M. Sôlôkhôp một nghệ sĩ của cuộc sống và thời đại, người kế tục những
4.1. Tiếp nhận văn học dịch trong nhà trường
Ngữ văn là một trong những môn học quan trọng bậc nhất trong nhà trường, đặc biệt là cấp đại học (ĐH) và trung học phổ thông (THPT) ở Việt Nam. Bên cạnh việc dạy - học văn học dân tộc, việc lựa chọn các tác phẩm văn học nước ngoài đưa vào chương trình dạy - học trong nhà trường là một việc làm cần thiết để mở rộng tầm nhìn, giao lưu văn học, tạo điều kiện để tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại.
Các tác phẩm văn học nước ngoài được chọn đưa vào giảng dạy trong nhà trường thường là những tác phẩm dịch có chất lượng tốt, có giá trị nghệ thuật và giàu giá trị nhân văn. Tuy nhiên, việc giảng dạy văn học nước ngoài đòi hỏi người giáo viên cần có sự hiểu biết rộng rãi: am tường về lịch sử địa lí, say mê khám phá các giá trị văn chương, có vốn sống, vốn ngoại ngữ… nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu cho rằng: "Đưa học sinh vào một bài văn học nước ngoài phải tạo nên một không khí gì khác so với giờ giảng một bài văn học dân tộc. Nếu không…. học sinh chỉ nhớ những bài văn, bài thơ qua bản dịch, họ nhớ được tên tác giả, tác phẩm, nhưng cũng chẳng giữ được ấn tượng gì thật lắng đọng…" [302,18].
Như vậy, vai trò của người giảng dạy văn học dịch trong nhà trường rất quan trọng. Họ vừa là độc giả của bản dịch, vừa là người định hướng, dẫn dắt người học, giúp người học tiếp cận các tác phẩm văn học nước ngoài bằng tinh thần chủ động sáng tạo. Để nắm bắt được tinh thần của tác phẩm văn học nước ngoài, theo nhà giáo Phùng Văn Tửu: "người dạy không thể thiếu cái nhìn toàn cảnh", phải có thao tác đối chiếu nguyên tác với bản dịch, tác giả Hà Thị Hoà nhấn mạnh việc "khai thác yếu tố giọng điệu" ở cả nguyên tác và tác phẩm dịch" [101, 118]. Có như vậy, việc giảng dạy văn học nước ngoài mới thành công.