4.1.1. Các chỉ số chung
Về tuổi các sản phụ: Các sản phụ đều trong độ tuổi sinh đẻ. Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 27,09 ± 4,53, trong đó nhóm tuổi từ 20 - 30 chiếm 73,6%. Nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Ngọc các sản phụ có độ tuổi trung bình là 29,3 ± 5,6 tuổi [22]. Trong nghiên cứu của Trần Văn Cường [6] độ tuổi trung bình các sản phụ là 27,13 ± 3,97 tuổi. Trong nghiên cứu của Nguyễn Đức Lam có độ tuổi trung bình là 30,13 ± 5,53 tuổi [17]. Trong nghiên cứu của Uma Srivastava sản phụ có độ tuổi trung bình là 25 tuổi [156]. Chiều cao của các sản phụ trong hai nhóm nghiên cứu của chúng tôi từ 1,55 - 1,65m, chiều cao trung bình của cả 2 nhóm là 1,59 ± 0,03 m. Trong nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Ngọc chiều cao trung bình là 1,56 ± 0,47 m [22]. Nghiên cứu của Nguyễn Đức Lam là 155,53 ± 4,5cm [17]. Kết quả của chúng tôi đại diện cho chiều cao của phụ nữ Việt Nam, tương đương với chiều cao của các phụ nữ ở các nước Đông Nam Á. Trong nghiên cứu của Visalyaputra là 155 ± 5 cm [160], nhưng thấp hơn so với chiều cao của phụ nữ Âu Mỹ, nghiên cứu của Aya (163 ± 6 cm) [43], của Ben-David trung bình là 164 cm [45]. Chiều cao của sản phụ có liên quan chặt chẽ đến liều lượng thuốc tê sử dụng trong GTTS, ở các nước phương Tây liều bupivacain thường sử dụng liều 10 - 12 mg trong GTTS để mổ lấy thai [74].
- Cân nặng trung bình của các sản phụ trong hai nhóm nghiên cứu của chúng tôi là 69,5 ± 3,6 kg. Trong nghiên cứu của Trần Văn Cường là 64,2 ± 8,9 kg [6].
- Chỉ số BMI của hai nhóm cũng tương đồng nhau (BMI khi mổ 27,32 ± 0,86).
Kết quả nghiên cứu về đặc điểm chung giữa 2 nhóm nghiên cứu khá tương đồng về tuổi, chiều cao, cân nặng, BMI. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
4.1.2. Phân độ ASA
Các sản phụ trong 2 nhóm nghiên cứu đều được chọn ASA I và ASA II tỷ lệ ASA I ở nhóm I là 84%; ở nhóm II là 90,9%. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Trong nghiên cứu của Vũ Thị Thu Hiền tỷ lệ ASA I là 76,7% [10].