Theo bảng 3.19, ở cả hai nhóm nghiên cứu trước khi gây tê (t0) do hồi hộp và do đau nên tần số tim của các sản phụ tăng nhẹ. Sau khi gây tê, sản phụ được giảm đau và tinh thần ổn định hơn, kết hợp với tác dụng ức chế thần kinh giao cảm nên nhịp tim giảm hơn so với trước gây tê (t0). Từ phút thứ 3 (t3) đến phút
thứ 7 (t7) tần số tim giảm so với trước gây tê (t0) một cách có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Sau đó tần số tim dần trở về bình thường. Tần số tim giữa 2 nhóm có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) trong cả thời gian mổ.
Kết quả nghiên cứu (bảng 3.23) cho thấy nhóm I có 83 trường hợp có tần số tim giảm 20%. Trong đó tập trung và các sản phụ có chiều cao từ 1,55 m - 1,60 m là 62 trường hợp (16,3%); có 21 trường hợp (5,6%) có chiều cao trên 1,60 m. Ở nhóm II có 59 trường hợp (15,7%) có tần số tim giảm 20%, trong đó có 47 trường hợp (12,5%) có chiều cao từ 1,55 - 1,60 m, có 12 trường hợp (3,2%) có chiều cao trên 1,60 m, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Kết quả trên cho thấy các sản phụ có chiều cao và cân nặng thấp hơn thì mức ức chế giao cảm và tim mạch xảy ra nhanh và mạnh hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Trần Văn Cường [6] có 13,2% số sản phụ giảm tần số tim ở phút thứ 4 sau gây tê. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Lam [17] có 20% số sản phụ có nhịp tim giảm trên 20% ở phút thứ 5 sau gây tê. Kết quả nghiên cứu của Aya [43] có 26,1% số sản phụ có nhịp tim giảm hơn 20%.
Trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.3) ở nhóm I có 82 trường hợp, nhóm II có 59 trường hợp phải sử dụng từ 0,25 - 0,5mg atropin tiêm tĩnh mạch để điều trị nhịp tim chậm.
Theo Cao Thị Bích Hạnh [9] thấy mạch giảm ngay sau GTTS bằng bupivacain. Theo nghiên cứu của Randalls B và cộng sự [138], so sánh 4 liều thuốc GTTS cho mổ lấy thai, có 20% số trường hợp giảm tần số tim so với trước gây tê tại thời điểm lấy thai.
Theo Ben-David B [45] sử dụng 10 mg bupivacain 0,5% đồng tỉ trọng để GTTS cho mổ lấy thai, kết quả thấy có 40% số sản phụ giảm tần số tim, cao hơn nhóm sử dụng 5 mg bupivacain phối hợp với 25 mcg fentanyl (20%) số sản phụ giảm tần số tim.
Theo nghiên cứu của P.Johanna Sarvela và cộng sự [101] khi GTTS để mổ lấy thai với 9 mg bupivacain tỷ trọng cao phối hợp với 25 mcg fentanyl thì có 38% giảm tần số tim, khi dùng 9 mg bupivacain đồng tỷ trọng phối hợp với 25 mcg fentanyl thì có 18% số trường hợp giảm tần số tim. Theo Bùi Quốc Công [5] thì tần số tim thường giảm dưới 90lần/phút sau GTTS bằng bupivacain phối hợp với fentanyl để mổ lấy thai, có trường hợp giảm từ 99lần/phút xuống còn 56lần/phút. Theo Nguyễn Trọng Kính [14] mức giảm tần số tim trung bình trước và sau gây tê là 7,8 ± 4,11lần/phút. Theo Chung C.J và cộng sự [67] tần số tim ở thời điểm rạch da và lấy thai dao động từ 60 - 100 lần/phút. Theo Nakamura K, Ykoyama K [127] khi GTTS đạt ức chế giao cảm trên T6 sẽ làm giảm tần số tim 30%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả trên. Ở giai đoạn sau lấy thai, tần số tim của sản phụ thường tăng do tác dụng của các thuốc co tử cung oxytoxin, ergomethrin. Sau đó tần số tim dần trở về bình thường.
Tần số tim sau mổ dần trở về bình thường, do sản phụ không đau, được thư giãn nghỉ ngơi thoải mái, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm (p > 0,05).