Vào đầu năm nay, Nhật Bản vừa mới bị hứng chịu trận thiên tai sóng thần và động đất lớn nhất trong lịch sử đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế Nhật Bản. Trong thời gian tới, Nhật Bản phải tập trung mọi nguồn nội lực và tranh thủ vốn đầu tư từ bên ngoài để tái thiết khu vực bị thiên tai và phục hồi kinh tế sau thảm hoạ, do vậy nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của nước này sẽ có xu hướng tạm giảm. Nhưng về cơ bản có thể thấy nhu cầu vốn đầu tư đó không ảnh hưởng đáng kể tới nguồn vốn mà Nhật Bản đã và sẽ còn đầu tư vào VN. Thị trường VN tuy không đóng vai trò quyết định, nhưng cũng có tầm quan trọng nhất định đối với việc phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản.Đầu tư và xuất khẩu của Nhật Bản sang VN vì thế cũng sẽ góp phần vào việc phục hồi kinh tế ở Nhật Bản sau thảm hoạ. Đồng thời, dựa trên những phân tích về chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản và những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam ở trên ta có thể kỳ vọng rằng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam nói chung cũng như miền Bắc nói riêng trong thời gian tới sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi thảm họa vừa qua của Nhật Bản.
Nhận định mới đây của các công ty Nhật Bản trong báo cáo điều tra mới nhất của JIBC về triển vọng đầu tư tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện đang đứng ở vị thứ 3 trong danh sách mảnh đất triển vọng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản cho thời gian trung hạn và đứng thứ 4 cho thời gian dài hạn. Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Nhật Bản ở châu Á, hiện nay Việt Nam đang hội đủ các yếu tố thuận lợi nhất như lao động khéo tay, chăm chỉ, nguồn lao động rẻ, nền kinh tế chính trị ổn định, khả năng phát triển của thị trường nội địa. Hơn thế nữa, quan hệ song
phương giữa hai nước đang trong gian đoạn rất ổn định và tốt đẹp, nhất là quan hệ đầu tư. Nhiều hiệp định song phương được ký kết giữa hai nước như hiệp định đối tác kinh tế (EPA), hiệp định về tự do xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa Nhật và CHXHCN Việt Nam, hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản(VJEPA) cùng với Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay và trong thời gian sắp tới.
Ông Marugani, trưởng văn phòng nghiên cứu quốc tế của JBIC cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần thay đổi quan niệm không chỉ coi Việt Nam là một cơ sở sản xuất mà còn là một thị trường tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm của doanh nghiệp Nhật. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang bị hấp dẫn bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Và đặc biệt mới đây nhất Ngân hàng thế giới trong báo cáo của mình đã dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lên 6,3% trong năm 2011 và tăng lên trung bình 7,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Yếu tố thuận lợi này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn FDI của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các đầu tư Nhật Bản trong giai đoạn sắp tới.
Theo ông Inotani Takahide - Giám đốc Công ty VIT Japan (công ty chuyên hoạt động kinh doanh với các DN Việt Nam và Nhật Bản) đang hoạt động tại Việt Nam, ngày càng nhiều DN Nhật Bản sang Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. Điều này mở ra cơ hội thu hút vốn FDI của Nhật Bản cho Việt Nam nói chung cũng như miền Bắc nói riêng.
Trong những năm qua, các địa phương miền Bắc đã nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và liên tục có những hội thảo nhằm xúc tiến cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường các tỉnh miền Bắc. Cùng với đó là sự xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều khu công
nghiệp, khu chế xuất chất lượng cao, đặc biệt là khu công nghiệp cao Hòa Lạc đã tạo nên lợi thế so sánh của miền trong việc thu hút FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản. Với xu hướng nguồn vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, miền Bắc với những lợi thế so sánh riêng của mình nhất định sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong việc thu hút FDI từ nhà đầu tư Nhật Bản.