Thay đổi huyết áp tâm trương trong và sau mổ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí gây tê và tư thế sản phụ trong gây tê tủy sống bằng bupivacain 0,5% tỷ trọng cao phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai (Trang 136 - 139)

Có sự thay đổi huyết áp tâm trương (bảng 3.21) tại thời điểm 3 phút (t3) đến 7 phút (t7) sau gây tê, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Sự khác biệt về huyết áp tâm trương trong mổ giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Trong nghiên cứu của Trần Văn Cường [6] có sự thay đổi về huyết áp tâm trương tại thời điểm t4 đến t6 so với huyết áp tâm trương nền, huyết áp tâm trương tại thời điểm t6 là 50,2 ± 9,6 mmHg.

Trong nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Ngọc [22], thay đổi huyết áp tâm trương tại thời điểm t4 là 66,2 ± 14,11 mmHg đến t6 là 66,8 ± 11,28 mmHg.

Kết quả nghiên cứu của Bogra Jaishri và cộng sự [46] khi GTTS bằng bupivacain phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai, có huyết áp tâm trương dao động trong khoảng 45 - 68 mmHg.

Kết quả nghiên cứu của P.Johanna Sarvela và cộng sự [101] khi GTTS bằng 9 mg bupivacain phối hợp với 20 mcg fentanyl để mổ lấy thai, có huyết áp tâm trương dao động trong khoảng 42 - 63 mmHg. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương các kết quả trên, sự dao động của huyết áp tâm trương không làm ảnh hưởng nhiều đến huyết động của sản phụ trong mổ lấy thai. Kết quả của chúng tôi thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nikhil và cộng sự

[131] khi GTTS để mổ lấy thai với liều 12,5 mg bupivacain đơn thuần có tỷ lệ tụt huyết áp tâm trương là 50%, với liều 10 mg bupivacain phối hợp với 50 mcg clonidin có tỷ lệ tụt huyết áp tâm trương là 40%. Như vậy, tác giả này đã dùng liều cao bupivacain trong GTTS để mổ lấy thai làm ảnh hưởng bất lợi đến huyết động của sản phụ.

Sau mổ huyết áp tâm trương trở về bình thường. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các thời điểm sau mổ (p > 0,05) và giữa hai nhóm nghiên cứu (p > 0,05). Giá trị của huyết áp tâm trương sau mổ là 60 - 80 mmHg.

4.3.4. Thay đổi huyết áp động mạch trung bình trong và sau mổ

Huyết áp động mạch trung bình thay đổi (bảng 3.22) do có sự thay đổi của huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp động mạch trung bình bắt đầu giảm từ thời điểm t3 đến thời điểm t7 sau GTTS, sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Sự thay đổi huyết áp động mạch trung bình giữa 2 nhóm nghiên cứu không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Huyết áp động mạch trung bình giảm, gây giảm lưu lượng tưới máu tử cung rau (UBF), gây suy thai, đòi hỏi bác sỹ gây mê hồi sức phải điều chỉnh kịp thời bằng tăng tốc độ truyền dịch, thuốc co mạch ephedrin để tránh giảm lưu lượng tưới máu tử cung rau kéo dài [124].

Theo nghiên cứu của Trần Văn Cường [6], khi GTTS với liều 8 mg và 10 mg phối hợp với 40 mcg fentanyl để mổ lấy thai có huyết áp động mạch trung bình tụt tại thời điểm t4 đến t6 sau gây tê, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Kết quả nghiên cứu của Bromage P.R [49] khi GTTS bằng bupivacain liều thấp có 12% tụt huyết áp động mạch trung bình.

Theo nghiên cứu của Sheskey M.C và cộng sự [145] khi GTTS với liều 10 mg và 15 mg bupivacain thấy huyết áp động mạch trung bình giảm từ 9 - 17% sau 30 phút đầu sau GTTS.

Giảm tần số tim và huyết áp động mạch là hậu quả tất yếu sau GTTS do ức chế chuỗi hạch giao cảm cạnh sống. Mức ảnh hưởng tới mạch, huyết áp phụ thuộc vào liều thuốc tê sử dụng, mức khoanh tủy bị ức chế, tư thế bệnh nhân trong và sau gây tê [74], [101]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với các kết quả trên, đòi hỏi bác sỹ gây mê hồi sức phải theo dõi sát về mạch, huyết áp để có thái độ xử lý kịp thời bằng tăng tốc độ dịch truyền và cho thêm thuốc co mạch ephedrin.

Sau mổ, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và huyết áp động mạch trung bình dần trở về bình thường, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

4.3.5. Thay đổi tần số thở trong và sau mổ

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại thời điểm (t0) trước GTTS, tần số thở của 2 nhóm là 19,28 ± 1,66 lần/phút và 19,06 ± 0,77 lần/phút. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Tại thời điểm (t3) khi chuẩn bị lấy thai, tần số thở của 2 nhóm là 19,68 ± 1,57 lần/phút và 19,10 ± 0,85 lần/phút. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Theo nghiên cứu của Cao Thị Bích Hạnh [9] tần số thở trước và sau GTTS ở cả 12 nhóm nghiên cứu khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Theo nghiên cứu của Trần Văn Cường [6] tần số thở của nhóm I là 19,5 ± 3,0 lần/phút, nhóm II là 19,4 ± 2,1 lần/phút, nhóm III là 19,2 ± 2,1 lần/phút, sự thay đổi giữa các thời điểm không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05), sự khác biệt giữa các nhóm cũng không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với các tác giả Nguyễn Đức Lam [17] 18,4 ±1,8 lần/phút của Nguyễn Hoàng Ngọc [22] 21,37 ± 2,97 lần/phút, của Đỗ Văn Lợi [20] 20,5 ± 2,66 lần/phút.

Trong GTTS có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp nếu GTTS cao, hoặc nằm đầu thấp quá sẽ gây liệt cơ hoành và cơ liên sườn [36], [74].

Trong nghiên cứu của chúng tôi không có sản phụ nào có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, còn nếu bị liệt các cơ liên sườn thì cơ hoành vẫn còn khả năng bù trừ [27], [29]. Một nguyên nhân quan trọng có liên quan đến tần số thở và độ bão hòa oxy là do tụt mạnh huyết áp động mạch, làm giảm máu đến thân não và gây ngừng thở [36], [74]. Trong nghiên cứu của chúng tôi không có sản phụ nào tụt huyết áp động mạch quá nhiều, có lẽ vì vậy mà không có trường hợp nào bị suy hô hấp. Do đó kiểm soát tốt huyết áp động mạch cũng là biện pháp tốt đề phòng suy hô hấp khi GTTS cho mổ lấy thai.

Sau mổ tần số thở không thay đổi, do cơ hoành đã được giải phóng bởi khối thai và sản phụ không còn phải cung cấp oxy và đào thải CO2 cho thai nhi nữa. Sự khác biệt giữa các thời điểm sau mổ không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí gây tê và tư thế sản phụ trong gây tê tủy sống bằng bupivacain 0,5% tỷ trọng cao phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai (Trang 136 - 139)