Yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN THÔNG QUA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG HÀ NỘI (Trang 39 - 41)

- Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục; các chính sách của ngành Giáo dục trong từng giai đoạn cụ thể.

- Vấn đề về nội dung, chương trình đào tạo: Do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng lớn và tăng lên một cách nhanh chóng. Trong khi đó, thời gian và không gian học tập trên lớp có xu hướng giảm đi, các kênh thông tin đến với người học cũng ngày càng phong phú, đa dạng, do đó người học phải tăng cường tự học. Có như vậy, sinh viên Việt Nam mới có thể đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế.

- Phương thức đào tạo mà sinh viên tham gia: Trong những năm gần đây, đào tạo theo chế độ tín chỉ đang dần được thiết kế phù hợp để thay thế phương thức đào tạo theo niên chế. Nếu theo đúng bản chất của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ thì sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn cách học, môn học, người dạy và sắp xếp thời gian cho việc học, tự học, tự nghiên cứu. Lúc này, tự học sẽ quyết định năng lực, trình độ của mỗi sinh viên.

- Phương pháp giảng dạy của giảng viên:

Phương pháp dạy học là một trong những yếu tố quan trọng nhất của quá trình dạy học. Phương pháp dạy học là cách thức tổ chức hoạt động dạy học của giảng viên và cách thức tổ chức hoạt động học tập của sinh viên. Mối quan hệ giữa hoạt động dạy và hoạt động học là mối quan hệ tương tác, phương pháp dạy quyết định, điều khiển phương pháp học, phương pháp học tập của sinh viên là cơ sở để lựa chọn phương pháp dạy.

Như vậy, người dạy là người thiết kế, tổ chức quá trình tự học của người học. Vì vậy việc thay đổi cách dạy của người thầy đòi hỏi người học phải thay đổi cách học, người học phải tự học dưới sự hướng dẫn của người dạy. Do vậy, muốn hình thành và phát huy khả năng tự học cho sinh viên thì giảng viên phải thay đổi cách dạy nhằm phát huy tính tự giác, tích cực, độc lập của sinh viên trong quá trình đào tạo.

Hiệu quả của phương pháp dạy học phụ thuộc vào trình độ nghiệp vụ sư phạm của giảng viên. Việc nắm vững nội dung dạy học và quy luật, đặc điểm nhận thức của sinh viên là tiền đề quan trọng cho việc sử dụng phương thức dạy học nào đó. Cùng một nội dung, chương trình đào tạo, sinh viên học có hứng thú, có tích cực hay không, phần lớn phụ thuộc vào phương pháp dạy học của người thầy.

- Phương pháp đánh giá kết quả học tập:

Đánh giá kết quả học tập là đánh giá mức độ nắm được kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của sinh viên so với yêu cầu của chương trình đề ra. Kết quả của việc đánh giá được thể hiện bằng điểm số theo thang điểm đã được quy định và việc đánh giá còn thể hiện bằng lời nhận xét của giảng viên.

Các phương pháp kiểm tra và cách kiểm tra rất phong phú, cần phải lựa chọn các phương pháp kiểm tra cho phù hợp với mục tiêu đánh giá. Kiểm tra và đánh giá là hai quá trình có quan hệ chặt chẽ với nhau. Kiểm tra là để đánh giá, đánh giá dựa trên cơ sở của kiểm tra. Việc đánh giá chính xác chân thực với nội dung, hình thức phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo sẽ tác động trực tiếp đối với người học. Từ đó, người học tìm ra nguyên nhân, đề ra những giải pháp để việc học có hiệu quả. Việc đánh giá tốt sẽ giúp người học tự đánh giá tốt việc kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học của mình. Như vậy, người học sẽ cố gắng nỗ lực tìm ra các phương pháp tự học phù hợp cho bản thân để nâng cao kết quả học tập.

- Các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất:

Để hoạt động tự học có hiệu quả, bên cạnh điều kiện cần là mục đích, động cơ, kỹ năng, phương pháp tự học cần phải có điều kiện đủ là các phương tiện vật chất phục vụ cho hoạt động tự học.

Các phương tiên hỗ trợ cho hoạt động tự học là: các loại sách vở, tài liệu tham khảo, máy tính, internet… Trong đó, sách giáo trình, tài liệu tham khảo là phương tiện thường được sử dụng và quan trọng đối với sinh viên. Đây là nguồn tri thức hết sức phong phú, là cơ sở để người học tích lũy tri thức, mở rộng hiểu biết, làm căn cứ cho những khám phá, sáng tạo của bản thân. Thiếu nó, người học sẽ tốn nhiều thời gian công sức để bổ sung tri thức vào vốn kinh nghiệm của mình. Trong các trường cao đẳng, đại học nói chung, thư viện nhà trường cần thường xuyên cập nhật tài liệu tham khảo để tạo điều kiện cho người tự học tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, các yếu tố như phòng học, không gian học tập, các phương tiện hiện đại hỗ trợ học tập như hệ thống mạng internet… cũng là yếu tố quan trọng để người học say mê, hứng thú với hoạt động tự học.

- Phong trào tự học trong tập thể sinh viên:

Lớp học được cấu tạo từ một tập thể sinh viên, là môi trường hết sức thuận lợi để sinh viên có thể phát huy khả năng tự học. Do vậy, bầu không khí học tập của tập thể có vai trò quan trọng trong việc hình thành động cơ, ý thức tự học trong mỗi sinh viên. Trong tập thể nếu xây dựng được phong trào thi đua trong học tập sẽ tác động đến từng thành viên, làm cho mỗi cá nhân phải cố gắng vươn lên khẳng định mình trước tập thể. Nhà quản lý cần quan tâm, giúp đỡ để phát triển các tập thể sinh viên.

Ngoài ra, đối với sinh viên ở nội trú, các phòng cũng thường được sắp xếp theo lớp học hoặc chuyên ngành, khoa. Đây cũng là một môi trường thuận lợi để xây dựng và phát huy phong trào tự học ở lớp học, ngoài giờ học trên lớp.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN THÔNG QUA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG HÀ NỘI (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w