Nâng cao trình độ văn hóa chính trị của nhân dân

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay (Trang 116 - 118)

Để phát huy vai trò của dư luận xã hội có nhiều giải pháp khác nhau, nâng cao trình độ văn hóa chính trị cho quần chúng là một trong những giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của dư luận xã hội.

Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đạt được, thể hiện nhận thức, trình độ của họ trong một giai đoạn nhất định nào đó.

Văn hóa chính trị là một dạng biểu hiện đặc trưng của văn hóa cộng đồng, gắn trực tiếp với mối quan hệ của công dân với Nhà nước, với các tổ chức chính trị - xã hội, giữa mỗi người với dân tộc mình.

Văn hóa chính trị có vai trò quan trọng tới việc hình thành và tạo lập dư luận xã hội. Sống trong một xã hội mà trình độ văn hóa chính trị của người dân được nâng cao thì khả năng tham gia quản lí nhà nước, ý thức pháp luật của người dân cũng được nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay trình độ văn hóa chính trị của một bộ phận người dân Việt Nam còn thấp. Do vậy, cần có những giải pháp nhằm nâng cao văn hóa chính trị của người dân. Sau đây là một số giải pháp:

- Nâng cao dân trí là giải pháp cơ bản có ý nghĩa nền tảng. Trình độ văn hóa chính trị phụ thuộc lâu dài vào trình độ dân trí và trình độ văn hóa cơ bản của mỗi người dân. Để nâng cao trình độ dân trí cho người dân thì cần phải thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tạo nền tảng văn hóa cơ bản cho thế hệ trẻ và cho toàn bộ xã hội.

- Thường xuyên coi giáo dục chính trị - tư tưởng và pháp lý cho công dân là giải pháp quan trọng nâng cao trình độ văn hóa chính trị và tạo cơ sở vững chắc hình thành và phát huy tác dụng của dư luận xã hội tích cực. Có nghĩa là phải làm cho nhân dân thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Đồng thời làm cho mỗi công dân ý thức được quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào công việc của nhà nước và xã hội. Giáo dục chính trị - tư tưởng và pháp lý thông qua nhiều kênh: nhà trường, đoàn thể xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Pháp luật là công cụ để quản lí xã hội, muốn đưa pháp luật vào cuộc sống để mọi người dân có thể hiểu được và thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế thì phụ thuộc rất nhiều vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nếu thực hiện tốt công tác này thì hoạt động thực hiện pháp luật mới có hiệu quả, và ngược lại.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường và quản lí xã hội bằng pháp luật.

Cần đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong nhà trường không chỉ ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, mà cả trong các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học. Để việc giảng dạy pháp luật đạt hiệu quả cần phải có kế hoạch giảng dạy cụ thể và giáo trình phù hợp với từng đối tượng giáo dục và cấp học cụ thể.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật ở những nơi có ít điều kiện tiếp xúc với thông tin: vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc...

Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng và có hiệu quả về cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, sớm triển khai áp dụng khoa học công nghệ cho công tác này để đạt hiệu quả cao nhất.

Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn pháp lí. Đặc biệt chú ý, công tác trợ giúp pháp lí cho người nghèo, các đối tượng chính sách để họ có điều kiện tương tự như người khác trong việc tiếp cận và sử dụng pháp luật.

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay (Trang 116 - 118)