơưr têx kangz kur (Lời nói muốn cạn lại không cạn/ Cạn như cửa suối tiếp sang cửa rừng [134, tr.155]); đến lễ hội (Pha Long), có người hát: Cha têx txux txus tsi txơưx tăngl/ Cha cur nxeik gâux xênh nar/ Cur lưs caox lak cur tâu nhaos caox. (Tạm dịch: Câu hát hay chẳng bao giờ kết thúc/ Để nữ đồng trinh này/ Em yêu anh thì phải có được anh) [TLĐD, bài 1].

Nhờ sự ứng tác Gầu plềnh khá linh hoạt trong thực tế các cuộc hát ở LHGT mà Gầu plềnh có sức sống lâu bền, mãnh liệt. Đồng thời, điều đó cũng tạo ra dị bản Gầu plềnh với số lượng lớn, khó có thể sưu tầm hết được. Sự phát triển của Gầu plềnh có vai trò đặc biệt quan trọng của LHGT, vì ở đó, mọi người đều muốn trở thành tốt đẹp nhất, muốn trổ tài, thể hiện hết mình đặng chinh phục đối phương; hơn nữa, ở thời điểm “mạnh" của lễ hội, tâm hồn, tình cảm, tài năng con người được thăng hoa, sức sáng tạo trở nên dồi dào hơn. Lời ca sau chỉ có thể được hình thành từ LHGT, là minh chứng hùng hồn cho sự phát triển của Gầu plềnh trong môi trường LHGT:

Người già trồng cây nêu bên đèo Là nơi trai gái về chơi về nghỉ, Đôi ta không biết hát thì thôi,

Biết hát như cây bương, cây tre thi nhau mọc [132, tr. 119]. Như vậy, chính LHGT là môi trường bảo lưu, nuôi dưỡng, sáng tạo, phát triển Gầu plềnh.

Tiểu kết chương 2

So với lễ hội của một số dân tộc khác, LHGT còn mang đậm tính chất hồn nhiên, nguyên thủy. LHGT thuộc loại hình lễ hội nông thôn ẩn chứa nhiều lớp trầm

Một phần của tài liệu Dân ca Gầu plềnh và Lễ hội Gầu tào của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi (Trang 62 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w