Ở Nước ta, cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu đánh giá tác dụng gây tê bằng marcain như Bùi Ích Kim nghiên cứu GTTS bằng marcain vào năm 1984 [13]. Năm 1997 có nghiên cứu của Nguyễn Minh Lý, đánh giá tác dụng gây tê màng cứng bằng Marcain 0,5% trong phẫu thuật vùng bụng dưới trên bệnh nhân cao tuổi [21]. Năm 2001, Nguyễn Trọng Kính đã dùng 5 mg bupivacain kết hợp với fentanyl 50 mcg gây tê dưới màng nhện để vô cảm cho các phẫu thuật vùng bụng dưới và chi dưới ở người cao tuổi cho thấy: hiệu quả gây tê tốt tương đương với nhóm đơn thuần sử dụng bupivacain 0,2 mg/kg cân nặng, huyết áp trung bình giảm ít lượng dịch truyền và ephedrin phải dùng ít hơn [14]. Đỗ Văn Lợi (2007) phối hợp bupivacain liều thấp (7,5mg) với morphin GTTS để mổ lấy thai, cho kết quả tác dụng vô cảm trong mổ tốt [20]. Nguyễn Văn Chừng năm 2001, phối hợp bupivacain với thuốc giảm đau trung ương để giảm đau trong chuyển dạ đẻ cho kết quả giảm đau tốt và không ảnh hưởng đến thai nhi [4]. Năm 2010, Nguyễn Hoàng Ngọc nghiên cứu phối hợp bupivacain với morphin ở các liều khác nhau để GTTS trong mổ lấy thai và giảm đau sau mổ, cho thấy thời gian giảm đau sau mổ kéo dài [22].
Trần Văn Cường (2013) nghiên cứu hiệu quả GTTS bằng các liều 7 mg, 8 mg và 10 mg bupivacain tỷ trọng cao 0,5% kết hợp với 40 mcg fentanyl để mổ lấy thai cho thấy liều 8 mg, 10 mg cho hiệu quả ức chế cảm giác và vận động tốt hơn liều 7 mg [6].
Nguyễn Đức Lam (2013) đánh giá hiệu quả của phương pháp GTTS và GTTS phối hợp ngoài màng cứng để mổ lấy thai ở bệnh nhân tiền sản giật nặng, cho hiệu quả vô cảm tốt và kéo dài sau mổ [17]. Vũ Thị Thu Hiền
(2013) nghiên cứu liều lượng bupivacain tỷ trọng cao theo chiều cao, cân nặng trong GTTS để mổ lấy thai chủ động, cho thấy hiệu quả vô cảm tốt [10]. Nguyễn Thế Lộc (2014) nghiên cứu hiệu quả sự phối hợp bupivacain 0,5% tỷ trọng cao với sufentanyl và morphin liều thấp trong GTTS để mổ lấy thai cho hiệu quả vô cảm tốt và kéo dài [19].