Tiểu thuyết của nỗi đau đời và lòng xót thương

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 45 - 47)

5. Bố cục của luận án

2.3.3. Tiểu thuyết của nỗi đau đời và lòng xót thương

Tập trung sức vào việc phanh phui xã hội, tố cáo xã hội nhưng Vũ Trọng Phụng không hề quên con người, chính là vì con người. Con người của bao nỗi chua cay, khắc nghiệt, của đói nghèo, của trình độ dân trí thấp kém, của cái hạng dưới đáy cùng xã hội. Đằng sau những trang viết của ông là tấm lòng, sự đồng cảm trước bao khổ đau của đồng loại thấp cổ bé miệng, oan kêu chẳng thấu trời; căm hờn, tủi nhục, chỉ biết nín nhịn để giữ thân. Vũ Trọng Phụng từng kêu gọi “ta hãy thương yêu lẫn nhau”, “ái nhân như ái kỷ”, để tâm “nhìn vào cuộc sống của con người đã được số phận dành cho những thiệt thòi, thậm chí những đau thương” [129], và gào to lên “những sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bằng hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng.” [127]

46

Vũ Trọng Phụng cưu mang nỗi đau đòi, nỗi đau nhân thế. Giông tố, Vỡ đê là nỗi đau đời (đồng tiền làm lủng đoạn luật pháp, luân lý; tập đoàn bóc lột, đàn áp dân đen) thì Số đỏ, Trúng số độc đắc là nỗi đau nhân thế.

Không ở đâu mà số phận người nông dân, thị dân nghèo khổ được tập trung chú ý nhiều như trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Cái nhìn của ông là cái nhìn của con mắt cảm thông và lòng xót thương vô hạn. Ông mong muốn rằng trên thế gian này không còn những con người khốn khổ, khốn nạn đến như thế.

Hình ảnh người nông dân trong Vỡ đê (phần 2, chương 2; phần 3, chương 6, chương 12) là hình ảnh người nông dân bị giai cấp thống trị bóc lột đến xương tủy. Đặc biệt là cảnh thương tâm của gia đinh cụ Cử: “...đã hai hôm nay rồi, ba người nhớn đã gần như nhịn đói, bốn củ khoai lang phải để dành cho thằng cu Hiền” [119, tr.277].

Và, cái thôn quê đói nghèo, khốn khó ấy, sau nạn vỡ đê “ba phần tư người đã bỏ làng đi” với cảnh tượng thật đau lòng:

... ngày ngày, cứ từng lớp hàng ba chục, năm chục, hàng trăm dân quê lại vẫn cứ kéo nhau lũ lượt đi lang thang trên con đường thiên lý với những cái chiếu rách ôm cạnh nách, với những cái khăn tay nải sau lưng. Nhiều người gánh hai cái thúng, trong mỗi cái thúng có một vài đứa bé, trong mỗi đứa bé có vài ba ngày đói khất [119 tr 336].

Giông tố, buổi phát chẩn của Nghị Hách (chương 29) là “cảnh tượng ấy đã tiêu biểu cho hết thảy mọi sự thống khổ của loài người” [118 tr 481] Dân nghèo thành thị từ dân phu (Trúng số độc đắc), đến khán hộ (Dứt tình), gái điếm {Làm đĩ), công nhân (Giông tố) cũng được Vũ Trọng Phụng dành những trang viết cảm thông, sẻ chia, thương xót. Với thân phận người con gái “khôn nhờ, dại chịu”, không những cảm thông, Vũ Trọng Phụng còn đấu tranh bênh vực. Huyền sở dĩ phải làm đĩ là do phương pháp giáo dục của gia đình và nhà trường lỗi thời, bất cập. Lỗi đó gia đình, xã hội phải chịu trách nhiệm. Hoặc Quỳnh chỉ cái tội quá ngây thơ trong trắng, nhẹ dạ cả tin mà bị chồng coi thường khinh rẻ dẫn đến cái chết. Đó cũng là sự quan tâm lời nhắc nhở cảnh báo; là tấm lòng, là trách nhiệm của tác giả đối với thế hệ thanh thiếu niên.

Như vậy, làm nhiệm vụ phanh phui, tố giác, bêu riếu các loại người chẳng ra người, cái xã hội đổ đốn, nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn dành những trang viết đầy ưu tư, chất nặng nỗi đau đòi, nỗi đau nhân thế và tấm lòng xót thương thống cảm với nhân dân lao động, những người

47

cùng khổ sống dưới đáy xã hội. Toàn bộ tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng bộc lộ một cách rõ ràng, sâu sắc tư tưởng nhân đạo, tình cảm thiết tha, chân thực của ông đối với con người - con người bị chà đạp, dồn đẩy vào cảnh đói rét, ngu dốt và bao cảnh thương tâm khác.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)