Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào một số tỉnh: 1 Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Hà Nội:

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam thực trang và triển vọng.doc (Trang 45 - 48)

2.3.3.1 Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Hà Nội:

Hiện nay, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vốn FDI vào Hà Nội, trong đó xuất hiện nhiều công ty, tập đoàn có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ về tài chính và công nghệ. Trong số đó phải kể đến các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Canon, Panasonic, Toto, Sumitomo Bakelite,Meiko…Nhật Bản hiện là một trong số những đối tác đầu tư lớn của Hà Nội.

Trong thời gian gần đây, Hà Nội với vai trò trung tâm của miền Bắc cũng là khu vực thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều dự án đầu tư với số vốn đầu tư lớn được xúc tiến tại đây. Tính đến ngày 24 tháng 2 năm 2011 trên địa bàn Hà Nội đã thu hút được 355 dự án có vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản với tổng số vốn đăng kí 3,1 tỷ USD. Với con số này, Hà Nội đã vượt qua TP HCM trở thành địa phương thu hút vốn lớn nhất từ Nhật Bản.

Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ điện tử, viễn thông, vật liệu như công ty Yamaha Motor Việt Nam (sản xuất lắp ráp xe máy) với tổng số vốn đầu tư 127 triệu USD, công ty Canon Việt Nam (sản xuất lắp ráp máy in màu) có tổng số vốn đầu tư 76,7 triệu USD, công ty TNHH Panasonic Home Appliances Việt Nam với tổng vốn đầu tư 93,4 triệu USD, dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam với Tập đoàn NTT với tổng vốn đầu tư là 332 triệu USD ...Các dự án công nghệ cao này có vai trò quan trọng trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao trình độ quản lý và sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt công nghệ Thủ đô. Các dự án FDI trong lĩnh vực bưu điện viễn thông của Nhật cũng góp phần tích cực vào hệ thống điện thoại viễn thông và xây dựng, lắp đặt đồng thời mạng điện thoại ở Hà Nội.

Nhật Bản hiện là quốc gia có số lượng dự án và số vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Hà Nội với 108 dự án, tổng số vốn đầu tư trên 1,48 tỷ USD. Trong đó, dự án đầu tư lớn nhất là của công ty TNHH Canon Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đầu tư sản xuất các loại máy in phun với số vốn 306 triệu USD tại khu công nghiệp Thăng Long.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư về công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, Nhật Bản đang có dự án đầu tư sản xuất

nông nghiệp ở Hà Nội. Đó là dự án “Trung tâm sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao kết hợp với các dịch vụ thương mại rau, hoa, cây cảnh” do công ty BP Mihama liên doanh với công ty cổ phần Công nghệ-thương mại Bình Minh tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Dự án dự kiến sẽ hình thành và bắt đầu khai thác và sử dụng cuối năm 2011. Sau khi trung tâm đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập tối thiểu 1,7 triệu đồng/người/tháng.

Các dự án FDI của Nhật Bản đã góp phần tăng nhanh số lượng, chất lượng các sản phẩm xuất khẩu của thành phố, trong đó đa số là các sản phẩm mới, công nghệ kỹ thuật cao. Các lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI Nhật Bản được đào tạo và tiếp cận với trình độ kỹ thuật và quản lý tiên tiến. Do vậy, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản không chỉ giải quyết được việc làm cho lao động thành phố mà còn từng bước hình thành nên một đội ngũ lao động quản lý, kỹ thuật có đủ năng lực, trình độ, kỷ luật công nghiệp để điều hành, quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường và đáp ứng được những yêu cầu mới trong sự nghiệp CNH-HĐH của thành phố. Các dự án cũng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng hàng năm của thành phố, góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm hấp dẫn thứ hai của nguồn vốn FDI tính trong cả nước. Cho đến nay, các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản đóng góp vào ngân sách thành phố hơn 100 triệu USD, đã tạo việc làm cho hơn 8 nghìn lao động, chiếm 18% tổng số lao động của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại khu vực phía Bắc.

Việc Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội 11 dự án vào 2 tháng đầu năm nay đưa Hà Nội trở thành địa phương thu hút vốn lớn nhất từ Nhật Bản đã khẳng định rằng các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng có niềm tin đầu tư vào Thủ đô. Với vai trò là thủ đô nước Việt Nam và là trung tâm kinh tế trọng điểm của miền Bắc, Hà Nội có triển vọng thu hút ngày càng nhiều vốn FDI của Nhật Bản trong tương lai.

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam thực trang và triển vọng.doc (Trang 45 - 48)