Khu vực phía Bắc được chia thành vùng đồng bằng sông Hồng và miền núi trung du phía Bắc gồm Đông Bắc và Tây Bắc. Đồng bằng sông Hồng có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ thông ra biển. Ở đây có thủ đô Hà Nội, đầu mối chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Các đầu mối giao thông lớn tập trung ở đồng bằng sông Hồng tạo ra sự liên kết với các khu vực trong và ngoài nước. Với cảng Hải Phòng và bờ biển trải dài hàng trăm cây số là cửa ngõ ra vào thế giới của các tỉnh miền Bắc. Khu vực này có sân bay Nội Bài cũng góp phần giúp đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thuận tiện hơn. Đây là vị trí khá thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.
Miền Bắc có vị trí địa lý mang tính chiến lược đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Miền Bắc Việt Nam có vị trí tiếp giáp với phía Nam Trung Quốc, là khu vực lý tưởng để thực hiện mục tiêu, sản xuất với Trung Quốc. Hà Nội chỉ cách biên giới Việt Trung 170 km, là cửa ngõ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các nước ASEAN và phương Tây. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém do vậy trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử cần phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, vị trí địa lý thuận lợi liên lạc với Trung Quốc là yếu tố đảm bảo cho việc cung cấp linh kiện nhanh chóng. Và đặc biệt khu vực phía Bắc với vị trí của nó
là điểm hẹn đầu tư an toàn và hiệu quả cho chiến lược “Trung Quốc +1” của Nhật Bản, giúp các nhà đầu tư Nhật Bản giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.
Thuận lợi hơn nữa là miền Bắc Việt Nam gần với Nhật Bản hơn các miền khác. Đây là yếu tố chiếm ưu thế của miền Bắc so với miền Nam. Vị trí của Hà Nội rất gần với khu vực Kansai của Nhật Bản. Đây là khu kinh tế năng động nhất của Nhật Bản và đặc biệt khu vực này có Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, trung tâm văn hóa nổi tiếng, là cửa ngõ của Nhật Bản đến khu vực Đông Nam Á.