Khái niệm quản lí

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN THÔNG QUA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG HÀ NỘI (Trang 25 - 27)

Quản lý là một trong những hoạt động cơ bản nhất của con người, xét từ những phạm vi cá nhân, tập đoàn đến quốc gia hoặc nhóm quốc gia. Trong tất cả các lĩnh vực của đối tượng xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển đều phải dựa vào sự nỗ lực của một tổ chức từ một nhóm nhỏ đến phạm vi rộng lớn hơn ở tầm quốc gia, quốc tế đều phải thừa nhận và phải chịu sự quản lý nào đó.

Theo K. Omarov (Liên xô)- 1983: Quản lý là tính toán sử dụng hợp lý các nguồn lực nhằm thực hiện các nhiệm vụ sản xuất và dịch vụ với hiệu quả kinh tế tối ưu.

Theo H.Koontz (Người Mỹ): Quản lý là một hoạt động thiết yếu nhằm đảm bảo sự phối hợp những nỗ lực của các cá nhân để đạt được mục đích của nhóm (tổ chức). Mục tiêu của quản lý là hình thành một môi trường trong đó con người có thể đạt được mục đích của nhóm với thời gian, tiền bạc, vật chất và sự bất mãn cá nhân ít nhất. [12, Tr33]

Theo GS - TS Nguyễn Ngọc Quang: Quản lý là tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến tập thể những người lao động (Nói chung là khách thể quản lý) nhằm thực hiện được những mục tiêu dự kiến [30, Tr31].

Theo GS Đặng Vũ Hoạt và GS Hà Thế Ngữ cho rằng: Quản lý là một quá trình định hướng, quá trình có mục tiêu, quản lý một hệ thống nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. [25, Tr17]

Quan niệm truyền thống: Quản lý là quá trình tác động có ý thức của chủ thể vào một bộ máy (đối tượng quản lý) bằng cách vạch ra mục tiêu cho bộ máy, tìm kiếm các biện pháp tác động để bộ máy đạt tới mục tiêu đã xác định.

Như vậy quản lý có các thành phần: Chủ thể quản lý; đối tượng quản lý; mục tiêu quản lý. Ba thành phần này gắn bó chặt chẽ tạo nên hoạt động của bộ máy.

Người ta cũng có thể xem xét quản lý theo 2 góc độ khác:

a. Góc độ chính trị xã hội: Quản lý là sự kết hợp giữa tri thức với lao động. Sự phát triển của xã hội từ thời kỳ mông muội đến nay bao giờ cũng bao gồm 3 yếu tố: Tri thức, sức lao động và quản lý.

Để vận hành sự kết hợp này, cần có một cơ chế quản lý phù hợp. Quản lý được xem là tổ hợp các cách thức, phương pháp tác động vào đối tượng để phát huy khả năng của đối tượng nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

b. Theo góc độ hành động: Quản lý là quá trình điều khiển - Chủ thể quản lý điều khiển hoạt động của người dưới quyền và các đối tượng khác để đạt tới đích đặt ra.

Điều khiển người dưới quyền nghĩa là tổ chức họ lại, đưa họ vào guồng máy bằng các quy định, quy ước tạo động lực và hướng họ vào mục tiêu theo một lộ trình nhất định.

Các đối tượng khác có thể là các vật hữu sinh, có thể là các vật thể vô tri vô giác. Các đối tượng này đều được khai thác phục vụ cho hoạt động của con người.

* Quan niệm hiện nay: Quản lý là những hoạt động có phối hợp nhằm định hướng và kiểm soát quá trình tiến tới mục tiêu.

Theo quan niệm chung nhất: “Quản lý là hoạt động hay tác động có định hướng, có chủ định của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý

(người bị quản lý) trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức.

Thực chất quản lý là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng cách vận dụng các hoạt động (chức năng) kế hoạch hoá, tổ chức, chỉ đạo (lãnh đạo) và kiểm tra. Đó là quá trình tác động gây ảnh hưởng của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm đạt được mục tiêu chung. Bản chất của quản lý là một loại lao động để điều khiển lao động; vì thế, các loại hình lao động càng phong phú, phức tạp thì hoạt động quản lý càng có vai trò quan trọng.

Nội hàm khái niệm quản lý phản ánh đó là: Hoạt động phối hợp nhiều người, nhiều yếu tố; chủ thể quản lý định hướng các hoạt động đó theo một mục tiêu nhất định; kiểm soát được tiến trình của hoạt động trong quá trình tiến tới mục tiêu.

Một phần của tài liệu QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN THÔNG QUA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG HÀ NỘI (Trang 25 - 27)