Trong lý thuyết tiếp nhận văn học, dịch thuật là phần phụ trợ đắc lực của quá trình tiếp nhận. Nhà lí luận Phêđôrôp người Nga cho rằng: "Dịch là phương tiện của một ngôn ngữ này để diễn đạt một cách chính xác và đầy đủ bằng những phương tiện của một ngôn ngữ khác trong một thể thống nhất chặt chẽ giữa nội dung và hình thức" [130, 230]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, dịch thuật văn học là "một dạng thức sáng tác văn học đảm nhiệm chức năng chuyển tác phẩm viết bằng một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác… nhằm thể hiện lại diện mạo hình tượng đời sống ở tác phẩm được dịch thuật…" [246, 92]. Như vậy, dịch thuật không đơn giản là sự chuyển đổi hình thức ngôn ngữ tác phẩm, quan trọng hơn, nó còn là sự chuyển tải giá trị nghệ thuật ngôn từ và tư tưởng tác phẩm được tiếp nhận.
Việc chọn lựa tác phẩm dịch, chất lượng các bản dịch và sức sống của nó phản ánh nhu cầu, trình độ, thị hiếu thẩm mĩ của độc giả ở mỗi quốc gia trong những giai đoạn cụ thể. Trong tiếp nhận văn học, mối quan hệ: tác giả - nguyên tác - dịch giả -
bản dịch - độc giả là tương tác và đối thoại. Trong đó, dịch giả vừa là độc giả, vừa là
người sáng tạo. Để có bản dịch hoàn chỉnh, đảm bảo giữ được những giá trị nội dung, nghệ thuật của nguyên tác, phải làm thoả mãn tâm lí của độc giả nước mình, dịch giả cần có đủ kiến thức về hệ ngôn ngữ và bối cảnh văn hoá. Dịch thuật trước hết là giải mã ngôn ngữ, vì vậy, dịch giả phải là người thông thạo ngôn ngữ của văn bản nguồn và văn bản đích. Trong đó, việc trang bị vốn từ phong phú và sự hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ mẹ đẻ là yếu tố quan trọng giúp dịch giả có bản dịch thành công, phù hợp với tầm đón nhận của độc giả nước mình. Ngoài ra, những kiến thức về bối cảnh văn hoá, xã hội, tôn giáo, thẩm mĩ… của quê hương tác phẩm được sinh ra cũng là cơ sở để dịch giả hiểu tường tận về nguyên tác và có những sáng tạo phù hợp trong bản dịch.
Việc chọn văn bản để dịch và chọn cách dịch phụ thuộc vào tầm đón nhận của độc giả và sự biến đổi của lịch sử thời đại. Thông thường, độc giả của nguyên tác và độc giả của bản dịch thuộc các thời đại, văn hóa, xã hội khác nhau. Vì vậy, dịch giả là người phải tìm các phương pháp điều chỉnh, bổ sung để có bản dịch tốt nhất phục vụ độc giả.
Trong quá trình phát triển của các nền văn học trên thế giới, bên cạnh văn học dân tộc, "văn học dịch" là bộ phận không thể thiếu. Phan Ngọc nhận xét "một điều có thể khẳng định rõ ràng không một nền văn học dân tộc nào có thể phát triển, thậm chí có thể hình thành mà không có sự giao lưu, sự tiếp thu ảnh hưởng, sự tác động qua lại dưới dạng này hay dạng khác, ở qui mô này hay qui mô khác với các nền văn học, với các thành tựu văn học thế giới" [173, 185]. Thông qua các tác phẩm dịch, các nền văn học có thể xâm nhập vào đời sống tinh thần và có những ảnh hưởng nhất định đến nhau. Đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét tương đồng về văn hoá, lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc...
Ở Việt Nam, tác động của văn học dịch đối với văn học dân tộc là không thể phủ nhận. Từ lâu, các tác phẩm xuất sắc của văn học Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… và các nước Tây Âu như Pháp, Anh, Mĩ… đã được du nhập và có những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền văn học nước nhà. Từ những năm 30 của thế kỉ XX, văn học Nga - Xô Viết bắt đầu xuất hiện ở nước ta.
Theo hồi ức của nhà văn Như Phong, trong thời kì Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), đã có một số tác phẩm nổi tiếng như: Người mẹ của M. Gorki, Misa của B. Pôlêvôi, Khoa học căm thù của M. Sôlôkhôp, Tỉnh uỷ bí mật của Phêđôrôp... được dịch ra tiếng Việt. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, tác phẩm văn học Nga - Xô Viết được dịch sang tiếng Việt nhiều hơn và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả nước ta. Năm 1967, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã đưa ra con số: "hơn 300 tác phẩm của các nhà văn Liên Xô và cổ điển Nga đã được dịch và xuất bản tại nước Việt Nam dân chủ cộng hoà" [257, 92]. Mười năm sau thống nhất đất nước, nhà thơ Chính Hữu đã đưa ra con số ấn tượng "đến giữa những năm 1985, Việt Nam đã dịch và xuất bản 739 tác phẩm văn học cổ điển Nga và Liên Xô" [257, 93]. Đến 1989, dịch giả Thuý Toàn đã tổng kết: "Chỉ trong vòng 40 năm, từ khi Nhà xuất bản Văn học đi vào thực hiện kế hoạch xuất bản có quy củ… đã có hàng trăm tên sách của tác giả Nga, Xô Viết ra đời, nhiều tác phẩm được tái bản, mỗi lần tái bản đều được sửa chữa, bổ sung, thậm chí được dịch lại một bản mới" [277, 130]. Những con số biết nói phần nào tái hiện
hành trình dịch thuật - xuất bản văn học Nga - Xô Viết ở Việt Nam. Những năm cuối của thế kỉ XX, từ sau "nốt trầm" 1991 của chính quyền Liên Xô, ở nước ta, văn học Nga vẫn có một bộ phận độc giả nhất định. Ứng dụng lí thuyết Mĩ học tiếp nhận, chúng tôi sẽ triển khai nghiên cứu sự tiếp nhận M. Sôlôkhôp từ phương diện dịch thuật và xuất bản để "phục dựng" tầm đón nhận của độc giả Việt Nam qua các thời kì lịch sử cụ thể.