Dự án Công ty TNHH Canon Việt Nam của Tập đoàn Canon Nhật Bản

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam thực trang và triển vọng.doc (Trang 56 - 58)

Canon là một tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, một công ty trong lĩnh vực sản xuất các sản phầm về hình ảnh và quang học. Tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam với dự án Công ty TNHH Canon Việt Nam với tổng số vốn đầu tư tổng vốn đầu tư 306,7 triệu USD với mục tiêu: sản xuất máy in phun, phụ kiện, thiết bị điện tử.

Ngày 13 tháng 4 năm 2001, công ty Canon đã được trao giấy phép đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất 100% vốn nước ngoài tại khu công nghiệp Thăng Long với số vốn đầu tư 76,7 triệu USD, trong 45 năm hoạt động. Từ khi có mặt tại Việt nam cho đến nay, Canon đã có bốn nhà máy tại Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.

Năm 2004, Canon Việt Nam đã đầu tư 100 triệu USD mở rộng nhà máy sản xuất in phun màu tại khu công nghiệp Thăng Long. Hà Nội đã trở thành nơi sản xuất chính máy in phun đa năng. Nhà Máy Canon Việt Nam đóng góp 25% tổng sản lượng Máy In Phun trên toàn cầu và hiện tại là nhà xuất khẩu lớn nhất ở Hà Nội với sản lượng xuất khẩu là 53% trên tổng sản lượng xuất khẩu của ngành có vốn đầu tư nước ngoài, và thu nhập hơn 200 triệu USD. Ngoài việc phục vụ thị trường Việt Nam, Máy In Phun được xuất khẩu tới các thị trường Châu Á, Châu Âu và Mỹ.

Tháng 4 năm 2005, nhà máy Canon tại khu vực công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh đã được khởi công,với mức đầu tư giai đoạn 1 là 50 triệu USD, thu hút hơn 3000 lao động vào làm việc. Canon Quế Võ sẽ trở thành nhà máy sản xuất in laser lớn nhất thế giới, có công suất tối đa là 8,5 triệu sản phầm/năm. Nhà máy Canon

đầu tư tại KCN Quế Võ sẽ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của thị trường thế giới về máy in Laser

Năm 2007, Công ty Canon Việt Nam đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất máy in phun màu lớn nhất thế giới, tổng vốn đầu tư gần 80 triệu USD, tại khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất 700.000 sản phẩm máy in phun mỗi tháng, sử dụng 3.500 lao động. Theo kế hoạch, trong giai đoạn II, công ty Canon Việt Nam sẽ đầu tư tiếp trên 40 triệu USD và thu hút thêm từ 2.500 đến 3.000 lao động.

Tháng 12 năm 2008, Canon Việt Nam đã xây dựng thêm nhà máy sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử kỹ thuật cao tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên với tổng vốn đầu tư đăng ký 134 triệu USD, giai đoạn I có giá trị đầu tư 63,4 triệu USD. Giai đoạn 1 công ty hoạt động cung cấp trên 136 triệu bộ sản phẩm/năm, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương.

Nhờ có việc Canon xây dựng các nhà máy, hàng loạt những công ty vệ tinh của Canon từ các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đã đến các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên tìm hiểu môi trường đầu tư, trong đó đã có một số công ty đăng ký thuê đất ở đây để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho Canon. Điều này khiến các khu công nghiệp Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Yên và các vùng lân cận đã có sự thay đổi đột biến trở nên sôi động hơn. Việc các nhà đầu tư ngày càng tập trung đầu tư đến các khu công nghiệp này đã góp phần làm giảm đáng kể con số người thất nghiệp tại các khu vực thành thị. Chỉ ba nhà máy của Canon nói riêng đã giải quyết một phần không nhỏ công ăn việc làm cho người dân ở khu vực phía Bắc. Hiện nay, Canon Việt Nam đã tạo công ăn việc làm cho hơn 22.000 người.

Từ năm 2006 đến nay, Canon luôn giữ vị trí công ty đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Canon Việt Nam đạt 1175 triệu USD, chiếm 2% kim ngạch xuất khẩu của toàn Việt Nam. Với kế hoạch mở rộng sản xuất của mình, Canon đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm và trở thành doanh nghiệp xuất khảu lớn nhất từ thị trường Việt Nam. Trong những năm gần đây, doanh thu của Canon luôn có mức tăng trưởng cao. Năm 2009, doanh thu là 1,2 tỷ USD, năm 2010 doanh thu hơn 1,5 tỷ USD, dự kiến năm 2011 doanh thu đạt 1,9 tỷ USD. Với những con số đáng kể trên, Canon đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam thực trang và triển vọng.doc (Trang 56 - 58)