7. NỘI DUNG
1.2.2. Tổng hợp kết quả các nghiên cứu thực nghiệm về tác động từ
FDI tới tăng trưởng kinh tế qua kênh đầu tư
Các nghiên cứu ở nước ngoài
Braunstein và Epstein (2002) sử dụng mô hình hồi quy với dữ liệu bảng ở một số vùng của Trung Quốc từ năm 1986 đến năm 1999. Họ nhận thấy rằng, mặc dù FDI cho dù tác động tích cực tới TTKT thông qua kênh đầu tư nhưng cũng đã lấn át đầu tư trong nước [26].
Omran và Bolbol (2003) thực hiện nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI với sự phát triển tài chính và TTKT ở các nước Ả Rập. Kết quả cho thấy, tác động tích cực của FDI đến TTKT thông qua đầu tư ở các nước mà dòng vốn này có sự tương tác với các biến tài chính tại một ngưỡng nào đó của sự phát triển. Thúc đẩy FDI sẽ khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các nước, tạo ra TTKT và sự phát triển của hệ thống tài chính. Các cải cách của hệ thống tài chính trong nước, chính sách thương mại tự do đã thúc đẩy FDI phát triển và tạo ra môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư [52].
De Gregorio (2003) đã ghi nhận rằng, đối với các nước không có sẵn nền tảng khoa học và công nghệ, FDI có thể mang lại các điều này và tăng năng suất hơn. FDI cũng có thể mang lại các kỹ năng mà đất nước đó không có. Các nghiên cứu thực nghiệm trong khoảng thời gian 1950-1985 cho rằng, việc tăng tổng đầu tư khoảng 1 % làm cho TTKT của các nước Mỹ Latinh tăng thêm 0,1% đến 0,2% một năm. Nhưng nếu tăng FDI cùng một khối lượng sẽ làm tăng GDP lên 0,6% một năm. Điều này chỉ ra rằng, FDI có tác động hiệu quả hơn gấp 3 lần so với đầu tư trong nước [31].
Agrawal và đồng sự (2011) khi nghiên cứu tác động từ vốn FDI đối với TTKT của Trung Quốc và Ấn Độ trong thời kỳ 1993-2009. Kết quả hồi quy mô hình OLS cho thấy, sự gia tăng 1% trong FDI sẽ dẫn đến tăng 0,07% trong GDP của Trung Quốc và tăng 0,02% trong GDP của Ấn Độ. Nghiên cứu cũng chỉ ra, sự tăng trưởng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều bởi FDI hơn mức tăng trưởng của Ấn Độ. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài thích đầu tư ở Trung Quốc hơn đầu tư vào Ấn Độ. Bởi vì, Trung Quốc có quy mô thị trường, khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, các chính sách khuyến khích của chính phủ, cơ sở hạ tầng phát triển và môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn so với Ấn Độ [20].
Naveed Iqbal Chaudhry; Asidf Mehmood và Mian Saqib Mehmood (2013) nghiên cứu mối quan hệ thực nghiệm giữa FDI và TTKT ở Trung Quốc. Nghiên cứu này dựa trên số liệu thứ cấp thu được từ Ngân hàng Thế giới. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, FDI thúc đẩy TTKT cho nước chủ nhà qua kênh đầu tư. Bài học có ý nghĩa chính sách đối với Trung Quốc có thể rút ra là khá lớn. Đó là, cần phải thực hiện sâu hơn các cải cách tài chính và các chính sách phù hợp để làm tăng tính hiệu quả của khu vực tài chính trong nước – điều kiện tiên quyết cho tác động lan tỏa dương của đầu tư nước ngoài; chính phủ cũng cần duy trì trạng thái an ninh tốt cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không xem xét đến yếu tố vốn con người – yếu tố thu hút chính của FDI. Nguồn nhân lực (NNL) ở Trung Quốc là một trong những nhân tố nổi trội của nền kinh tế Trung Quốc nên cần có các nghiên cứu thực nghiệm khác để chỉ ra mối quan hệ giữa NNL với FDI. Đây chính là hạn chế của nghiên cứu này [50].
Soltani Hassen and Ochi Anis (2012) nghiên cứu tác động FDI tới TTKT dựa trên dữ liệu hàng năm ở Tunisia giai đoạn 1975-2009. Nghiên cứu này đã chỉ ra, FDI ở Tunisia đã đóng vai trò quan trọng trong TTKT. Không
chỉ tác động tới TTKT, FDI còn tác động tích cực, đáng kể vào tích lũy vốn con người và tăng quy mô thương mại. Nghiên cứu cũng khẳng định, FDI là một phần không thể thiếu của một hệ thống kinh tế hội nhập, hiệu quả được tạo ra để phát triển. Tuy nhiên, lợi ích của nó không xuất hiện tự động và phân bố không đều giữa các quốc gia, ngành và cộng đồng địa phương. Đây là xu thế tác động dài hạn từ vốn FDI tới TTKT. Hạn chế của nghiên cứu này là chưa đề cập đến tác động không mong muốn của FDI tới môi trường và hiệu quả khai thác tài nguyên. Trong khi, đây thực sự là vấn đề của các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư FDI [59].
Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển và là thành viên của OECD. Khám phá tác động của FDI vào tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Hàn Quốc, nghiên cứu của Sauwaluck Koojaroenprasit (2012) tập trung vào đánh giá tác động của dòng vốn FDI vào TTKT qua kênh đầu tư của Hàn Quốc bằng cách sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian kinh tế vĩ mô hàng năm trong khoảng thời gian 1980-2009. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, FDI có một tác động mạnh mẽ và tích cực đến TTKT của Hàn Quốc thông qua kênh đầu tư. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nguồn nhân lực, việc làm và xuất khẩu cũng có tác động tích cực. Trong khi dó, đầu tư trong nước không có tác động đáng kể vào TTKT của Hàn Quốc [56].
Yilmaz Bayar (2014) nghiên cứu tác động FDI và đầu tư trong nước đến TTKT của Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên số liệu thời kỳ 1980-2012. Tác giả đã phân tích mối quan hệ tăng trưởng GDP, FDI với đầu tư trong nước (DI) dựa trên phân tích chuỗi thời gian. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, trong khi FDI có tác động âm (-) thì DI có tác động dương (+) đến TTKT. Từ đó, tác giả cho rằng, tác động âm (-) của FDI đến TTKT phần lớn bắt nguồn từ việc dòng FDI chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ bằng hình thức tư nhân hóa các tài sản cố định thuộc sở hữu nhà nước. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cần thực hiện các chính
sách thu hút FDI dưới hình thức đầu tư mới để chuyển đổi tác động âm này sang tác động dương (+) cho TTKT [70].
Nhìn chung, có rất nhiều các nghiên cứu về FDI được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới nhưng phần lớn tập trung ở các nước đang phát triển. Tác động của FDI tới tăng trưởng thông qua kênh đầu tư thường được xem xét trong mối quan hệ với vốn trong nước, xuất khẩu, vốn con người…Điều này cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá tác động từ vốn FDI có lấn át đầu tư trong nước hay ngược lại; cũng như đánh giá khả năng của FDI với xuất khẩu hay khả năng tiếp nhận công nghệ từ FDI mang lại. Phương pháp được sử dụng để phân tích phần nhiều kế thừa các lý thuyết về mô hình tăng trưởng tân cổ điển, mô hình tăng trưởng nội sinh và có sự phát triển mở rộng để áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Kết quả của các nghiên cứu cũng rất khác nhau, có những nghiên cứu có kết quả tác động dương (+) nhưng cũng có nghiên cứu cho kết quả âm (-) hay không rõ ràng.
Nghiên cứu tác động từ FDI tới TTKT có tính chất không gian vùng theo lãnh thổ
Bende-Nabende và cộng sự (2001) tìm hiểu mối quan hệ hai chiều giữa FDI và TTKT của 5 quốc gia châu Á (giai đoạn 1970-2006) cũng có kết quả tương đồng [24]. Carkovic và Levine (2002) sử dụng hai bộ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và IMF của 72 nước (giai đoạn 1960 -1995) đã kết luận, FDI không có tác động đáng kể đến tăng trưởng thông qua kênh đầu tư. Thêm nữa, họ chỉ ra rằng, FDI tác động đến tăng trưởng không phụ thuộc vào sự thay đổi của vốn con người [27]. Đối với trường hợp của Sri Lanka, Athukorala (2003) cũng khẳng định, không có mối tương quan chặt chẽ giữa FDI và TTKT. Nghiên cứu còn chứng minh, tác động nhân quả không phải từ FDI đến tăng trưởng mà là tăng trưởng đến FDI [22]. Sử dụng dữ liệu của 80 quốc gia (giai
đoạn 1979 -1998), Durham (2004) cũng có kết quả tương tự trong việc phủ nhận mối tương quan dương (+) giữa FDI và TTKT [34].
Mallick và Moore (2008) sử dụng mô hình tăng trưởng nội sinh bằng cách sử dụng dữ liệu bảng cho 60 nước đang phát triển (giai đoạn 1970- 2003). Họ nhận thấy rằng, dòng vốn FDI có tác động tích cực và đóng góp đáng kể vào TTKT trên tất cả các nhóm thu nhập. Nhưng những tác động gián tiếp từ FDI đến TTKT có thể là yếu ở các nhóm thu nhập thấp hơn các nhóm thu nhập cao [46].
Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và TTKT ở không gian vùng trong quốc gia.
Kui-Yin Cheung, Ping Lin (2004) đã xem xét hiệu ứng lan tỏa của FDI đối với TTKT trong cải cách kinh tế ở Trung Quốc, sử dụng số liệu cấp tỉnh giai đoạn 1995-2000 và phương pháp ước lượng FEM và REM. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác động tích cực của FDI đến công nghệ trong nước ở các vùng của Trung Quốc [43].
Nghiên cứu của Wei K., (2008) về FDI và TTKT ở các vùng ở Trung Quốc. Sử dụng số liệu các tỉnh của nước này từ khi bắt đầu cải cách 1979 tới 2003 và hàm Cobb- Douglas để phân tích mối quan hệ này. Kết quả cho thấy có tác động tích cực của FDI tới TTKT ở các vùng nhưng có mức độ khác nhau tùy điều kiện thể chế, hạ tầng...ở mỗi địa phương [74].
Svetlana Ledyaeva và Mikael Linden (2010) nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và TTKT, đã sử dụng mô hình Solow-Swan (1956) để phân tích số liệu trong giai đoạn 1996 -2003. Kết quả cho thấy, không có mối quan hệ giữa FDI và TTKT ở cấp độ khu vực tại Nga [60].
Jiang Jianming và Masaru Ichihashi (2011) nghiên cứu tác động từ FDI đến kinh tế của 91 địa phương tỉnh Giang Tây, Trung Quốc trong giai đoạn 2002-2009. Nghiên cứu này cho thấy, FDI có tác động đến TTKT ở các địa
phương tỉnh Giang Tây nhưng mức độ tác động có sự khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, nghiên cứu nhấn mạnh nhân tố lao động ở các địa phương tỉnh Giang Tây [39].
Các nghiên cứu ở Việt Nam
Nghiên cứu tác động từ vốn FDI tới TTKT ở Việt Nam thông qua kênh đầu tư là vấn đề được quan tâm khá lớn của các nhà nghiên cứu. Vì thế, cũng có rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam đã được thực hiện và đã có những đóng góp nhất định cho quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam.
Nghiên cứu của Hoa và Hemmer (2002) cho thấy tác động của dòng FDI đến TTKT qua kênh đầu tư. FDI vừa tác động trực tiếp và không lấn át đầu tư. Hệ số ước lượng của FDI có ý nghĩa thống kê dương (+) khi thực hiện với phương pháp dữ liệu mảng của 61 tỉnh thành Việt Nam trong giai đoạn 1990 – 2000. Thêm nữa, FDI tác động gián tiếp thúc đẩy TTKT thông qua tác động vào vốn con người. Cũng cùng kết luận với nghiên cứu của Hoa và Hemmer (2002), Tran Trong Hung (2005) sử dụng phương pháp bình phương bé nhất để xem xét tác động của FDI với TTKT. Nghiên cứu cho thấy, FDI có tác động đến TTKT, thể hiện qua việc tăng mức sống, tiến bộ kỹ thuật và tăng năng suất lao động [36].
Vu, Noy và Gangnes (2006) nghiên cứu tác động FDI đến tăng trưởng ở Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả cho thấy, FDI có tác động dương và có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, tác động này không giống nhau ở từng quốc gia, riêng ở Việt Nam tác động này nhiều hơn thông qua tác động dương đến lĩnh vực xăng dầu [69].
Lê Xuân Bá và nhóm tác giả (2006) tiến hành nghiên cứu tác động từ FDI tới TTKT ở Việt Nam dựa trên số liệu chuỗi thời gian 1998 -2003 từ nhiều nguồn khác nhau. Đầu tiên, nghiên cứu đã khái quát tình hình FDI ở Việt Nam. Trong phần này, nhóm đã tập trung đánh giá vai trò của FDI đối
với nền kinh tế Việt Nam và khái quát các chính sách thu hút FDI của Việt Nam. Nhóm tác giả đã sử dụng hàm sản xuất Cobb – Douglas và hồi quy hai giai đoạn để ước lượng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã được thay đổi theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng nhóm cũng chỉ ra điểm yếu cố hữu của Việt Nam. Mặc dù mức độ hấp dẫn của chính sách là khá cao, không thua kém các nước có chính sách được cho là thông thoáng nhất, nhưng hiệu lực và hiệu quả của chính sách khi triển khai rất thấp. Điều này đã tạo ra rào cản lớn tới việc thu hút FDI vào Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra tác động tích cực từ FDI tới TTKT và mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam; trình độ học vấn của lực lượng lao động là yếu tố tăng mức đóng góp từ FDI vào TTKT [4].
Thu Thi Hoang, Paitoon Wiboonchutikula, Bangorn Tubtimtong (2010) đã đánh giá lại tác động FDI đến TTKT ở Việt Nam. Nghiên cứu xem xét một khoảng thời gian rộng hơn (1995 – 2006) so với các nghiên cứu trước. Tác động FDI tới TTKT thông qua kênh đầu tư được nghiên cứu trong mối quan hệ với lao động, vốn con người, đầu tư trong nước, thương mại… Kết quả cho thấy, FDI có tác động tích cực tới TTKT, nhưng FDI và vốn đầu tư trong nước có thể sẽ lấn át lẫn nhau [61].
Kết quả của nghiên cứu Thu Thi Hoang, Paitoon Wiboonchutikula, Bangorn Tubtimtong (2010) cho thấy tác động mạnh mẽ của FDI đối với TTKT ở Việt Nam. Nó không ảnh hưởng đến TTKT thông qua các hiệu ứng tương tác FDI với vốn con người và thương mại. Điều đó ngụ ý rằng, công nghệ tiên tiến và chuyển giao kiến thức từ các dòng vốn FDI vẫn chưa có tác động cụ thể đến TTKT của Việt Nam. Vốn bổ sung từ các dòng vốn FDI là kênh duy nhất giúp gia tăng tốc độ TTKT ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa chỉ ra, liệu có sự khác biệt hay không của dòng vốn này tới TTKT
theo từng vùng ở Việt Nam, cho dù số liệu thống kê của 61 tỉnh có thể cho phép điều này.
Nguyễn Thị Hồng Đào và Phạm Thế Anh (2012), nghiên cứu tác động FDI tới TTKT thông qua hiệu ứng lan tỏa xuất khẩu từ DN FDI đến doanh nghiệp trong nước (DN TN) trong ngành công nghiệp chế biến. Nhóm tác giả đã sử dụng Mô hình chọn mẫu của Heckman để ước lượng toàn bộ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Đây là nghiên cứu vấn đề vĩ mô dựa trên số liệu vi mô nên kết quả của nó cũng rất đáng quan tâm. Nghiên cứu đã chỉ ra tác động lan tỏa xuất khẩu từ FDI đến DN TN [10]. Nhưng để có thể tiếp nhận sự lan tỏa này, đòi hỏi những DN TN phải có thâm niên tham gia thị trường lâu dài, hình thức sở hữu tư nhân, mức lương bình quân cao. Bởi vì, khi họ có thâm niên tham gia thị trường, DN TN sẽ có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ làm ăn, hoạt động xuất khẩu năng động hơn và mức lương cao thường gắn với lao động có chuyên môn và chất lượng. Từ kết quả này, các tác giả cũng đưa ra các kiến nghị để phát huy sự lan tỏa này. Đó là: (i) điều chỉnh các chính sách để DN FDI tập trung cao hơn vào thị trường xuất khẩu chứ không phải hướng vào thị trường nội địa Việt Nam; (ii) DN TN cần phải chú trọng hơn nữa tới phát triển NNL để vừa phát huy sự lan tỏa vừa dần dần nâng cao sức cạnh tranh; (iii) Các chính sách cần tạo sự liên kết giữa các DN TN và DN FDI tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh; (iv) Cuối cùng, các chính sách của Việt Nam cần bình đẳng hơn về môi trường cạnh tranh giữa DN FDI và DN TN. Mặc dù, nghiên cứu này thực hiện phân tích tác động theo vùng và ngành nhưng nhóm tác giả đã đánh giá được mức độ tác động khác biệt giữa các vùng. Đây là vấn đề thực tế do tính đặc thù của vùng miền, từ đó, có những kiến nghị chính sách phù hợp cho từng địa phương.