5. Bố cục của luận án
5.1.1. Không gian – thời gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng thường có xu hướng vươn đến một bức tranh toàn cảnh xã hội hiện đại miền Bắc Việt Nam, dưới chế độ thuộc địa những năm ba mươi của thế kỷ XX.
Ý thức tái tạo một bức tranh xã hội rộng lớn đương thời thường trực trong trí tưởng tượng, sáng tạo của Vũ Trọng Phụng. Nghề làm báo và tài năng của người viết phóng sự tạo điều kiện cho trí tưởng tượng này phát huy tác dụng. Một phần nữa, kỹ thuật trần thuật trên sự di động của trục không - thời gian trong tác phẩm của Balzac, Zola, Dostòievki đã gợi ý nhiều cho Vũ Trọng Phụng để sáng tạo tiểu thuyết theo lối này.
Các không gian phong tục, sinh hoạt, tâm lý - xã hội, chính trị - kinh tế, cá nhân, gia đình và các nhóm nghề nghiệp, tầng lớp với các môi trường sống riêng được lồng vào nhau thành những bức tranh kết cấu đa tầng, đan dệt với nhau, xoắn xít với nhau, liếc nhìn nhau, hình như đối thoại ngầm với nhau. Các bức tranh này dựa trên một cái nền của không gian địa lý: nông thôn, bãi biển, huyện lỵ và thị trấn, các tỉnh lỵ, và đặc biệt là Hà Nội với các khu phố khác nhau của nó: thượng lưu, trung lưu, dân lao động nghèo, tây và ta, buôn bán... Đây đó còn thấp thoáng không gian thành phố Sài Gòn (trong Làm đĩ), không gian đảo Côn Sơn, Phú Quốc, nơi giam giữ các tù nhân (trong Vỡ đê).
Ba tiểu thuyết lớn của Vũ Trọng Phụng Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ được viết vào năm 1936, tạo dựng những không gian xã hội rộng lớn, sôi sục tính thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, sinh hoạt, phong tục của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là chúng được viết dưới áp lực của sự kiện chính trị chính phủ Mặt trận bình dân ở Pháp và những hệ quả của nó ở Việt Nam với những khát vọng và sự tan vỡ về tư tưởng, những biến dạng và sự méo mó dị hình của một thực tế đầy biếm họa.
Các tiểu thuyết Lấy nhau vì tình, Dứt tình, Làm đĩ, Trúng số độc đắc vốn là tiểu thuyết có thể tài đầu tư, tập trung phân tích các biểu hiện tâm lý gần như là tâm bệnh (ghen tuông, mặc cảm, tự ti hay tự tôn, trả thù, tự dằn vặt gắn với dục tính hoặc tiền bạc), lấy cái nền là
113
không gian gia đình, ngôi nhà, căn phòng, rồi được mở rộng ra không gian công viên, đường phố, bãi biển, đô thị... gợi mở một không gian sinh hoạt xã hội rộng lớn trong tâm tưởng các nhân vật.