5. Bố cục của luận án
3.2.1. Các kiểu nghệ thuật xây dựng tình tiết
Với dụng công rõ rệt trong nghệ thuật xây dựng tình tiết, Vũ Trọng Phụng đã tỏ ra là một cây bút khá già dặn và điêu luyện. Bằng việc tỉnh lược, phóng đại, khái quát sự kiện, cá biệt hóa tính cách nhân vật, Vũ Trọng Phụng đã tạo ra cho mình một nghệ thuật xây dựng tình tiết, một phong cách viết riêng sắc sảo và độc đáo.
3.2.1.1. Nghệ thuật tỉnh lược
Tỉnh lược được xem như một thủ pháp nghệ thuật nhằm rút gọn, tóm tắt, thâu giản một phần các tình tiết, sự kiện. Cái tinh tế, “đắc địa”' được trình bày tưởng như bình thường nhưng lại là những vấn đề mấu chốt. Tinh tiết được chọn lọc mang tính đặc thù như ở phụ nữ là tình cảm, (chồng chết thì “thủ tiết với hai đời chồng - Phó Đoan, có chồng thì “ giữ trinh tiết với hai người ! chồng và nhân tình” - Hoàng Hôn, chưa chồng thì làm “trang bán sử nữ” nghĩa là demi vierge - Tuyết) và cách ăn mặc (phô phang cái lố bịch, hợm hĩnh trong cách ăn mặc, các kiểu áo “lời hứa”, “chiếm lòng”, “dậy thì”, “ỡm ờ”, “ngừng tay”, “hãy chờ một phút”...), ở cường hào, địa chủ là dâm và đểu, ở người nông dân là áp bức bóc lột, ở bọn quan lại là tham và ác v.v... Sự giản lược như một khoảng lặng đầy ý nghĩa. Dường như sự kiện ấy không tiện nói ra hoặc chẳng cần phải nói ra thật rõ, thật đầy đủ nhưng người đọc ở trong văn cảnh, trong không khí chung của truyện sẽ cảm nhận được.
Đoạn đối thoại ngắn giữa bà Năm và Tiết Hằng trong Dứt tình là minh chứng cụ thể: - Bà cho gọi mẹ con tôi về chơi có tin mừng. Vậy mừng gì thế nhỉ?
67
Hằng đỏ mặt còn lúng túng thì bà Năm đã tiếp một cách tinh quái: - Vậy tôi xin ngõ lời trân trọng mừng bà.
- Xin đa tạ.
- Thế còn bao lâu nữa nhỉ ?
- Còn hai tháng nữa thôi ạ. Bà Năm ngơ ngác hỏi: - Sao lại chỉ còn hai tháng nhỉ ?
- Vâng, chính thế. Tôi để tang theo người Âu. [117, tr.59]
Có khi chỉ cần đưa ra một chi tiết duy nhất, còn tất cả đều bị loại bỏ, nhưng vẫn diễn đạt đầy đủ nội dung, ý tứ. “Cái va ly” trong đoạn đối thoại sau đây quả là chi tiết đắc địa. Tác giả không dùng lời nào để diễn đạt sự đắn đo, suy nghĩ, không dùng một câu nào để nói sự ra đi của Hằng với Việt Anh, nhưng chi tiết “cái va ly” lại nói lên tất cả:
Trời rả rích mưa... gió thổi ào ào, mặt đường nhựa đầy những ánh đèn điện, lá rụng phủ lác đác khắp mặt đường. Một lát, nàng quay vào gọi con Nguyên và bảo:
- Đem cho tao cái va ly con vào đây. - Bẩm con đã lấy dưa ngâm dấm.
- Thôi, đem cho tao cái va ly. [117, tr.159]
3.2.1.2. Nghệ thuật phóng đại
Phóng đại, cường điệu để tạo tình huống tức cười, mỉa mai. Trong Số đỏ, nhân vật Xuân được phóng đại, “phô” to hơn con người thật của nó gấp nhiều lần. Từ một thằng ma cà bông chỉ trong năm tháng mà đã có đủ tài để làm đốc tờ, đủ đức để được suy tôn vĩ nhân, đủ trí để lời lẽ được ghi trong bộ từ điển Khai Trí Tiến Đức.
Cái cảnh Xuân nhờ quen miệng quảng cáo thuốc lậu mà đã đoán trúng bệnh cụ Cố tổ là suyển, phạm phòng, đau dạ dày để trở thành “Một sinh viên trường thuốc”, hoặc cảnh tranh
nhau mọc sừng giữa “Phán mọc sừng” với tình nhân của vợ, cảnh Xuân đọc thuộc lòng thơ
quảng cáo khiến cho thi sĩ lãng mạn đành chịu thua bỏ đi v.v... đều dùng thủ pháp phóng đại. Phúc khéo dựng cảnh trả thù cả gia đình cho “phải biết sợ mình” vì xưa nay vốn khinh rẻ coi thường (chương 5):”ngồi chễm chê giữa sập” để “bố mẹ ngồi xuống một cái ghế kê gần sập
68
thấp hơn” và huênh hoang tuyên bố trúng số mười vạn bạc. Tác giả đùa cợt thoa thuê với ngòi bút của mình, tô màu, “nâng cấp” sự thật để nó trở nên một sự bông phèn, đáng chê, đáng diễu.
Nguyễn Công Hoan cũng có cái cười mỉa mai châm chọc nhưng cách sử dụng tình tiết có khác. Trong Đồng hào cố ma, những chi tiết đưa ra rất thật chẳng phải phóng đại tô vẻ. Nó chỉ là cái mẹo vặt của một tên quan huyện ăn bẩn: “một đồng hào của người dân đánh rơi lăn vào chân quan. Quan bèn dậm lên, chờ chủ nhân đi khỏi, quan đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giày ra một tí, cúi xuống thò tay nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giày bám vào, rồi bỏ tạt vào túi”.
3.2.1.3. Những tình tiết được khái quát hóa thành tiêu đề đặt ngay mỗi đầu chương sách
Trong Số đỏ, Trúng số độc đắc, Làm đĩ, tiêu đề tóm tắt nội dung của từng chương đồng thời báo trước về việc sắp xếp các tình tiết.
Hạnh phúc một tang gia (chương 15, Số đỏ) chứa đựng nhiều tình tiết mâu thuẫn, đối lập giữa bi - hài, tang gia - hạnh phúc, vui - buồn.
Một cuộc tranh nhau mọc sừng (chương l0, Số đỏ) có cảnh cải lộn, xung đột làm nổi bật cái đáng cười, khôi hài, châm biếm.
Ngày đầu trúng số(chương 5, Trúng số độc đắc) sắp xếp những tình tiết tạo ra mâu thuẫn, tình huống có vấn đề để nổ ra việc tranh nhau nói xấu giữa bố, mẹ.
Với cách trình bày như vậy, tác giả đột ngột ném độc giả vào những tình huống khác nhau, tố giác tính cách sắp đặt trước của truyện, gây cảm xúc ban đầu, chuẩn bị tâm thế để cảm thụ, tiếp xúc. Với cách xây dựng “báo trước” này ở mỗi chương, dường như ta bắt gặp nhân vật trong hoàn cảnh mới, tình tiết mới, nên duy trì sự ngạc nhiên thường trực làm tăng sức lôi cuốn, hấp dẫn của truyện. Đặc biệt trong Số đỏ, tuy mỗi chương có sự độc lập như đứng riêng hẳn ra nhưng vẫn có sự liên kết trong mạch phát triển chung của truyện. Xuân Tóc Đỏ trong mỗi chương làm thêm một việc giả dối và sau mỗi việc giả dối lại tiến thêm một bực trong nấc thang xã hội và cứ thế mãi cho đến tột đích. Do vậy, yêu cầu việc dàn dựng, sắp xếp tình tiết phải tinh hơn, cao hơn.
69
3.2.1.4. Xây dựng tình tiết bằng cách dùng những chi tiết “đắt” để khắc họa những tính cách, hoàn cảnh
Thằng Xuân từ khi còn là tên nhặt banh quần và ngay cả khi gia nhập vào thế giới thượng lưu, nết xưa tật cũ không chừa, cứ mỗi khi mở miệng là chửi thề, văng tục:
“Nước mẹ gì! Bóp với chả bóp! Mẹ kiếp ! Chứ con với chả cái!
Mẹ kiếp ! Chứ lại chữ với chả nghĩa ! Mẹ kiếp ! Quần với chả áo
Mẹ kiếp ! Con giời với lại chả con Phật...”
Cụ Cố Hồng không mở miệng thì thôi mà mở miệng là “Biết rồi ! Khổ lắm nói mãi !”, cậu Phước thì bất cứ chuyện gì cũng “Em chã !” cho đến khi Xuân Tóc Đỏ được tung hô vạn tuế nó mới “không em chã nữa”. Những chi tiết này góp phần không nhỏ vào nghệ thuật tả người dựng cảnh, nó tạo ngay một không khí đối thoại không bình thường và tạo một sự cảm nhận nghệ thuật riêng. Trong những trường hợp, tình huống như thế, một bên đối thoại xét bề ngoài như trơ ra, lì đi, bất biến, nói năng như một sự phản xạ có điều kiện, nhưng thực ra tạo được hiệu quả đối thoại cao, mang tính cá biệt. Ví như những tiếng hô dội vào tường, tường bất động nhưng lại tạo ra tiếng vang to, giàu âm hưởng. Không phải dễ khi sắp đặt tình tiết để nhân vật phải đối thoại lại với một câu trả lời duy nhất, vì đã gọi là thoại thì phải có lời thoại qua lại để tình tiết dựa vào đó mà phát triển. Lời người này là để đáp lại lời người kia và ngược lại. Cách viết này của Vũ Trọng Phụng có lẽ là cá biệt, ngoại lệ, nhưng không thể nói là không có hiệu quả.
Việc sắp xếp, tạo dựng “hoàn cảnh” cũng có cái khuôn riêng. Không có cuộc họp nào ở làng Quỳnh Thôn là không có cãi nhau, vặt nhau, tố cáo nhau, không phải năm lần, bảy lược giảng giải, dàn xếp để tái lập trật tự (chương 2, chương 8 Giông tố). Không một lần tập trung nào của nông dân lao động (Giông tố, Vỡ đê) mà không có cảnh đối thoại không xưng danh, đối thoại đám đông, ai cũng nói, cũng góp ý kiến vào:
- Thằng cha có hai chục con vợ lẽ trong đồn điền ấy à ? - Phải.
70
- Cái thằng cha bỏ bã rượu vào ruộng lương dân rồi báo nhà đoan và chỉ bởi một thủ đoạn ấy đã tậu được ba trăm mẫu ruộng rất rẻ tiền ấy à ?
- Chính thế.
- Cái thằng cha độc ác đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng, mà khai người ta tự tử ấy à ?
-Nó đấy ! [118,tr.l86, 187]
Trong Vỡ đê cũng có những đoạn đối thoại như vậy (trang 161, 181): - Chúng tôi muốn biết quan trên có tha chúng tôi hôm nay không? - Để nhờ ông lý nói lên ông chánh tổng hộ !
- Rồi các ông chánh tổng nói lên quan huyện. - Không phải đánh ! Không phải chửi!
- Chúng tôi không làm gì nên tội mà phải đánh chửi như thế !” [119, tr.161]
Ở những trường hợp này, đối thoại tồn tại như một dạng khác của độc thoại hướng vào người khác, đối tượng khác, hoặc có hiệu quả đóng thay vai người kể chuyện để nói về nhân vật, sự kiện.