Thời gian gây tê, thời gian phẫu thuật: thời gian gây tê tính từ khi bắt đầu sát trùng đến lúc bơm xong thuốc tê của nhóm I là 4,55 ± 0,48 phút, của nhóm II là 4,23 ± 0,13 phút. Kết quả của chúng tôi tương đương kết quả của Nguyễn Đức Lam [17] là 4,6 ± 1,11 phút và thấp hơn của Dyer (6,3 ± 2,6 phút) [80], của Visalyaputra (12 ± 8 phút) [160]. Thời gian làm thủ thuật GTTS của chúng tôi nhanh hơn các tác giả nước ngoài có lẽ do các kỹ thuật viên của chúng tôi chuẩn bị sản phụ cong lưng tốt hơn, sản phụ của chúng ta ít bị béo phì hơn người nước ngoài và người gây tê làm nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn.
* Thời gian bắt đầu rạch da
Thời gian từ khi gây tê xong đến lúc rạch da của nhóm I là 3,03 ± 0,58 phút, của nhóm II là 4,08 ± 0,90 phút. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Nhóm I có thời gian ức chế cảm giác và vận động nhanh hơn nhóm II, kết quả này tương đương với Trần Văn Cường (4 phút) [6], của Dyer (6,3 ± 2,6 phút) [80]. Thấp hơn kết quả của Nguyễn Đức Lam (7,3 ± 2,2 phút) [17], của Aya [43] là (16,7 ± 4,1 phút), trong nghiên cứu của chúng tôi có gần 80% là mổ cấp cứu với chẩn đoán là thai suy, do vậy rút ngắn thời gian chờ để lấy thai ra càng nhanh càng tốt.
* Thời gian từ khi rạch da đến khi lấy thai
Thời gian từ khi rạch da đến khi lấy thai xong ở nhóm I là 4,05 ± 0,45 phút, ở nhóm II là 4,16 ± 0,42 phút. Kết quả của chúng tôi tương đương với
Dyer [80] (4,5 ± 1,1 phút), của Vũ Thị Thu Hiền [10] (4,17 ± 1,23 phút) thấp hơn Nguyễn Đức Lam [17] (5,08 ± 1,06 phút) và Visalyaputra [160] (8,0 ± 3,2 phút) vì 2 tác giả này nghiên cứu trên mổ lấy thai chủ động.
* Thời gian rạch cơ tử cung lấy thai
Đây là thời gian tính từ lúc bắt đầu rạch cơ tử cung đến lúc lấy thai ra khỏi tử cung, ở nhóm I là 1,56 ± 0,38 phút, nhóm II là 1,83 ± 0,24 phút. Kết quả này tương đương với Nguyễn Đức Lam [17] (1,22 ± 0,45 phút), của Dyer (1,2 ± 0,8 phút) [80], của Ramanathan [137] (1,7 ± 0,2 phút), của Vũ Thị Thu Hiền [10] (1,84 ± 0,29 phút), nhưng thấp hơn Visalyaputra [160] (2,8 ± 2,2 phút). Thời gian này rất quan trọng trong mổ lấy thai vì khi rạch cơ tử cung sẽ gây giảm lưu lượng máu tử cung rau, động tác lấy thai mạnh làm chèn ép động mạch chủ và tĩnh mạch chủ, ngoài ra khi kích thích vào thai làm thai cử động có thể làm cho thai hít nước ối vào phổi gây viêm phổi, ngạt. Chỉ số Apgar sẽ giảm nếu thời gian này kéo dài trên 3 phút [36]. Cả 2 nhóm nghiên cứu của chúng tôi đều có thời gian này nhỏ hơn 3 phút. Đây cũng là một tiêu chí đánh giá của chất lượng vô cảm, độ mềm cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật viên.
* Thời gian phẫu thuật
Thời gian phẫu thuật được tính từ khi bắt đầu rạch da đến khi đóng da xong. Kết quả nghiên cứu ở nhóm I là 32,80 ± 5,74 phút, ở nhóm II là 33,84 ± 6,66 phút, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Kết quả này tương đương với Nguyễn Đức Lam [17] (29,95 ± 6,36 phút) của Vũ Thị Thu Hiền (34,31 ± 12,05 phút) [10] nhưng thấp hơn Aya [43] (40,6 ± 10,1 phút), của Visalyaputra (46 ±13 phút) [160] của Subedi (60,5 ±3,4 phút) [150] và của Dyer (78 ± 4 phút) [80]. Có thể do các sản phụ được mổ lần đầu,
không dính, ít bị béo phì hơn so với các nước Âu Mỹ.
Thời gian gây tê, thời gian phẫu thuật, thời gian các thì phẫu thuật của 2 nhóm không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, thời gian chờ phẫu thuật của nhóm II cao hơn nhóm I có ý nghĩa thống kê, có lẽ do thời gian đáp ứng về cảm giác và vận động của nhóm II chậm hơn nhóm I.