Tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" tác phẩm đầu tiên được dịch ra tiếng Việt từ bản tiếng Pháp

Một phần của tài liệu Tiếp nhận M. Sôlôkhôp ở Việt Nam (Trang 33 - 35)

Việt từ bản tiếng Pháp

Nhà văn Tô Hoài hồi tưởng: "ngay từ tháng Tám 1945, ở Hà Nội trên báo Cứu quốc… đã in tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, mỗi ngày một kỳ…" [109, 3]. Chúng tôi tìm đọc báo Cứu quốc để xác minh thông tin trên. Thật may mắn, số báo 231 ra ngày 4 tháng 5 năm 1946 ở trang 3 xuất hiện dòng tít lớn "Trường thiên Tiểu thuyết của báo Cứu quốc", tên tác phẩm dịch "Trên Sông Đông êm đềm", người viết: Michel Cholokhov và người dịch: Hồng Hà.

Như vậy, tác phẩm đầu tiên của M. Sôlôkhôp được dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt là tiểu thuyết Sông Đông êm đềm. Sự xuất hiện của tác phẩm này trên một tờ báo nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ đánh dấu sự có mặt của M. Sôlôkhôp ở một đất nước có bề dày đấu tranh. Mỗi ngày một số, độc giả Việt Nam dần dần được làm quen với tác phẩm đã được cả thế giới ngưỡng mộ. Đáng tiếc "món ăn tinh thần" hàng ngày này chỉ được duy trì trong gần 4 tháng. Trong số báo 362 ra ngày 1- 10 - 1946, cũng tại trang 3 quen thuộc, dịch giả Hồng Hà đã nói lời tạm biệt: "Báo Cứu quốc muốn hiến độc giả một truyện dài, chúng tôi liền chọn bộ tiểu thuyết Trên Sông Đông êm đềm của M. Cholokhov… đó là một bộ tiểu thuyết vĩ đại… và vô cùng đồ sộ. Theo

bản dịch Pháp văn của Payot xuất bản phải in tới 3 cuốn lớn, dày mỗi cuốn trên dưới 500 trang… với các chỗ nhỏ hẹp mà báo Cứu quốc dành cho truyện dài thì ít ra phải đến mấy năm mới xong. Bởi vậy tới kỳ này đã hết phần thứ 3, quyển 1 chúng tôi xin dừng ở đây… xin hẹn bao giờ có đủ điều kiện sẽ dịch tiếp và xuất bản nó…".

Để xác nhận lời giới thiệu của Hồng Hà "đã dịch hết phần 3 quyển 1", chúng tôi tìm đến nguyên bản tiếng Nga và phát hiện những dòng cuối cùng của bản dịch Trên Sông Đông êm đềm chính là phần kết thúc của chương 21 phần 2 quyển 1 “Тихий Дон”. Như vậy, trong 130 số của báo Cứu quốc (213 - 361) kéo dài gần 4 tháng (từ 4 -

5 - 1946 đến 30 - 9 - 1946), tiểu thuyết Sông Đông êm đềm lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam với bản dịch chưa hoàn chỉnh.

Trong trí nhớ của nhà văn Tô Hoài, ngoài Sông Đông êm đềm, "… năm 1945, ở Hà Nội đã dịch và in truyện Căm thù của M. Sôlôkhôp" [109, 3]. Nhà nghiên cứu Thuý Toàn viết "Cũng khoảng ấy, nhà xuất bản Hiên Nam đã cho ra đời tác phẩm Căm thù

của Sôlôkhôp do Học Phi dịch" [273, 70]. Huy Liên bổ sung: "Khoa học căm thù là

nhan đề một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Sôlôkhôp thời kì đó…, thiên truyện này đã được dịch và xuất bản dưới dạng một cuốn sách nhỏ" [144, 105]…

Sau này, chính nhà văn, nhà viết kịch Học Phi kể lại: sau chuyến đi công tác nước ngoài trở về, đồng chí Trường Chinh đã yêu cầu ông dịch cuốn sách của M. Sôlôkhôp bằng tiếng Anh. Trước nhiệm vụ khẩn cấp, ông đã dịch nhanh để nhà xuất bản Hiên Nam phát hành ngay trong năm 1946 dưới nhan đề Căm thù. Được một lãnh đạo cấp cao của nhà nước trực tiếp đem từ nước ngoài về, Khoa học căm thù đã trở thành một trong những tác phẩm văn học Xô Viết có ý nghĩa quan trọng đối với độc giả Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của các chiến sĩ. Tiếc rằng, bản dịch lịch sử này đến nay không còn được lưu giữ.

Như vậy, trước 1954, cụ thể là trong năm 1946, đã có hai tác phẩm của M. Sôlôkhôp là Sông Đông êm đềm và Khoa học căm thù được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Mặc dù chỉ mới được tiếp nhận gián tiếp qua bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh,

nhưng các dịch giả đã thể hiện sự chủ động chuyển tải nội dung, nghệ thuật và tinh thần tác phẩm gốc. Độc giả Việt Nam được làm quen với một nhà văn lỗi lạc, hiểu rõ

hơn về đất nước và con người Xô Viết. Rất tiếc, ngay trong khi báo Cứu quốc đang giới thiệu Sông Đông êm đềm thì nhân dân miền Bắc lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc dịch thuật và xuất bản tác phẩm của M. Sôlôkhôp tạm ngưng trong 10 năm (1947 - 1956). Con số 2 dịch phẩm của M. Sôlôkhôp thời kì này là dấu ấn cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhà văn với độc giả Việt Nam.

2.2.2. Giai đoạn 1954 - 1975

Sau hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Sự đối lập về thể chế chính trị, xã hội tạo nên sự tiếp nhận văn học không đồng nhất, đặc biệt là trong tiếp nhận tác phẩm văn học nước ngoài. Việc dịch và xuất bản

các tác phẩm văn học Xô Viết nói chung và tác phẩm của M. Sôlôkhôp nói riêng được quy định bởi thành phần độc giả, hệ tư tưởng của từng miền.

2.2.2.1. Sáng tác của M. Sôlôkhôp được dịch nhiều nhất ở miền Bắc những năm 1957 - 1964

Một phần của tài liệu Tiếp nhận M. Sôlôkhôp ở Việt Nam (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(174 trang)
w