Tài hợp tác hoá nông nghiệp trong Đất vỡ hoang và Bão biển

Một phần của tài liệu Tiếp nhận M. Sôlôkhôp ở Việt Nam (Trang 101 - 105)

M. Sôlôkhôp một nghệ sĩ của cuộc sống và thời đại, người kế tục những

3.3.2. tài hợp tác hoá nông nghiệp trong Đất vỡ hoang và Bão biển

Được xem là “Cuốn sách giáo khoa đặc biệt về nông thôn”, Đất vỡ hoang lấy

phong trào tập thể hoá nông nghiệp ở nông thôn Nga những năm 1930 để phản ánh hiện thực của một cộng đồng lịch sử mới trong quá trình hình thành ý thức xã hội chủ nghĩa qua lao động. Tiểu thuyết đã chỉ ra ý thức tư hữu của người trung nông, khẳng định thái độ mới của người công dân đối với sở hữu xã hội chủ nghĩa, ngợi ca vai trò, vị trí tiên phong của người cộng sản trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Cũng như nhiều tác phẩm khác của Sôlôkhôp, chúng ta gặp trong tiểu thuyết Đất vỡ hoang ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt cùng với tâm hồn nhạy cảm và tính Đảng sâu sắc. Học tập Sôlôkhôp, rất nhiều nhà văn Việt Nam đã đi về các vùng quê, thâm nhập thực tế để sáng tác và cho ra đời những cuốn sách phản ánh đúng tinh thần thời đại bấy giờ. Các

nhà nghiên cứu thường nhắc tới ảnh hưởng của tiểu thuyết Đất vỡ hoang với Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Bão biển của Chu Văn… Tinh thần chung của các tác

phẩm này là ca ngợi những nhân tố tích cực trong các phong trào tập thể, phê phán cái tiêu cực, có hại cho tập thể. Trong số các tác phẩm trên, chúng tôi đánh giá Bão biển

của Chu Văn là tác phẩm có nhiều điểm gần gũi với Đất vỡ hoang của M. Sôlôkhôp. Bão biển là câu chuyện ở một xã phía nam đồng bằng Bắc Bộ cuối những năm

50 đầu những năm 60 của thế kỉ XX. Truyện kể về cuộc sống của đồng bào Công giáo vùng ven biển xã Sa Ngoại trong những năm đầu xây dựng chính quyền mới và đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Tiểu thuyết đánh dấu sự định hình của ngòi bút văn xuôi Chu Văn, góp phần quan trọng mang đến cho Chu Văn một chỗ đứng vững chắc trong làng văn học. Bão biển được xem như một trong những thành công của văn xuôi miền Bắc cuối những năm 1960.

Đọc Bão biển của Chu Văn, không khí của những năm tháng xây dựng nông

trang tập thể của xã Sa Ngoại khiến ta liên tưởng tới không khí của ấp Grêmiatri Lôc trong tiểu thuyết Đất vỡ hoang của Sôlôkhôp.

Grêmiatri Lôc tham gia kế hoạch tập thể hoá nông nghiệp khi vừa bước ra khỏi Nội chiến. Nhiều người dân Cô dắc chưa thật dứt khoát theo chính quyền Xô Viết, có người còn giữ những lề thói lạc hậu, lỗi thời. Khi bước chân đến Grêmiatri Lôc, Đavưđôp đã được bí thư huyện uỷ cảnh báo: “Tình hình ở ta lúc này vô cùng phức tạp. Toàn huyện mới tập thể hoá được 14,8 phần trăm. Và phần lớn mới chỉ là tập đoàn sản xuất. Bọn Culắc và nhà giàu còn dây dưa không chịu nộp thóc nghĩa vụ” [235, 16-17]. Cùng với đó là sự chống phá gay gắt của bọn phản cách mạng mà tiêu biểu là đại uý Pôlôpxep “Chuyện nông trang này sẽ đi tới đâu? Anh có biết không? Lúc đầu là nông trang rồi đến công xã, thủ tiêu hoàn toàn chế độ tư hữu. Không những bò, mà cả con cái của anh người ta cũng bắt về đưa nhà nước nuôi. Mọi cái sẽ thành của chung: Vợ, con, chén, bát, cùi dìa… anh sẽ làm một nông nô bị cột chặt vào ruộng đất” [235, 35]. Những người dân thì cũng chưa hiểu thực - hư, bao mối nghi ngờ về việc tập thể hoá: "… họ cứ nói lải nhãi điếc cả tai: vào đi, vào đi thôi. Nhưng bà con chối đây đẩy, chẳng ai chịu ghi tên. Ai tội gì chuốc vạ vào thân… Đời chúng tôi thế là hết. Tôi làm sầy vẩy, còng lưng cóp nhặt thế mà bây giờ lại phải đem đổ vào cái nồi chung, cả gia súc, cả lúa mì, cả gà qué, cả nhà cửa nữa… chẳng khác gì họ bảo mình: chú em đưa vợ đây cho anh còn chú chịu khó đi nhà thổ vậy” [235, 33]. Khó khăn chồng chất khó khăn. Yêu

cầu của cách mạng lúc này thật nặng nề: “Chú ý tập thể hoá trăm phần trăm… có cái tập đoàn sản xuất bé bằng lỗ mũi nhưng chúng ta phải dựng lên những nông trang tập thể khổng lồ” [235, 18].

Trong Bão biển, khó khăn cũng bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giữa một bên là những người có tư tưởng tiến bộ, những cán bộ của Đảng từ kháng chiến trở về muốn xây dựng cuộc sống mới, tốt đẹp hơn với một bên là những kẻ từng làm tay sai cho Pháp, những kẻ phản động đội lốt thầy tu... Tất cả được tác giả phản ánh trung thực trong tác phẩm, lúc thì qua lời nhân vật đối thoại, khi lại qua những nhận xét, sự trần thuật khách quan của nhà văn. Nó giúp chúng ta hình dung một cách tỉ mỉ về một thời kì lịch sử cực kì phức tạp của đất nước. Khi trở về quê hương, ngay từ đầu Tiệp đã phải đối mặt với: “nhiều khó khăn, lắm gian khổ. Nhưng cái khó khăn hơn cả là ở đây anh không nhìn thấy kẻ thù bằng xương bằng thịt mà lạ thay vẫn cảm thấy có kẻ thù. Nó quấn chân, nó cắn vụng, dai như đỉa, độc như rắn… tụi mũi lõ tóc quăn… đã bị truy đến tận gốc tích nhưng bóng dáng, tiếng hơi, lề thói mọi thứ của chúng vẫn còn ràng buộc, còn rơi rớt chưa sao mà xoá sạch” [311, 32]. Và rõ ràng “trong cuộc chiến đấu mới này trận địa không phân ranh giới. Có hai kẻ địch: thứ nhất là những nếp suy nếp nghĩ, lề thói, phong tục, sinh hoạt lạc hậu lưu lại đã thành nếp trong đầu óc con người như những vết sẹo hằn vào da thịt do gông cùm xiềng xích lâu ngày khắc vào. Động đến các thứ ấy thật đau xót như động vào một căn bệnh kinh niên, phải cắt mổ ung nhọt. Kẻ địch thứ hai là những đứa xấu, những tên lưu manh, phản động thực sự còn lén lút sống như loài cú vọ, nấp chỗ tối, nhè lúc gặp dịp sẽ sẵn sàng nhe răng cắn bậy” [311, 33]. Kinh tế eo hẹp, dân trí thấp, lại thêm bọn phản động chống phá cách mạng: “Sa Ngoại lắm vấn đề rắc rối nhất. Bọn phản động nó nhòm vào phong trào… như một miếng mồi béo bở…” [312, 13]. Có thể thấy, cuộc đấu tranh giữa cái tư hữu và ý thức cộng đồng, giữa cái mới và cái cũ được khắc hoạ sắc nét qua những sự kiện, những mâu thuẫn phức tạp trong hai tác phẩm.

Xây dựng hình tượng Con người mới trong phong trào tập thể là thành công to lớn của Sôlôkhôp trong Đất vỡ hoang. Các nhân vật Đavưđôp, Nagunnôp, Maiđanhicôp, Radơmiôtnôp, Varia, Suka hay Luska… đã trở thành những biểu tượng đẹp nhất về những con người tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bút pháp xây dựng nhân vật của Sôlôkhôp đã ảnh hưởng không nhỏ đến một số nhà văn Việt Nam. Độc giả nhận thấy: Tiệp (Bão biển), Khái (Đất làng) giống Đavưđôp, Lão Am (Cái sân gạch), lão Ba Bơ (Bão biển) giống Suka... đặc

biệt, Tiệp - nhân vật trung tâm trong Bão biển của Chu Văn có nhiều điểm tương đồng với Đavưđôp - nhân vật chính của Đất vỡ hoang.

Cả hai nhân vật này đều xuất thân và trưởng thành từ giai cấp công nhân, được cử về để gây dựng và chỉ đạo phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Tiệp và Đavưđôp là những người tiêu biểu cho lực lượng nòng cốt ở nông thôn mới đang chuyển mình đi lên chủ nghĩa xã hội. Những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ từ mặt trận trở về đã được các nhà văn khắc hoạ sâu đậm trong tiểu thuyết.

Tiệp và Đavưđôp đều là những Đảng viên hăng hái, nhiệt tình, dốc lòng dốc sức với công việc chung. Ngay từ những ngày đầu tiên đến ấp Grêmiatri Lôc, Đavưđôp đã tập trung toàn bộ trí lực vào công việc. Anh loay hoay tìm cách hiểu người dân nơi đây, tìm “chìa khoá” để mở cánh cửa tâm hồn họ, để thuyết phục họ tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, kiên quyết diệt trừ bọn phản cách mạng. Bằng tâm huyết của một người Cộng sản, anh đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết sang nhân dân, kêu gọi nhân dân hãy từ bỏ tư hữu để cùng nhau xây dựng nông trang tập thể “Đảng dự kiến tập thể hoá toàn bộ để bà con có máy cày và đưa bà con ra khỏi cảnh bần cùng… chỉ có nông trang tập thể mới cứu được nông dân lao động thoát khỏi nghèo khó… bọn Culắc là con quỉ khát máu sẽ hút máu đến khô kiệt… vậy thì các đồng chí phải dứt khoát, kiên quyết đi theo con đường Đảng đã vạch ra” [235, 42]. Trong suốt thiên tiểu thuyết chúng ta nhận thấy Đavưđôp luôn cố gắng hết mình, sát sao, tận tâm tận lực vì tập thể. Anh xuống từng cánh đồng, trực tiếp lao động cùng nhân dân “Đavưđôp nắm lấy tay cày, trong bụng hơi bồi hồi, bước đi theo lưỡi cày, mắt nhìn lớp đất đen mỡ màng bị cày bóc ra” [235, 434-435]; trải nghiệm những vất vả của người lao động “chân Đavưđôp bị ủng cọ xát buốt nhức nhối, lưng đau ở ngang hông… bước suốt ngày hôm nay hai lòng bàn chân anh bỏng rát hai ống chân nhức nhối. Co ruỗi chân kiểu nào cũng không ổn… và vừa đặt mình xuống đã thấy bồng bềnh hiện ra trước mắt làn đất đen bị xáo động… cảm thấy hơi choáng váng và nôn nao” [235, 436-437]. Anh nâng niu, trân trọng tới từng hạt thóc được gieo “mặt ruộng khô đi rất mau, hạt thóc gieo thiếu mầu không đủ sức đâm chồi lên… muốn vươn lên ánh sáng nhưng không đủ sức chọc thủng lớp vỏ đất hanh cứng thiếu hơi ẩm. Đavưđôp xuống ngựa. Anh quỳ xuống, lấy tay bới đất… cảm thấy xót xa cho hàng triệu hạt thóc nằm vùi dưới đất kia đang đau khổ vươn tới ánh sáng mặt trời vậy mà hầu như cầm chắc cái chết. Anh phát điên trước sự bất lực của mình” [235, 441].

Hình ảnh của người cán bộ tâm huyết ấy ta được gặp lại ở Tiệp trong Bão biển. Sau thời gian phục vụ trong quân đội, anh đã trở về quê hương với tinh thần trách nhiệm của một người lính bước vào cuộc chiến mới. Tiệp sẵn sàng đến nơi được xem là khó khăn nhất để giúp đỡ và cùng với nhân dân kiến thiết một cuộc sống tốt đẹp hơn. Giống như Đavưđôp, Tiệp là một người cán bộ hết lòng vì tập thể. Anh gần như chẳng bao giờ nghĩ đến bản thân. Khi xuất ngũ anh hoàn toàn có thể tìm việc ở một cơ quan, một nhà máy, tháng tháng có lương, lấy một cô vợ để yên ổn xây hạnh phúc gia đình. Nhưng không, anh đã tình nguyện về Sa Ngoại, một làng heo hút nơi đồng chua nước mặn, nghèo nàn cơ cực để “lao đầu vào công việc với tinh thần kỉ luật và mức độ chính xác tháo vát của một người lính… anh sao chép công văn, kí các giấy tờ, tự tay chạy giấy, đi kẻ khẩu hiệu, phát thanh. Rồi khi muốn làm bản báo cáo anh lại tự thân chạy từng xóm, từng nhà để lấy tình hình, ghi con số…” [311, 25]. Chu Văn đã viết về sự nhiệt tình với quê hương, với tập thể của Tiệp bằng một câu văn giản dị mà sâu sắc: “Anh lo cho làng xóm như con chim lo cho ổ trứng mới sinh” [312, 283]. Quên mình để sống và lao động vì tập thể là phẩm chất tốt đẹp nhất của những người Cộng sản trong thời bình được phản ánh rõ nét cả trong tác phẩm của M. Sôlôkhôp và Chu Văn.

Có thể nói, Đavưđôp và Tiệp là những hình mẫu lí tưởng của con người mới trong công cuộc xây dựng một xã hội mới. Đó là những con người “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu), sống không phải cho lợi ích cá nhân mình mà sống vì lợi ích cộng đồng. Dẫu cuối cùng, Đavưđôp và Tiệp đều hy sinh nhưng Grêmiatri Lôc của M. Sôlôkhôp và Sa Ngoại của Chu Văn đã hồi sinh.

Một phần của tài liệu Tiếp nhận M. Sôlôkhôp ở Việt Nam (Trang 101 - 105)