Dân chủ về chính trị trước hết phải có một nhà nước thực sự dân chủ:
nhà nước đó là nhà nước do nhân dân bầu ra qua nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Nhà nước đó phải thực sự là công cụ để thực thi những yêu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp và thông qua các tổ chức đại diện của nhân dân. Nhân dân có quyền bỏ tín nhiệm, hay bất tín nhiệm với một bộ phận cơ quan nhà nước, công chức nhà nước làm hại đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Dân chủ về chính trị là việc mở rộng quyền tham gia của nhân dân vào các công việc của nhà nước; nhân dân được thảo luận về các vấn đề lớn, nhỏ có liên quan đến lợi ích trực tiếp chính đáng của mình. Với ý nghĩa đó, quyền của người dân không chỉ được thực hiện thông qua các thiết chế đại diện, nó còn được thực hiện thông qua thiêt chế dân chủ trực tiếp.
Dân chủ về chính trị có nghĩa là bảo đảm cho mọi người dân có quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng phù hợp với qui định của pháp luật.
Dân chủ về chính trị cũng phải đảm bảo mọi đại biểu cho dân phải do nhân dân bầu ra một cách thực sự dân chủ, mọi công dân không phân biệt thành phần giai cấp, giới tính, nghề nghiệp, lĩnh vực hoạt động hợp pháp đều bình đẳng trước pháp luật...
Dân chủ về kinh tế một mặt là phải hoàn thiện thể chế kinh tế, đặt nền kinh tế dưới sự kiểm soát của nhân dân, phục vụ cho nhu cầu và lợi ích chính đáng của người dân. Hai là, hình thành một cơ chế kinh tế trong đó mọi người lao động đều được tham gia vào quá trình quản lí sản xuất kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau. Ba là, kết hợp kế hoạch của Nhà nước với việc phát huy sáng kiến của doanh nghiệp, của người lao động. Bốn là, thị trường phải là nơi cạnh tranh trên nguyên tắc giá trị, chất lượng sản phẩm để bảo đảm lợi ích chính đáng của người tiêu dùng…
Dân chủ về xã hội trước hết phải đảm bảo quyền công dân, quyền con
người, quyền được bảo vệ về mặt xã hội của mỗi người dân, khắc phục dần sự khác biệt giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, giữa các vùng của đất nước.