2.2.1 Quy mô vốn đầu tư:
Lúc đầu các nhà đầu tư Nhật Bản còn khá dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam. Năm 1989, các nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu thăm dò thị trường Việt Nam với dòng vốn FDI mới chỉ có khoảng 1 triệu USD. Bước sang năm 1992, vấn đề Campuchia được giải quyết, quá trình đổi mới của Việt Nam gia tăng trên tất cả các lĩnh vực đã
tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, với 10 dự án và tổng số vốn đăng kí lên tới gần 106 triệu USD. Năm 1994, với những chuyển biến của tình hình quốc tế, cộng với việc đồng Yên tăng giá đã thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Theo thống kê của cục Đầu tư nước ngoài, năm 1994, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh với 35 dự án đầu tư và 347 triệu USD tổng vốn đăng ký. Năm 1995, FDI Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng vọt. Chỉ tính riêng năm 1995, Nhật Bản đã có 50 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Với những con số đáng kể này Nhật Bản đã dần trở thành nhà đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhưng bước sang năm 1997, do cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nhật Bản khiến cho vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam sụt giảm đáng kể từ 657,3 triệu USD (năm 1997) xuống chỉ còn 108 triệu USD (năm 1998). Năm 2000 và năm 2001, FDI của Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu của sự phục hồi, tuy nhiên các dự án FDI chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất quy mô nhỏ. Đến năm 2002, nguồn vốn FDI lại một lần nữa giảm-giảm 37,6 % so với năm 2001.
Biểu đồ 1: Quy mô FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Qua biểu đồ, ta thấy bắt đầu từ năm 2003, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng trưởng mãnh mẽ, đạt được những con số đáng kể. Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản được kí kết vào ngày 10 tháng 12 năm 2003 và Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được kí kết ngày 14 tháng 11 năm 2003 là bước đệm thúc đẩy dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tăng mạnh. Thêm vào đó, luật đầu tư thống nhất được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 cùng với việc Việt Nam và Nhật bản khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do đầu năm 2006 đã thúc đẩy làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản tràn sang Việt Nam. Năm 2006, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi Tokyo UFJ đã ký thỏa thuận hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản và tăng cường vốn cho doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Với các động thái trong quan hệ đầu tư của Nhật Bản và Việt Nam kể trên đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam. Năm 2005, vốn đầu tư của Nhật Bản giành vị trí thứ ba trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc và Hồng Kông với 107 dự án cấp mới đưa tổng vốn tích lũy lên 6,3 tỷ USD. Theo cục đầu tư nước ngoài, trong năm 2007, tổng số vốn cấp mới của Nhật Bản vào Việt Nam đạt trên 909 triệu USD với 156 dự án, đứng thứ năm trong danh sách đối tác đầu tư vào Việt Nam và tỷ lệ vốn thực hiện đạt 54,25 %.
Cùng với chiến lược “Trung Quốc +1” các TNCs Nhật Bản đang thực hiện chiến lược chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang một số nước khác trong khu vực, và Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng ở Châu Á. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam như: Yamaha, Canon, Honda, Sony, Toyota, Toshiba…Năm 2008, Nhật Bản vươn lên dành vị trí thứ ba trong danh sách đối tác đầu tư của Viêt Nam với 7,28 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Bước sang năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sụt giảm đáng kể chỉ có 141 triệu USD với 76 dự án. Năm 2010, nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, nền kinh tế Nhật Bản đang dần dần phục hồi, khiến cho dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2010 Nhật Bản đầu tư với 212 dự án được cấp mới với số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 2 tỷ USD. Xét về quy mô dự án, tính đến ngày 23 tháng 2 năm 2011, Nhật Bản đứng thứ ba trong danh sách đối tác đầu tư vào Việt Nam (sau Đài Loan và Hàn Quốc) với 1431 dự án với tổng số vốn đầu tư là 20,962 tỷ USD.
Qua các số liệu trên cho ta thấy Nhật Bản đã dần trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam và các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng tin tưởng đầu tư vào Việt Nam. Theo kết quả khảo sát thường niên của Tổ chức Xúc tiến thương mại
Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, có hơn 70% DN ĐTNN có kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất trong thời gian tới, thể hiện sự tin tưởng và an tâm của nhà ĐTNN vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.