Các yếu tố tác động đến quá trình hình thành dư luận xã hộ

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay (Trang 28 - 34)

Sự hình thành dư luận nói chung cũng như dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Có thể nêu ra những yếu tố chính sau đây:

Thứ nhất là tính chất của các sự kiện, hiện tượng quá trình xã hội:

luận xã hội hình thành nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, rộng hay hẹp, theo khuynh hướng khác, phụ thuộc vào ý nghĩa thực tế và mối quan hệ của sự kiện, hiện tượng đối với nhu cầu, lợi ích của người mang dư luận. Công chúng tán thành, ủng hộ những sự kiện, hiện tượng phù hợp với lợi ích của họ và phản đối những hiện tượng trái với lợi ích của bản thân họ

Nếu có nhiều sự kiện, hiện tượng cùng diễn ra thì trước hết công chúng quan tâm, đưa ra sự phán xét, đánh giá đối với những sự kiện, hiện tượng liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân, hàng ngày của họ. Ngược lại, đối với những sự kiện, hiện tượng nhỏ, liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau, dư luận thường hình thành chậm, vì phải thông qua quá trình bàn bạc lâu dài để đi đến thống nhất quan điểm.

Đối với những sự kiện phức tạp, lại xảy ra trong khoảng thời gian dài, thường đưa đến những đánh giá, nhận định khác nhau, sự thống nhất ý kiến chung khó khăn, do đó dư luận xã hội hình thành chậm.

Đối với sự kiện, hiện tượng xuất hiện bất ngờ, trong điều kiện công chúng chưa được chuẩn bị kỹ, thường gây ra tâm lý hoảng loạn, sự đánh giá thường thiếu chính xác, đôi khi rất cực đoan, hoặc thiên về sự đánh giá rất lạc quan, thiếu cơ sở khoa học hoặc cũng có thể thiên về sự đánh giá mang tính chất bi quan.

Đối với những sự kiện diễn ra từ từ, theo trình tự thông thường thì tác động thường không mạnh mẽ, nhưng dư luận lại được hình thành trong trật tự. Sự hình thành dư luận xã hội còn phụ thuộc vào tính thời sự của sự kiện, hiện tượng. Đối với những sự kiện, hiện tượng vừa mới xảy ra, dư luận thường hình thành nhanh và mạnh hơn. Nếu tính thời sự của sự kiện giảm đi theo thời gian thì cường độ của dư luận xã hội về nó cũng sẽ giảm đi.

Dư luận xã hội hình thành, phát triển còn phụ thuộc vào việc giải quyết các sự kiện, hiện tượng có triệt để, toàn diện hay không. Những sự kiện, hiện tượng được giải quyết đúng đắn, kịp thời thường được đưa ra sự đánh giá tích cực. Ngược lại, nếu sự giải quyết thiếu kịp thời, không dứt điểm, không

đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng thì sự trao đổi, bàn tán sẽ kéo dài, hình thành nhiều quan điểm, nhiều luồng dư luận khác nhau

Thứ hai là trình độ hiểu biết, hệ tư tưởng, trình độ văn hoá: Dư luận

xã hội là quá trình mang tính trí tuệ, nên tri thức của chủ thể có ảnh hưởng lớn đến sự đánh giá, phán xét, quá trình hình thành dư luận xã hội. Chủ thể có trình độ văn hoá càng cao thì càng tích cực tham gia vào việc đánh giá các sự kiện, hiện tượng. Ngược lại, chủ thể có trình độ văn hoá thấp ít tham gia vào việc đánh giá, phán xét các sự kiện, hiện tượng xã hội. Thông thường, ở những khu vực đô thị, nơi trình độ của người dân cao thường nhạy bén hơn với tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, với các sự kiện diễn ra trong nước và trên thế giới thì khả năng hình thành dư luận xã hội cũng nhanh và mạnh hơn. Trình độ văn hoá của chủ thể là cơ sở để nắm chắc qui luật vận động của các sự kiện, hiện tượng, xem xét đánh giá đúng bản chất của hiện tượng, sự kiện, tạo khả năng nắm bắt thông tin nhanh và xử lý thông tin kịp thời, dự đoán được chiều hướng phát triển của sự kiện, hiện tượng.

Điều kiện sống của cộng đồng dân cư cũng có ảnh hưởng đến nội dung, phương hướng đánh giá các sự kiện, hiện tượng. Những nơi mà điều kiện sống còn khó khăn, đời sống thấp, thì các tầng lớp dân cư rất quan tâm đến những chủ trương, chính sách kinh tế, đến sự việc có nội dung góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của họ.

Độ tuổi của các tầng lớp nhân dân cũng liên quan đến quá trình hình thành dư luận xã hội. Ở các độ tuổi khác nhau, chủ thể dư luận có nhu cầu, kinh nghiêm sống, mục đích sống khác nhau. Những người trẻ tuổi hay hướng sự đánh giá, phán xét vào việc học hành, nghề nghiệp, sự thăng tiến, họ chưa có nhiều kinh nghiệm để tham gia đánh giá, phán xét các sự kiện, hiện tượng. Ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi, công chúng có kinh nghiệm sống, từng trải, do đó họ đánh giá vấn đề bình tĩnh hơn, sâu sắc hơn, thận trọng hơn.

Văn hoá chính trị cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự phán xét của chủ thể. Nếu cộng đồng công chúng có trình độ lý luận, có sự hiểu biết nhất định

về chính trị thì khả năng xử lý những vấn đề chính trị của họ sẽ sắc bén hơn. Họ thường bình tĩnh sáng suốt khi đánh giá những biến cố của đời sống chính trị cho nên những đánh giá của họ thường chính xác.

Hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể ảnh hưởng đến sự đúng - sai của dư luận xã hội. Con người am hiểu pháp luật sẽ đánh giá các sự kiện, hiện tượng theo những chuẩn mực của pháp luật, do đó dễ đi đến thống nhất ý kiến chung, tạo nên dư luận đúng đắn, hơp lý. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, khi công chúng thiếu kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật kém thì dẫn đến thái độ, hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội. Ví dụ như việc bắt giam, đánh đập người thừa hành công vụ, gây sức ép, lôi kéo những phần tử cực đoan để chống đối chính quyền, phá phách tài sản của tập thể và của công dân, gây rối loạn làm mất trật tự, an toàn xã hội…

Thứ ba là tâm thế xã hội: Tâm thế xã hội là kết cấu tâm lý xã hội thể

hiện trạng thái sẵn sàng phản ứng với từng nhóm xã hội, theo những cách thức nhất định, trong bối cảnh xã hội nhất định, bao gồm nhiều nhân tố như thói quen, nếp nghĩ, ý chí, tâm trạng, tình cảm của một cộng đồng người đã được hình thành một cách tự phát do ảnh hưởng trực tiếp của những điều kiện sinh sống hàng ngày và một cách tự giác do tác động của công tác tuyên truyền giáo dục. Tâm thế thường được khắc hoạ bằng trạng thái hưng phấn - ức chế, tích cực - tiêu cực, lạc quan - bi quan, yêu đời - chán nản… Trong từng thời điểm nhất định, nếu cộng đồng người có tâm trạng phẩn chấn hồ hởi thì nội dung phán xét đánh giá một hiện tượng có những khía cạnh khác với khi ở tâm trạng chán nản, bi quan. Thường khi phấn chấn, lạc quan thì thấy nhiều thuận lợi hơn, ít thấy khó khăn và ngược lại. Những nếp nghĩ bảo thủ, di sản của quá khứ cũng có thể ảnh hưởng tới việc hình thành dư luận nếu như không có sự hướng dẫn đúng đắn.

Theo thuyết "phán xét xã hội", thái độ của chủ thể dư luận xã hội trong việc tiếp thu thông tin được qui định bởi ba tầng tâm thế: tầng thụ cảm, tầng bàng quan, tầng cự tuyệt. Tầng thụ cảm là những thông tin không khác

biệt lắm với thái độ phán xét, đánh giá tích cực vốn có của chủ thể. Loại thông tin này rất dễ được công chúng chấp nhận vì nó gần gũi với quan điểm vốn có của họ. Tầng bàng quan là những thông tin không giống nhưng cũng không khác xa lắm với những quan điểm vốn có của công chúng. Thông thường công chúng tỏ thái độ trung lập (không phản bác và cũng không chấp nhận) đối với những thông tin này. Còn tầng cự tuyệt là những thông tin bao gồm trong đó những quan điểm đối lập, hoàn toàn khác biệt với những quan điểm hiện có của công chúng. Đối với những thông tin này công chúng hoàn toàn phản bác và không chấp nhận.

Những trạng thái tâm thế của chủ thể trên đây quyết định trực tiếp sự phán xét, đánh giá của họ đối với các sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội, tạo nên những khuynh hướng khác nhau trong dư luận xã hội.

Thứ tư là phong tục, tập quán và hệ thống giá trị chuẩn mực đang

hiện hành trong xã hội: Phong tục, tập quán của các tầng lớp dân cư cũng ảnh

hưởng đến sự đánh giá, phán xét các sự kiện, hiện tượng. Ngay trong cùng một xã hội, các nhóm có thể đưa ra những phán xét, đánh giá khác nhau về cùng một vấn đề. Điều đó, thể hiện rõ nét qua sự nhìn nhận của các thế hệ khác nhau về cách ăn mặc, ứng xử... Ở những vùng còn duy trì phong tục, tập quán lạc hậu, thì khi xem xét đánh giá sự kiên, hiện tượng thường bị chi phối bởi những quan niệm lạc hậu ấy, đôi khi người ta hay tin theo ý kiến của một người nào đó, một quan niệm mê tín nào đó. Trong điều kiện như vậy, dư luận xã hội đôi khi mang tác dụng rất tiêu cực.

Thứ năm là hoàn cảnh sinh hoạt chính trị: Trong điều kiện có dân chủ

rộng rãi, xã hội có thông tin phong phú, mọi người sẵn sàng cởi mở, bộc lộ các ý kiến của mình, tham gia bàn bạc các vấn đề chung thì dư luận xã hội có điều kiện hình thành thuận lợi. Ngược lại, trong điều kiện thiếu dân chủ, thông tin nghèo nàn, thậm chí bị cắt xén, xuyên tạc thì dư luận xã hội hình thành khó khăn, chậm chạp. Dưới chế độ phát xít, mọi quyền dân chủ bị thủ tiêu, dư luận xã hội càng khó hình thành và phát huy tác dụng.

Thứ sáu là công tác tuyên truyền vận động: Xét về bản chất, công tác tuyên truyền, vận động là phương thức giao tiếp xã hội nhằm thuyết phục đối tượng chấp nhận, chia sẻ và ủng hộ quan điểm, hành động cụ thể nào đó. Truyền thông đại chúng hiện nay không chỉ mang tính thông tin, truyền thông đơn thuần mà ở một góc độ nào đó còn giữ vai trò quyết định trong việc hướng dẫn và định hướng dư luận trong tuyên truyền.

Trong bối cảnh dân chủ hoá đời sống xã hội, các kênh và nguồn thông tin trở nên đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn thì công tác tuyên truyền, vận động trở nên có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt. Yếu tố quyết định cho sự thành công của công tác tuyên truyền, vận động là sự phù hợp của các luận điểm với hiện thực của cuộc sống, là lời nói phải đi đôi với việc làm.

Ví dụ, trong đợt tuyên truyền an toàn giao thông toàn quốc cuối tháng 7/2007, vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong vấn đề hướng dẫn, định hướng dư luận về an toàn giao thông từ đó nâng cao ý thức người tham giao thông và giảm tai nạn giao thông là rất quan trọng. Có thể đơn cử như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tiền phong, Vietnamnet, Báo Giao thông vận tải,... đã mở rất nhiều chuyên mục như: Diễn đàn hiến kế bảo đảm an toàn giao thông, vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy,... rất thiết thực với công tác bảo đảm an toàn giao thông. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan truyền thông đại chúng triển khai tuyên truyền Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Mặc dù vậy, thời gian qua báo chí vẫn có thời điểm chưa tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội về một số vấn đề của tình hình trật tự an toàn giao thông. Chẳng hạn, vấn đề bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Trong những thời điểm năm 2000, 2004 khi Chính phủ bắt đầu rậm rịch có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường, rất nhiều tờ báo vẫn đưa những bài báo đi ngược lại xu hướng tích cực, tạo nên luồng dư luận trái chiều dẫn đến tâm lý dao động của người dân trong vấn đề đội mũ bảo hiểm.

Thậm chí thời điểm năm 2006 và những tháng đầu năm 2007, khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32 và đề ra lộ trình bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường, nhiều tờ báo vẫn đưa những bài báo hết sức phản cảm. Đơn cử như việc từ đầu tháng 6/2007, Bộ Giao thông vận tải và Liên hiệp các Công đoàn ngành Giao thông vận tải Việt Nam phát động cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn ngành đội mũ bảo hiểm không phân biệt các tuyến đường vẫn có tờ báo nhận định đó là việc làm "Duy ý chí"!? Chính những bài báo đó đã góp phần khiến cho việc triển khai đưa mũ bảo hiểm vào cuộc sống trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông hơn rất nhiều so với các năm trước đó nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Do vậy, khi đưa ra quyết định nào đó bản thân các cơ quan chức năng cũng phải xem lại công tác quản lý, tổ chức và công tác kế hoạch, thông tin và chuẩn bị dư luận. Dưới góc độ tuyên truyền, nói quá nhiều, người nói cứ nói mà không có chuyển biến tích cực thì tuyên truyền sẽ nhạt, tạo ra sự thờ ơ, vô cảm cho người tiếp nhận. Để khắc phục tình trạng này, về phía các cơ quan truyền thông trước hết ngoài việc tuyên truyền về quy định của pháp luật cần phải đưa ra nội dung cụ thể, xác định đúng đối tượng để tuyên truyền phù hợp hướng dẫn dư luận trong toàn xã hội, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt.

Công tác tuyên truyền nếu chỉ đưa thực trạng sẽ nảy sinh vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Ngoài ra, giữa lực lượng thực thi, cưỡng chế cần có cơ chế phối hợp với báo chí trong việc thông tin và tuyên truyền để tạo ra tiếng nói chung, tránh tình trạng người nói một đằng, kẻ đưa một nẻo.

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội với việc thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay (Trang 28 - 34)