Thay đổi huyết áp tâm thu trong và sau mổ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí gây tê và tư thế sản phụ trong gây tê tủy sống bằng bupivacain 0,5% tỷ trọng cao phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai (Trang 133 - 136)

Theo kết quả ở bảng 3.20, ở cả hai nhóm nghiên cứu trước lúc gây tê, huyết áp sản phụ thường tăng nhẹ, do hồi hộp lo lắng khi lên bàn mổ và do đau. Sau khi gây tê do sản phụ hết đau, do tác dụng ức chế giao cảm làm giảm lượng catecholamin, do khối thai chèn ép làm giảm lượng máu đổ về gây giảm huyết áp. Từ thời điểm 3 phút sau gây tê (t3) đến thời điểm 7 phút sau gây tê (t7) huyết áp tâm thu của 2 nhóm nghiên cứu giảm hơn so với trước gây tê (t0), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p <0,05). Tuy nhiên, huyết áp tâm thu giữa 2 nhóm nghiên cứu không sự khác biệt (p > 0,05).

Tỷ lệ tụt huyết áp trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.23) là 41,6% ở nhóm I và 40,3% ở nhóm II sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Tỷ lệ tụt huyết áp > 30% so với HA tâm thu nền ở nhóm I là 14 sản phụ (3,7%) thuộc nhóm sản phụ có chiều cao từ 1,55 - 1,60m và 2 sản phụ (0,5%) thuộc nhóm sản phụ có chiều cao từ 1,60m trở lên, sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Tỷ lệ tụt huyết áp > 30% ở nhóm II có 14 sản phụ, trong đó có 13 sản phụ (3,4%) thuộc nhóm có chiều cao từ 1,55 - 1,60m và 1 sản phụ có (0,2%) có chiều cao từ 1,60m trở lên. Sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Tỷ lệ tụt huyết áp dưới 30% ở 2 nhóm nghiên cứu có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Như vậy, tỷ lệ tụt huyết áp giữa hai nhóm nghiên cứu thường xảy ra nặng hơn ở nhóm có chiều cao thấp hơn (1,55 - 1,60 m) mức độ ức chế giao cảm mạnh hơn, do trong nghiên cứu này chúng tôi dùng liều đồng nhất thuốc gây tê là 8,5 mg bupivacain phối hợp với 30 mcg fentanyl.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi có dấu hiệu tụt huyết áp đ ều được tăng dịch truyền, nếu không đáp ứng thì cho liều thuốc co mạch ephedrin từ 5 - 20 mg (bảng 3.3) để đảm bảo cho huyết áp tâm thu ổn định trong suốt quá trình mổ lấy thai, giúp cho tuần hoàn rau thai ổn định, vì áp lực tưới máu của rau thai phụ thuộc vào huyết áp sản phụ, đặc biệt là huyết áp tâm thu. Do vậy, đòi hỏi bác sỹ gây mê hồi sức phải tránh không để cho sản phụ bị tụt huyết áp trong mổ lấy thai [15], [29], [35].

Theo nghiên cứu của Trần Văn Cường [6] tỷ lệ tụt huyết áp tâm thu là 42,2% khi GTTS để mổ lấy thai với liều 10 mg bupivacain phối hợp với 40 mcg fentanyl.

Theo nghiên cứu của Phạm Đông An và Nguyễn Văn Chừng [1] khi GTTS với 12 mg bupivacain phối hợp với 20 mcg fentanyl để mổ lấy thai thì có 58,3% số sản phụ bị tụt huyết áp. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Ngọc có tỷ lệ tụt huyết áp là 20% - 26,7% [22]. Theo nghiên cứu của Nguyễn Đức Lam [17] ở nhóm GTTS để mổ lấy thai, tỷ lệ tụt huyết áp trên 30% so với mức huyết áp nền là 21,67%. Kết quả nghiên cứu của Aya [43] có 24,4% số sản phụ bị tụt huyết áp trên 30%. Tỷ lệ tụt huyết áp trong nghiên cứu của Vũ Thị Thu Hiền [10] là 36,6% - 40% bị tụt huyết áp trên 30%. Kết quả của Visalyaputra [160] khi sử dụng liều 11 mg bupivacain để GTTS có 51% số sản phụ bị tụt huyết áp. Tỷ lệ tụt huyết áp trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn do chúng tôi dùng liều bupivacain thấp hơn (8,5 mg). Theo nghiên cứu của Umasrivastava và cộng sự [156] phối hợp bupivacain với fentanyl trong GTTS để mổ lấy thai có 20 - 52% bị tụt huyết áp tâm thu.

Theo nghiên cứu của Ben-David [45] khi GTTS với liều 10 mg bupivacain thì có 94% bị tụt huyết áp, khi GTTS liều 5mg bupivacain phối hợp với 25 mcg fentanyl thì chỉ có 11% bị tụt huyết áp. Kết quả nghiên cứu của Bogra Jaishri và cộng sự [46] khi GTTS để mổ lấy thai với liều 10 mg bupivacain phối hợp với 12,5 mcg fentanyl thì có 42,6% bị tụt huyết áp.

Tụt huyết áp là tác dụng không mong muốn nguy hiểm và đáng sợ nhất trong GTTS để mổ lấy thai, vừa nguy hiểm cho người mẹ và cho cả trẻ sơ sinh, do vậy cần phải kiểm soát được huyết động của sản phụ bằng dịch truyền, thuốc co mạch ephedrin và có liều lượng thuốc gây tê phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả vô cảm tốt trong mổ lấy thai, đòi hỏi mức ức chế cảm giác đau phải đạt được đến mức T4, thì mới ức chế được cảm giác đau có nguồn gốc từ các tạng và có độ mềm cơ tốt để tạo thuận lợi cho phẫu thuật viên lấy thai dễ dàng [15], [35]. Theo Dyer [80] để đạt được điều này thì liều bupivacain dùng đơn thuần không được dưới 10 mg và khi phối hợp với các

thuốc họ morphin không được dưới 8 mg bupivacain. Trong nghiên cứu của chúng tôi sử dụng liều 8,5 mg bupivacain phối hợp với 30 mcg fentanyl là phù hợp để hạn chế các tác dụng phụ nhưng lại đạt được mức ức chế cảm giác và vận động tạo thuận lợi cho cuộc phẫu thuật.

Huyết áp tâm thu sau mổ ở 2 nhóm nghiên cứu dần trở về bình thường, các sản phụ đều thấy thoải mái, nhẹ nhàng, không đau, sự khác biệt về huyết áp tâm thu tại các thời điểm sau mổ không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí gây tê và tư thế sản phụ trong gây tê tủy sống bằng bupivacain 0,5% tỷ trọng cao phối hợp với fentanyl trong mổ lấy thai (Trang 133 - 136)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(189 trang)
w