Người ta thường nói, tham nhũng phát sinh từ quyền lực cộng với hành vi vụ lợi cá nhân. Do đó tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ và quyền hạn đó để tham nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại tài sản nhà nước, tập thể và cá nhân.
Về mặt kinh tế, tham nhũng làm cho nền kinh tế ruỗng mọt, làm biến chất quan hệ sở hữu, làm rối loạn chính sách phân phối, đi chệch hướng phát
triển và không có khả năng thực hiện các mục tiêu dự kiến ban đầu. Để tham nhũng hoành hành, về mặt xã hội sẽ làm tăng nỗi bất công, đảo lộn luân thường đạo lý, gây ra tình trạng khinh nhờn pháp luật, phát triển hình thức bóc lột phi kinh tế như có nhà nghiên cứu đã đề cập. Về mặt chính trị, tham nhũng đến một mức nào đó sẽ phá vỡ thể chế, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, gây bất ổn xã hội, dẫn tới sụp đổ chính quyền.
Trong những năm gần đây, nạn tham nhũng đã trở thành căn bệnh trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Dưới sức ép đấu tranh của quần chúng, ở nhiều nước đã phanh phui một số vụ tham nhũng bắt nguồn từ những nhân vật chóp bu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vai trò cầm quyền của một chính đang và sự hưng thịnh của đất nước. Nhận rõ tác hại của nó, nhiều nước đã thành lập Ủy ban chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống hoặc bộ chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lãnh đạo. Tổ chức chống tham nhũng quốc tế cũng được thành lập với sự tham gia của 157 quốc gia, tổ chức các Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin và phối hợp hành động. Gần đây, tháng 9/1997 tại Lima, Thủ đô nước Cộng hoà Pêru đã diễn ra Hội nghị quốc tế chống tham nhũng lần thứ VI với sự tham gia của 950 đại biểu của 93 nước, trong đó có đại biểu của nước ta. Hội nghị đề ra "Tuyên bố Lima" về chống tham nhũng trên toàn thế giới, có những nhận xét, định hướng mà ta rất nên nghiên cứu, tham khảo.
Ở nước ta, ngay từ khi Đảng cầm quyền, bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu đã len lỏi vào bộ máy của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chống tham ô, lãng phí là một nhiệm vụ cấp bách. Người nói: "Tham ô, lãng phí, quan liêu dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là một thứ giặc trong lòng, giặc nội xâm". Bởi tham nhũng đã gây nên những hậu quả khôn lường cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội: "Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính… Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám".
Khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường thì mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực vào xã hội khá nhanh, làm cho tình trạng tham nhũng trở nên khá phổ biến, "có xu hướng phát triển ngày càng nghiêm trọng hơn". Từ số tiền thấp tới số tiền cao, cả bạc tỷ, từ tính chất thấp tới tính chất nghiêm trọng, tới cả "mua quan, bán chức", "móc nối trên dưới, trong ngoài", từ cấp thấp tới cả một số người giữ trách nhiệm cao, từ hành vi đơn giản là "thụt két" tới hành vi tinh vi, ngoắt ngoéo, rất phức tạp, thậm chí bắt đầu có hiện tượng rửa tiền"... Những vụ án lớn vừa đưa ra xét xử đã làm cho nhân dân sửng sốt, vì hậu quả mà nó đưa lại thật ghê gớm. Có những vụ tham nhũng số tiền không lớn, nhưng động tới chính sách xã hội, người có công với nước, đồng bào dân tộc miền núi... gây bất bình trong xã hội. Đấu tranh đẩy lùi, ngăn chặn nạn tham nhũng, lãng phí của công, đó vừa là một nhiệm vụ cấp bách vừa là một nhiệm vụ cơ bản, vì nó đe dọa cả chế độ và sự tồn vong của Đảng.
Ngay trong những năm vừa qua, có hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn gây bất bình trong nhân dân và bị dự luận lên án mạnh mẽ:
Tháng 12/2005, vụ án PMU 18 bùng lên gây phẫn uất trong dư luận. Không ai có thể tưởng tượng ông Tổng Giám đốc xuất thân từ một gia đình dòng dõi (bố là tướng quân đội về hưu...) như Bùi Tiến Dũng lại có thể vác một lúc vài triệu USD đi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Tuy nhiên, như một vết dầu loang Bùi Tiến Dũng chưa phải là kẻ hoang phí đầu tiên và cuối cùng. Hàng loạt đồng bọn của Dũng tại PMU 18 hay tại các đơn vị khác như: Vũ Mạnh Tiên, Lương Mạnh Hoa, Nguyễn Việt Bắc... lần lượt lộ sáng.
Tháng 4/2006 nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến bị bắt. Trước đó, là hàng loạt thông tin liên quan đến vị Thứ trưởng được đánh giá là "rất có năng lực" này. Sau đó nữa, là cuộc tranh luận giữa Thứ trưởng và Bộ trưởng trên báo chí. Mọi chuyện được phanh phui hết: quan hệ cá nhân, công việc, nhờ vả lẫn nhau... Bộ Giao thông vận tải bị lung lay trước sức ép dữ dội của công luận.
Bản án sơ thẩm tuyên ba bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn vì tiêu cực đất đai tại địa phương này hình thức: Cảnh cáo, các bị cáo
phải nộp 50.000 đồng tiền án phí, đã gây sốc đối với công luận. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải yêu cầu Bộ Công an, kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao ra kháng nghị, huỷ án sơ thẩm để yêu cầu Cơ quan điều tra xử lại vụ án. Điều đó cho thấy, chống tham nhũng luôn không dễ dàng. Nếu không có sự đồng thuận quyết tâm từ Trung ương đến địa phương và một trong những đóng góp quan trọng đó là dư luận xã hội thì không thể thành công.
Gần đây nhất là vụ "xà xẻo" tiền cứu trợ đồng bào bị lũ quét ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Rất có thể, số tiền thiệt hại trong vụ việc này không lớn như nhiều vụ án kinh tế khác nhưng tính chất của hành vi phạm tội lại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân.
Ngoài mức độ nguy hiểm của nhóm tội phạm tham nhũng, mấy năm gần đây các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma tuý, mại dâm xảy ra liên tiếp, có mặt ở mọi nơi, hoạt động dưới những hình thức trá hình khác nhau như kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường, karaoke... gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống xã hội. Nếu không có sự lên án của dư luận thì các cơ quan nhà nước khó có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cùng với những cơ quan bảo vệ pháp luật, dư luận xã hội cũng góp phần tích cực trong việc phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Dư luận xã hội định hướng cho đội ngũ cán bộ công chức đặc biệt là cán bộ cơ sở vì họ là những người gần dân hơn tất cả những cái cần phải làm, cái được phép, cái có thể, cái bị ngăn cấm trong các hành vi xã hội của họ theo đúng nguyên tắc, qui định của pháp luật. Dư luận xã hội là phương tiện hữu hiệu góp phần ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi phạm pháp, phạm tội. Việc dư luận xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi phạm pháp, phạm tội sẽ khiến cho các cán bộ cấp cơ sở phải luôn luôn có ý thức điều chỉnh hành vi pháp luật của bản thân họ.
Dư luận xã hội là một phương tiện giáo dục có hiệu quả, đồng thời là một nhân tố phòng ngừa vi phạm pháp luật. Do bản chất của nó là sự phán
xét, đánh giá tập thể, nên dư luận xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành cách ứng xử hợp pháp của các thành viên trong xã hội, ràng buộc từng cá nhân phải khuôn mình theo pháp luật, theo các chuẩn mực xã hội chủ nghĩa. Có những luồng dư luận không mang tính pháp lý nhưng lại mang tính chất chính trị, đạo đức. Trong trường hợp này, dư luận xã hội là công cụ giáo dục, thuyết phục, đấu tranh để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng phạm pháp cũng như động cơ tâm lý trong vi phạm pháp luật của công dân. Uy lực pháp luật đối với trường hợp phạm pháp có động cơ tâm lý rõ rệt như: trộm cắp, hủ hoá, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa... nhiều khi không mạnh bằng uy lực của búa rìu dư luận xã hội. Nhà nước thông qua hệ thống truyền thông đại chúng để định hướng dư luận xã hội như là một biện pháp thuyết phục, khêu gợi và khuyến khích sẽ có tác dụng làm giảm các vụ vi phạm pháp luật, củng cố kỷ luật lao động và ý thức chấp hành các nguyên tắc nếp sống xã hội chủ nghĩa [7].