Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nơi nào có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tốt thì nơi đó có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Với các nhà đầu tư Nhật Bản cũng vậy, các dự án đầu tư chủ yếu chỉ tập trung ở những địa bàn thuận lợi về cơ sở hạ tầng. Vì vậy yếu tố quan trọng cần chú ý đầu tư nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác. Nếu so sánh với khu vực phía Nam, ngoại trừ Hà Nội và thành phố Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc không có điều kiện tự nhiên cũng như cơ sở hạ tầng thuận lợi. Hệ thống giao thông ở khu vực phía Bắc, đặc biệt ở các tỉnh miền núi còn hầu như mới trong giai đoạn được đầu tư cải tạo, còn rất nhiều hạn chế, kém hơn rất nhiều so với khu vực phía Nam. Bản thân khu vực miền Bắc với vùng Tây Bắc có địa hình chủ yếu là khu vực đồi núi thường gây ra tâm lý e ngại với các nhà đầu tư. Vì vậy, miền Bắc cần phải chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút hiệu quả hơn FDI Nhật Bản. Các địa phương cùng với các bộ ngành liên quan cần ưu tiên nâng cấp mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống điện, nước, giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường.
Các địa phương cần phải tập trung đầu tư để hoàn thành mạng giao thông liên hoàn, đồng bộ và thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa đi cả nước và nước ngoài. Hệ thống giao thông vận tải phải đảm bảo an toàn, tiện lợi, góp phần giảm thiểu tới mức cao nhất chi phí lưu thông, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; làm đúng với chương trình, kế hoạch, tránh dài trải, lãng phí. Với các tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải còn kém do vậy Nhà nước cần có chính sách ưu tiên hơn nữa trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA để đầu tư vào xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn tỉnh, từ đó cải thiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, các địa phương miền Bắc cần chú ý đầu tư cải thiện hệ thống cầu cảng. Trong khi nhập nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu đều vẫn phải chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu thì vấn đề cầu cảng là vô cùng quan trọng khi lựa chọn địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên những địa điểm mà gần hệ thống cầu cảng, thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên vật liệu, qua đó giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Do đó, đối với riêng thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cần chú ý cải thiện hệ thống cầu cảng của mình. Hải Phòng và Quảng Ninh là nơi tập trung cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển ở đây vẫn chưa được đầu tư xây dựng và phát triển xứng với tiềm năng của nó do vậy thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp với các cơ quan liên ngành để lên kế hoạch vận động, khuyến khích và kêu gọi dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp cảng, từ đó có thể tận dụng tốt hơn vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi sẵn có của các thành phố này.
Bên cạnh đó, các địa phương nên tập trung đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng KCN, KCX nhằm tăng cường sức hấp dẫn của các KCN, KCX với các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy rằng các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ở Việt Nam, ở các tỉnh phía Nam có thể dễ dàng nhận thấy sự thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp Nhật Bản nói riêng của hệ thống khu công nghiệp như KCN ở Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh…Chính vì thế, đầu tư xây dựng khu công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trên địa bàn các tỉnh miền Bắc là một chiến lược hết sức quan trọng. Do đó, Ban quản lý các KCN ở khu vực phía Bắc cần quan tâm tới một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng KCX hay KCN dưới mọi hình thức đầu tư. Đa số
trong các trường hợp có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài thi chất lượng công trình được đảm bảo hơn do đó tạo lòng tin hơn nơi các nhà đầu tư.
Cần đảm bảo, duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng và điều kiện cơ sở hạ tầng trong các KCN đã và đang hoạt động như nguồn cung cấp dịch vụ nước, điện, bưu chính viễn thông.
Tăng sức hấp dẫn của các khu công nghiệp bằng cách đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là xét trong mối quan hệ so sánh với các khu công nghiệp, khu chế xuất ở khu vực phía Nam. Các ưu đãi như: giá thuê đất, mặt bằng; giá dịch vụ như điện, nước, điện thoại, thời hạn ưu đãi về thuế có thể được kéo dài…
Ban quản lý các khu công nghiệp hay cơ quan quản lý chức năng tương đương khác cần tổ chức cuộc phỏng vấn thăm dò điều tra, lấy ý kiến của các nhà đầu tư trong địa bàn về mức độ thỏa mãn của họ đối với môi trường đầu tư hiện tại. Kết quả điều tra này sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý chức năng tìm ra những biện pháp tối ưu và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Hơn thế, thông qua các điều tra này, các nhà đầu tư có thể đưa ra những ý kiến đóng góp một cách sát thực hơn.