Mục tiêu, ý nghĩa kiểm soát rủi ro trong đơn vị công

Một phần của tài liệu Kiểm soát rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng tại chi cục thuế khu vực tân uyên (Trang 25 - 26)

Theo Báo cáo INTOSAI (1992), được cập nhật thêm vào năm 2013, xác định KSRR là một bộ phận hoặc quy trình không thể thiếu của người lãnh đạo nhằm bảo đảm sự hợp lý trong tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu về:

+ Thúc đẩy các hoạt động hữu hiệu, hiệu quả và có kỷ cương, có đạo đức cũng như chất lượng của sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhiệm vụ của tổ chức.

+ Bảo vệ các nguồn lực không bị thất thoát, lạm dụng, lãng phí, tham ô và vi phạm pháp luật.

+ Khuyến khích tuân thủ pháp luật quy định của Nhà nước và nội bộ. + Xây dựng và duy trì các dữ liệu tài chính và hoạt động và lập báo cáo đúng đắn và kịp thời.

So với định nghĩa của báo cáo COSO và Hướng dẫn năm 1992, khía cạnh giá trị đạo đức trong hoạt động được thêm vào INTOSAI. Mục tiêu của KSRR được nhấn mạnh thêm, đó chính là tầm quan trọng của hành vi đạo đức cũng như sự ngăn chặn và phát hiện sự gian lận không trung thực và tham nhũng trong khu vực công.

Theo Báo cáo COSO 2004, các chuẩn mực kiểm soát rủi ro trong khu vực công tập trung hơn vào các chức năng, đặc điểm của đơn vị nhà nước và các quy định có tính quy chuẩn hơn là chỉ hướng dẫn. Ý nghĩa của quản trị rủi ro trong khu vực công:

+ Tạo lập sự phù hợp giữa lựa chọn chiến lược và mức rủi ro có thể chấp nhận: khi lựa chọn một chiến lược giữa nhiều khả năng khác nhau thì trước hết phải xem xét mức rủi ro có thể chấp nhận trước, rồi mới đến lựa chọn chiến lược cụ thể, sau đó thiết lập các mục tiêu liên quan đến chiến lược đã được chọn và cuối cùng là cách thức được thiết lập để quản lý các rủi ro liên quan.

14

+ Làm tăng hiệu quả đối với việc phản ứng với rủi ro: QTRR cung cấp các kỹ thuật và phương pháp cụ thể trong việc nhận dạng và lựa chọn các phương thức phản ứng với rủi ro như né tránh rủi ro, giảm thiểu rủi ro, chuyển giao rủi ro và chấp nhận rủi ro sẽ giúp các nhà quản lý phản ứng với rủi ro một cách hiệu quả.

+ Giảm thiểu tổn thất bất ngờ trong quá trình hoạt động: QTRR làm tăng khả năng của đơn vị về việc nhận dạng các sự kiện tiềm tàng, đánh giá rủi ro, thiết lập cách thức phản ứng với rủi ro và do đó giảm thiểu những chi phí và tổn thất bất ngờ.

+ Nhận dạng và quản lý rủi ro xuyên suốt toàn đơn vị: mỗi đơn vị phải đối mặt với rất nhiều loại rủi ro tác động đến nhiều bộ phận khác nhau. Và QTRR đòi hỏi người quản lý không chỉ quản lý các loại rủi ro riêng biệt mà còn phải hiểu được sự tác động lẫn nhau của các rủi ro đó. Từ đó giúp cho đơn vị có cái nhìn hệ thống đối với các loại rủi ro và phản ứng hiệu quả hơn cho mục tiêu tổng thể.

+ Cải thiện sự phân bổ nguồn vốn của đơn vị: Có được đầy đủ thông tin về rủi ro giúp nhà quản lý đánh giá tổng quát nhu cầu về vốn và tối ưu hoá việc phân bổ vốn của đơn vị.

Trong khu vực công tại Việt Nam hiện nay, hoạt động về KSRR còn mới mà các nhà quản lý trong khu vực công thường dựa trên các quy định của pháp luật, kinh nghiệm cá nhân để hành xử hơn là một cái nhìn tổng quát và có hệ thống về công tác kiểm soát. Ngoài ra, việc thiếu một kỹ năng phân tích từ mục tiêu, rủi ro đến các hoạt động kiểm soát sẽ dẫn đến tổn hao nguồn lực vào những thủ tục kiểm soát không cần thiết trong khi lại bỏ sót những rủi ro quan trọng.

Một phần của tài liệu Kiểm soát rủi ro trong hoàn thuế giá trị gia tăng tại chi cục thuế khu vực tân uyên (Trang 25 - 26)