Biến chứng và phiền nạn của gây tê tủy sống

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí gây tê và tư thế sản phụ trong gây tê tủy sống bằng bupivacain 0,5% tỷ trọng cao phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai (Trang 39 - 42)

Thất bại không chọc được vào khoang dưới nhện. Có nhiều mức độ: nhận định sai mức độ chọc kim có thể bơm thuốc vào khe liên gai sau, vào ngoài màng cứng hoặc kim gây tê nửa trong nửa ngoài [27], [173].

Tai biến gãy kim tê tủy sống khi dùng kim nhỏ, hoặc nặng hơn là gây máu tụ ở khoang ngoài màng cứng do chọc phải đám rối tĩnh mạch.

Tụt huyết áp là biến chứng hay gặp với tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân chủ yếu do ức chế hệ giao cảm gây giãn mạch ngoại vi và hậu quả là thiếu khối lượng tuần hoàn tương đối và giảm cung lượng tim [27], [169], [173]. Tụt huyết áp dễ xảy ra hơn đối với các bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn, mất nước hoặc chèn ép tĩnh mạch chủ (do có thai, do u), hoặc các bệnh nhân bị cường phó giao cảm do phản ứng với thuốc tê [27], [41]. Một số ít các trường hợp tụt huyết áp gây ra do ức chế cơ tim như GTTS lên cao [27], [41], [60], [75], [106]. Để đề phòng tụt huyết áp một số các tác giả đề nghị nên áp dụng một số các biện pháp sau: không để bệnh nhân thả thõng hai bàn chân khi gây tê ở tư thế ngồi; truyền dịch trước khi gây tê cho bệnh nhân lượng dịch bù sinh lý được tính bằng 1ml/kg/giờ x cân nặng bệnh nhân (kg) x số giờ bệnh nhân nhịn ăn uống trước mổ. Có tác giả đề nghị trước khi GTTS truyền trước 200 - 1000 ml dịch tinh thể. Thường cho sản phụ nằm nghiêng sang trái để tránh chèn ép tĩnh mạch chủ. Cho truyền thuốc co mạch ephedrin 30 - 60 mg trước hoặc trong khi gây tê. Trong các trường hợp tụt huyết áp nặng cần tiến hành hồi sức tuần hoàn đầy đủ: bù nhanh khối lượng tuần hoàn; cho thuốc co mạch và trợ tim khi đã bù đủ khối lượng tuần hoàn mà huyết áp động mạch còn thấp.

GTTS toàn bộ là một biến chứng nặng xảy ra khi bơm nhiều thuốc tê vào tủy sống hoặc gây tê ở quá cao. Các triệu chứng bao gồm: liệt toàn thân, ngừng thở, tụt huyết áp nặng và thuốc lan lên não gây mất tri giác. Đòi hỏi phải chẩn đoán sớm và có biện pháp cấp cứu kịp thời: hô hấp nhân tạo; truyền

dịch, cho thuốc co mạch và trợ tim. Thông thường nếu cấp cứu đúng và kịp thời không gây nguy hiểm cho tính mạng, do vậy phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân và chuẩn bị sẵn các phương tiện và thuốc cấp cứu cần thiết.

Tổn thương thần kinh: có hai ức chế gây tổn thương thần kinh, do kim gây tê chọc vào tổ chức thần kinh hoặc do các chất thuốc tiêm vào dịch não tủy. Các tổn thương này thường xảy ra sớm ngay sau khi chọc kim và bơm thuốc tê, các tổn thương thần kinh thường đi kèm với cảm giác đau chói, do vậy, khi chọc và bơm thuốc mà bệnh nhân kêu đau chói phải rút bớt kim tiêm và ngừng bơm thuốc [27], [50]. Các tổn thương này có thể hồi phục sau 1 - 2 tuần hoặc có thể thành tổn thương vĩnh viễn.

Ngoài ra có một số tổn thương thần kinh muộn do tắc động mạch sống, viêm màng nhện hay tụ máu chèn ép, các tổn thương này khó chẩn đoán và điều trị hơn, có thể để lại hậu quả lâu dài.

Phản ứng với thuốc tê: ít xảy ra và nguyên lý xử trí như với mọi phương pháp gây tê.

Đau đầu: là biến chứng khá hay gặp với tỷ lệ thay đổi từ 1,6 - 30% và cũng là biến chứng gây nhiều tranh cãi nhất. Nguyên nhân có thể do chọc thủng màng cứng và màng nhện gây thoát dịch não tủy ra khoang ngoài màng cứng làm giảm áp lực dịch não tủy, mất cân bằng giữa áp lực động mạch và áp lực nội sọ dẫn đến tăng áp lực tưới máu do đó phù não gây đau đầu. Một nguyên nhân khác là do thiếu khối lượng tuần hoàn cũng dễ gây phù não, hay do có hơi hoặc các chất gây kích thích tổ chức thần kinh như cồn, chất sát trùng lọt vào lan lên gây kích thích các sàn não thất gây phù não, đau đầu. Do vậy, để xử trí có một số cách sau: một số tác giả đề nghị bơm máu tự thân vào chỗ chọc kim gây tê ở khoang ngoài màng cứng bịt chỗ thủng màng cứng. Các tác giả Pháp ủng hộ giải pháp này, song một số tác giả Anh Mỹ không đồng ý [15], [27].

Tác dụng không mong muốn của GTTS

- Nôn, buồn nôn: nôn, buồn nôn sau GTTS có thể xảy ra do hạ huyết áp gây thiếu oxy não do đó kích thích trung tâm nôn nằm ở hành não.

Điều trị nôn lúc này là phải sử dụng các thuốc co mạch như ephedrin và tăng tốc độ truyền dịch.

Ngoài ra, các thuốc họ morphin sử dụng trong gây tê tủy sống cũng có thể gây nôn và buồn nôn sau mổ. Lúc này cần phải điều trị bằng các thuốc chống nôn.

- Ngứa: sử dụng các thuốc họ morphin trong GTTS có thể gây ngứa, các sản phụ có thể ngứa toàn thân hay khu trú ở vùng mũi, mắt, ngực. Nguyên nhân gây ngứa vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Điều trị ngứa sau gây tê vùng có thể sử dụng các thuốc đối vận với opioid, droperidol, thuốc đối vận serotonin (ondansetron) hoặc dùng liều nhỏ propofol.

- Rét run: rét run tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân. Cơ chế rét run vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng thường gặp trong các trường hợp sản phụ lo lắng, nhiệt độ môi trường lạnh, thuốc tê lạnh, gây kích thích các ổ cảm thụ nhiệt của tủy sống, điều trị bằng ủ ấm và tiêm tĩnh mạch 30 mg Dolargan.

- Bí tiểu: bí tiểu là do tác dụng của thuốc tê lên tủy sống do ức chế thần kinh phó giao cảm chi phối bàng quang làm giãn cơ vòng bàng quang, gây tăng thể tích bàng quang. Ngoài ra dễ gặp bí tiểu ở các bệnh nhân sử dụng các thuốc họ morphin. Điều trị bằng chườm nóng, nếu không đỡ thì đặt thông tiểu, châm cứu…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí gây tê và tư thế sản phụ trong gây tê tủy sống bằng bupivacain 0,5% tỷ trọng cao phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai (Trang 39 - 42)