7. NỘI DUNG
1.2.1. Các lý thuyết về tác động từ vốn FDI tới tăng trưởng kinh tế
Vốn đầu tư nói chung và FDI nói riêng là yếu tố nguồn lực có ảnh hưởng quyết định đến TTKT. Về lý thuyết, mô hình tăng trưởng cổ điển, tân cổ điển và sau này mô hình tăng trưởng nội sinh vẫn khẳng định điều này.
Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển hay còn gọi là lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh. Nền tảng của lý thuyết này dựa vào mô hình tăng trưởng Solow (1956). Theo lý thuyết này, TTKT được tạo bởi các yếu tố ngoại sinh như tích lũy vốn và lao động. Thông qua hàm sản xuất tích lũy vốn làm gia tăng vốn sản xuất qua đó thúc đẩy sản lượng. Barro và Sala-I-Martin (1995) khẳng định rằng, có mối quan hệ tích cực giữa TTKT và tích lũy vốn theo thời gian [22]. Điều này có được là nhờ FDI như nguồn đầu tư bổ sung cho sự thiếu hụt đã cho phép gia tăng vốn ở nước chủ nhà và sau đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hướng tới trạng thái ổn định mới, bằng cách tích tụ vốn. Theo lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh, FDI tác động đến TTKT thông qua tác động đến đầu tư trong nước.
Lý thuyết tăng trưởng nội sinh, từ những hạn chế của mô hình Solow. Mô hình này coi nền kinh tế như một hệ thống nên tăng trưởng sản lượng không chỉ do các nhân tố ngoại sinh như vốn, lao động,… mà còn do những yếu tố nội tại bên trong như những yếu tố liên quan tới trình độ của lao động, …Tuy nhiên, những yếu tố được coi là nội sinh cũng “không hoàn toàn” là
nội sinh vì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nhân tố đó. Nghĩa là, nội sinh ở đây được hiểu theo nghĩa tương đối. Mô hình tăng trưởng nội sinh này tập hợp các nhánh chính với các lý thuyết tiêu biểu: (i) “Mô hình học hỏi” của Kenneth Arrow (1962); (ii) “Mô hình nghiên cứu và triển khai” của Paul Romer (1990); (iii) “Mô hình vốn con người” của Gregory Mankiw, David Romer và David Weil (1992). Cũng giống như lý thuyết mô hình tân cổ điển, FDI có thể tác động trực tiếp đến sản lượng, bởi vì nó làm gia tăng tích lũy vốn. Tuy nhiên, tác động này có thể là nhỏ vì giả định “thay thế hoàn hảo”. Mô hình tăng trưởng nội sinh còn cho rằng, tăng trưởng trong dài hạn chịu ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế. Chính sách mở cửa nền kinh tế thúc đẩy FDI sẽ dẫn đến TTKT dài hạn. Các nhân tố tăng trưởng là những nhân tố nội sinh và FDI được xem như là một tập hợp gồm vốn, các bí kíp và công nghệ (Balasubramanyam (1996)), có rất nhiều kênh mà FDI có thể tác động để đóng góp vào TTKT cho nước chủ nhà như tích lũy vốn, chuyển giao công nghệ. Trong thập niên 1990, dòng chảy vốn nước ngoài tập trung vào các quốc gia phát triển. Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển không thể giải thích hiện tượng này vì nó giả định rằng vốn di chuyển từ các nước giàu đến nước nghèo. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh (Lucas, 1990) cho thấy không có sự chuyển giao của vốn từ nước giàu đến nước nghèo.
Như vậy, trên phương diện lý thuyết, FDI có thể thúc đẩy TTKT bằng nhiều kênh khác nhau (Herzer et al., 2008). Theo một số kết quả nghiên cứu, có thể thấy tác động của FDI tới TTKT có hai kênh chính (De Mello, 1999); (Kim và Seo, 2003). Đó là: (i) FDI có thể ảnh hưởng đến TTKT thông qua kênh đầu tư hay tăng tích lũy vốn. Điều này xuất phát từ lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh. (ii) FDI có thể tạo ra tác động tràn để thúc đẩy TTKT thông qua chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng lao động hay phát triển thương mại và hội nhập... Điều này xuất phát từ lập luận của lý thuyết tăng trưởng
nội sinh. Vì vậy, về mặt lý thuyết FDI có thể đóng vai trò quan trọng trong TTKT thông qua việc tăng tích lũy vốn, lan truyền công nghệ và sự tiến bộ (Herzer et al., 2008)). Từ đó cho thấy, FDI có thể góp phần phát triển kinh tế và hứa hẹn lợi ích tiềm năng để phát triển ở nước chủ nhà.