7. NỘI DUNG
1.1.2.3. Các nguồn lực với tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào năng lực của nền kinh tế. Năng lực này lại phụ thuộc vào các nguồn lực của nền kinh tế. Các nghiên cứu bàn về chủ đề này:
Theo các nhà kinh tế cổ điển, tăng trưởng gắn với mức sản lượng nhiều hơn theo thời gian. Lý thuyết này chỉ ra cách thức tạo ra tăng trưởng bằng huy động các nguồn lực khác nhau mà chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động, tiến bộ công nghệ đã được nhắc tới nhưng chưa thực sự quan trọng vì đặc trưng của của nền kinh tế thế giới chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp.
Lý thuyết về mô hình tăng trưởng Tân cổ điển đã khẳng định: (i) Đầu tư chỉ tạo ra và duy trì tăng trưởng trong ngắn hạn; (ii) Tăng tích lũy vốn cho phép thúc đẩy tăng đầu tư nhưng không duy trì tăng trưởng dài hạn; (iii) Tỷ lệ gia tăng dân số phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và nên duy trì quy mô dân số hợp lý; (iv) Tiến bộ công nghệ mới bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Lý thuyết về mô hình tăng trưởng nội sinh coi nền kinh tế như một hệ thống, nên sự gia tăng sản lượng không chỉ do các nhân tố ngoại sinh như vốn, lao động,… mà còn do những yếu tố nội tại bên trong như những yếu tố liên quan tới trình độ lao động…Lý thuyết này đã chỉ ra cách tạo ra tăng trưởng dựa trên các nhân tố chiều sâu. Đó là (i) Tăng tiết kiệm để đầu tư vốn sản xuất nếu đi cùng với tích lũy vốn con người sẽ cho phép nâng cao hiệu quả đầu tư và do đó tăng trưởng bền vững hơn. Điều này cũng hàm ý rằng, tăng tích lũy cho đầu tư vốn vật chất phải đi cùng với đầu tư vào vốn con người thích ứng mới cho phép tăng trưởng vững chắc. (ii) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các doanh nghiệp, cho phép nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế trong dài hạn. Với các nước đang phát triển thì tiếp nhận chuyển giao công nghệ là con đường ngắn và hiệu quả nhất; ngoài ra cần cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực (NNL) là bước đi quan trọng. (iii) Đầu tư vào vốn sản xuất và vốn con người đều quan trọng, nhưng với các nước đang phát triển, đầu tư vào vốn con người phù hợp hơn và hiệu quả hơn.
Như vậy, các lý thuyết kinh tế không chỉ khẳng định tầm quan trọng của các nguồn lực trong tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn, đã chỉ ra cách thức sử dụng chúng. Theo đó, phải thay đổi hướng sử dụng các nguồn lực từ tập trung huy động và sử dụng các yếu tố chiều rộng sang các yếu tố chiều sâu gắn với hội nhập mở cửa. Mở rộng phạm vi huy động và phân bổ nguồn lực ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, ra thị trường quốc tế.