Dân chủ là một phạm trù rất rộng mà nội dung cốt lõi của nó là "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân". Mức độ dân chủ hóa đời sống xã hội, khả năng và sự tham gia thực tế của người dân vào các sinh hoạt chính trị - xã hội của địa phương cũng như của đất nước có ảnh hưởng rất quan trọng tới sự hình thành dư luận xã hội. Trong điều kiện xã hội có dân chủ rộng rãi, có thông tin phong phú, Nhà nước nói chung và các cấp chính quyền nói riêng biết lắng nghe ý kiến của nhân dân thì mọi người sẵn sàng thẳng thắn, cởi mở bộc lộ các ý kiến, quan điểm của mình, tham gia bàn bạc các vấn đề chung của đất nước, đóng góp ý kiến vào các dự án luật thì dư luận xã hội về các vấn đề pháp luật có điều kiện hình thành thuận lợi. Khi đó, dư luận xã hội sẽ phát huy được mạnh mẽ vai trò của nó đối với việc nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Ngược lại, trong điều kiện xã hội thiếu dân chủ, thông tin nghèo nàn, thậm chí bị cắt xén, xuyên tạc thì dư luận xã hội thường hình thành rất khó khăn, chậm chạp.
Sau hơn 10 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khởi xướng, chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực dân chủ hoá đời sống xã hội, thành tựu nổi bật nhất là: trên cơ sở cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua, Đảng ta đã từng bước bổ sung và cụ thể hoá thành các chủ trương dân chủ hoá trên từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong quá trình đó, Đảng ta đã được củng cố về chính trị, tư tưởng và tổ chức; vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội được tăng cường. Việc đổi mới tư duy tổ chức bộ máy, phương pháp và phong cách lãnh đạo của Đảng đã mang lại những kết quả to lớn: đường lối đổi mới ngày càng được hoàn
thiện, nhờ vậy, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn; Đảng đã khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu lý tưởng của Đảng và của dân tộc; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình; Đảng giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, nhạy bén trong việc hoạch định chủ trương đổi mới trên các lĩnh vực cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương đó; Đảng có giải pháp tích cực nhằm tự đổi mới, chỉnh đốn bản thân mình gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Đảng vừa góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội, vừa tạo điều kiện, tiền đề chính trị cho sự dân chủ hoá đó, bảo đảm tính định hướng chính trị của quá trình phát triển nền dân chủ ở nước ta: từng bước hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trên lĩnh vực lập pháp: chúng ta đã ban hành Hiến pháp (1992) và nhiều văn bản luật, dưới luật thể chế hóa quyền dân chủ của công dân.
Chúng ta đã tiến hành cải cách nền hành chính quốc gia, tiếp tục xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc quản lí nhà nước bằng pháp luật đang dần được hoàn thiện. Nhờ những bước tiến đó đã góp phần làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước đạt được những bước tiến quyết định theo định hướng: phát huy quyền làm chủ của công dân, tăng cường kỉ cương và nâng cao hiệu lực quản lí của nhà nước. Mặt khác, nhờ những cải cách của nền hành chính quốc gia, mà quyền tham gia của nhân dân vào hoạt động giám sát bộ máy hành chính của nhà nước được thực hiện có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay, còn bộc lộ nhiều yếu kém và hạn chế:
Về hoạt động lập pháp và lập qui ngày càng được dân chủ hóa và khoa học hơn nhưng bộ máy nhà nước còn nhiều cồng kềnh chưa phù hợp. Tình trạng quan liêu, tham nhũng nhiều tầng, nhiều lớp của bộ máy hành chính làm
cho yêu cầu quản lí các quá trình kinh tế xã hội (bao gồm cả việc nắm bắt dư luận xã hội) còn chưa phù hợp, chưa nhanh nhạy và kém hiệu quả. Tình trạng "nghiệp dư" của đội ngũ cán bộ công chức còn chưa được khắc phục, trật tự, kỉ cương phép nước còn bị vi phạm ở nhiều nơi.
Trong xã hội, nhiều tệ nạn xã hội phát triển nhanh, số người dân thiếu kiến thức pháp luật, xem thường pháp luật và vi phạm pháp luật còn nhiều, dẫn đến việc thực hiện pháp luật trên thực tế kém hiệu quả. Sau đây, xin nêu ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay.