Cùng với quá trình phát triển kinh tế của địa phương trong những năm qua, kinh tế xã hội của các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn của Thái Bình cũng đang từng bước được đổi mới, phát triển, cơ chế phân cấp quản lý NSĐP cho thời kỳ ổn định 2015 - 2020 cũng đã được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, từng vùng, từng địa phương và nội dung được quy định chi tiết rõ ràng hơn.
Về thu ngân sách các cấp: Đối với các khoản thu phân chia đã phân chia thành 2 nhóm đơn vị hành chính (nhóm có điều kiện kinh tế phát triển khá, nhóm có điều kiện phát triển kinh tế thấp hơn), phân chia lĩnh vực thu ngoài quốc doanh thành 2 đối tượng thu (thu từ doanh nghiệp; thu từ hộ gia đình, cá nhân); phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất thành 3 loại hình (thu từ hộ gia đình cá nhân theo giá quy định; thu từ các doanh nghiệp nộp 1 lần; thu từ đấu giá, đất thương phẩm) ngoài ra còn quy định chi tiết rõ ràng từng khoản thu phân chia thuộc từng lĩnh vực thu…
Về chi ngân sách các cấp: Được quy định rõ ràng nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn. Đối với nguồn thu từ quỹ đất thương phẩm được phân chia cho xã thì được đầu tư trên địa bàn xã, nguồn thu được phân chia cho huyện thì cấp huyện quản lý đầu tư trên địa bàn huyện theo kế hoạch của UBND tỉnh. Chi ngân sách cấp xã có nhiệm vụ chi sự nghiệp giao thông, kiến thiết đô thị do cấp xã quản lý, chi cho công tác khuyến nông, lâm, ngư thuộc cấp xã quản lý, chi hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng.
Bên cạnh những thành công và kết quả đạt được, cơ chế phân cấp quản lý ngân sách ở địa phương cũng còn có những tồn tại, vướng mắc đáng kể, thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:
+ Đối với nhóm nguồn thu 100%: Tuy cả 3 cấp ngân sách ở địa phương đều có các khoản thu phân chia 100%. Tuy vậy ngân sách cấp tỉnh lại được phân cấp hưởng 100% nhiều khoản thu nhất, trong đó có 2 khoản thu có tính ổn định và có tỷ trọng lớn ở địa phương (thuế tài nguyên, tiền thuê đất). Nguồn thu 100% của ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã là những khoản thu còn lại, đây là những nguồn thu không chắc chắn và không phụ thuộc tăng trưởng kinh tế, hầu hết không có tính chất thuế: đặc biệt là khoản thu tại xã (thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản…). Trong điều kiện địa phương đang thu hút đầu tư, quy hoạch đô thị, quy hoạch cụm công nghiệp, nhiều diện tích đất đã bị thu hồi… đã làm cho nguồn thu hàng năm không ổn định, thậm chí có xu hướng giảm dần.
+ Đối với nhóm các khoản thu được phân chia theo tỷ lệ: Đối với 5 khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP: Sau khi phân chia tỷ lệ với trung ương, địa phương đã thực hiện phân chia tỷ lệ còn lại cho 3 cấp ngân sách ở địa phương, trong đó ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã chỉ được phân chia các khoản thu (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt) thuộc lĩnh vực thu ngoài quốc doanh; ngân sách cấp tỉnh hưởng các khoản thu còn lại thuộc các lĩnh vực thu từ doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý, doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, thu từ lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, phí xăng dầu. Đây là những khoản thu chủ yếu trong tổng thu nội địa ở địa phương, chính vì vậy có thể khẳng định đây là nguyên nhân chính gây bị động trong điều hành NS, không khuyến khích các địa phương chủ động khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu trên địa bàn.
Việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa 3 cấp NS ở địa phương được xác định theo Nghị quyết số 48/2016/NQ-NĐND ngày 13/12/2016 của HĐND tỉnh Thái Bình về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương từ năm 2017. Tuy vậy, việc tính toán tỷ lệ % phân chia giữa các cấp chính quyền địa phương còn mang nặng tính ước lượng, chủ quan. Khả năng dự báo tình hình sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chưa sát; ý thức chấp hành chính sách thu chưa cao… nên chưa khắc phục được tình trạng ỷ lại trong phân bổ kế hoạch ngân sách.
Cơ chế phân cấp ở địa phương đã quy định cụ thể nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách trên các lĩnh vực, tuy vậy kết quả chi hàng năm cho thấy nhiệm vụ chi ở ngân sách cấp tỉnh còn chiếm tỷ trọng cao, ngân sách cấp huyện trung bình, còn ngân sách cấp xã vẫn ở mức thấp, đã làm hạn chế tính chủ động, linh hoạt của chính quyền cấp dưới trong việc quản lý điều hành ngân sách, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.