- Điều ước quốc song phương.
2.2.2.2. Tập quán quốc tế.
Từ xa xưa, khi xã hội loài người được tổ chức ở trình độ còn thấp, sự liên kết giữa các cộng đồng, khu vực bị hạn chế bởi nhiều yếu tố nên mỗi khi thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh xảy ra, các chủ thể đều tự mình đối phó, giải quyết là chính. Tuy nhiên khi biết về việc có thiên tai xảy ra ở đâu đó, con
người vẫn thường dành cho nhau sự đối xử đầy lòng nhân ái. Trong thế giới hiện đại ngày nay cũng thế, mỗi khi có thiên tai, thảm hoạ xảy ra ở đâu đó, cộng đồng quốc tế, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cá nhân riêng lẻ luôn có những hành động, cử chỉ nhân đạo cao cả bằng việc trợ giúp tích cực cho người dân gặp khó khăn. Việc cứu trợ, tham gia các hoạt động cứu trợ nhiều khi được các chủ thể thực hiện một cách tự nhiên mà không cần dựa trên một cơ sở pháp lý nào, không cần quan tâm đến việc quốc gia sở tại nơi bị thiên tai, khủng hoảng nhân đạo có đồng ý, chấp nhận sự trợ giúp từ bên ngoài không. Thông lệ về việc giúp đỡ người dân gặp nạn dù họ ở bất kỳ địa điểm nào đã được nhân loại kế thừa và duy trì như một truyền thống văn hoá tốt đẹp.
Một vài nhận xét về cơ sở pháp lý:
Liên quan đến hoạt động can thiệp, cứu trợ nhân đạo, loại trừ các hoạt động tự phát do các cá nhân, tổ chức nhân đạo quốc tế thực hiện trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra; các hoạt động can thiệp nhân đạo có sử dụng cơ chế quân sự để bảo đảm đều dựa trên cơ sở các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Các Nghị quyết của Hội đồng bảo an được thể hiện ở các mức độ khác nhau (nên án, kêu gọi chấm dứt, khắc phục việc vi phạm, trừng phạt và nghiêm khắc nhất là cưỡng chế thi hành bằng vũ lực) đều dựa trên cơ sở có sự vi phạm thô bạo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người đã được ghi nhận trong luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người. Vấn đề là việc viện dẫn, áp dụng các quy định của luật quốc tế phải được xem xét hết sức cẩn thận, khách quan, minh bạch, tránh việc lợi dụng hay núp dưới chiêu bài can thiệp nhân đạo để xâm phạm độc lập, chủ quyền của quốc gia khác, làm ảnh hưởng đến trật tự, hoà bình và an ninh quốc tế. Trên thực tế, tuy đã có nhiều điều ước quốc tế quan trọng điều chỉnh vấn đề có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền con người như đã phân tích ở trên, xong các điều ước quốc tế đó không quy định một cách
trực tiếp việc can thiệp nhân đạo, cách thức tiến hành, điều kịên để can thiệp, cơ chế phối hợp…Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động can thiệp nhân đạo là một nhiệm vụ quan trọng để khắc phục những hạn chế trong Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế có liên quan. Hi vọng một công ước quốc tế về vấn đề can thiệp nhân đạo ra đời sẽ là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho phép triển khai có hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên phạm vi toàn cầu, kể cả việc can thiệp nhân đạo bằng quân sự để khắc phục hậu quả do khủng hoảng nhân đạo xảy ra (như ở Darfur - Sudan hiện nay).