Chỉ số này đo lường thay đổi về thu giữa dự toán gốc được phê duyệt và kết quả thực hiện cuối năm. Chỉ số này có hai nội dung đánh giá là Tổng thực thu và Cơ cấu thực thu.
Dự báo thu chính xác là đầu vào quan trọng để lập ngân sách đảm bảo độ tin cậy. Số thu tạo nguồn để chính phủ chi tiêu và cung cấp dịch vụ cho người dân của mình. Dự báo thu quá lạc quan có thể dẫn đến phân bổ chi tiêu lớn đến mức vô lý và rốt cuộc dẫn đến tình trạng phải cắt giảm chi tiêu đột
ngột trong năm hoặc phải tăng vay nợ ngoài dự kiến để duy trì mức chi tiêu đó. Mặt khác, dự báo quá bi quan có thể dẫn đến số vượt thu được sử dụng cho những khoản chi không bị giám sát theo quy trình ngân sách. Vì hệ quả của hụt thu có thể nghiêm trọng hơn, nhất là trong ngắn hạn, nên các tiêu chí sử dụng để cho điểm chỉ số này cho phép linh hoạt hơn so với đánh giá về vượt thu.
Chỉ số này tập trung vào cả thu nội địa và thu từ bên ngoài, bao gồm thu từ thuế, các khoản đóng góp xã hội, viện trợ không hoàn lại và các nguồn thu khác gồm cả thu từ tài nguyên, có thể gồm cả bổ sung từ quỹ ổn định thu hoặc quỹ đầu tư của nhà nước nếu được đưa vào trong ngân sách. Nguồn tài chính đối ngoại thông qua vay nợ không được đưa vào đánh giá cho chỉ số này. Điều đó có nghĩa là viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển có thể được đưa vào dữ liệu thu dùng để cho điểm chỉ số này, nhưng vay nợ theo các điều khoản ưu đãi của các đối tác phát triển thì không được đưa vào.
Thực thu có thể chênh lệch so với dự toán gốc được phê duyệt vì các lý do không liên quan đến độ chính xác của dự báo, chẳng hạn như có cú sốc lớn về kinh tế vĩ mô. Vì lý do đó, việc tính điểm cho phép loại trừ năm ngoại lệ. Trọng tâm nhằm vào chênh lệch lớn so với dự báo phát sinh tại hai năm trở lên trong ba năm đánh giá.
Nội dung đánh giá Tổng thực thu đo lường chênh lệch giữa số thực hiện với ngân sách gốc được phê duyệt.
Nội dung đánh giá Cơ cấu thực thu nhằm thể hiện độ chính xác trong dự báo cơ cấu thu và khả năng hành thu của chính phủ theo dự kiến cho mỗi nội dung thu.