Tiểu thuyết tả chân xã hội

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 41 - 43)

5. Bố cục của luận án

2.3.1.Tiểu thuyết tả chân xã hội

Bức tranh xã hội Việt Nam trước 1945 được khắc họa khá rõ nét trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Những phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Một huyện ăn tết v.v... như dựng lại những cảnh sống thật, chi tiết đến từng hạng, từng loại, từng con người thời ấy.

42

Trong lĩnh vực tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng tỏ ra có khả năng nhanh nhạy, luôn nắm bắt thực tế, không ngừng phát hiện những vấn đề mới, những mối quan hệ mới nảy sinh trong xã hội, để từ đó cho ra đời hàng loạt tác phẩm có giá trị hiện thực lớn như: Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ, Làm đĩ, Trúng số độc đắc...

Ngòi bút tả chân Vũ Trọng Phụng tỏ ra khá sắc sảo khi đưa ra hàng lũ lĩ khuôn mặt của bọn tư sản, thực dân và tay sai. Tuy mỗi người một vẻ nhưng đều có mẫu số chung: giả dối, bịp bợm, lọc lừa, dâm loạn, tàn bao và đặc biệt thính hơi tiền. Chính đồng tiền làm tha hóa, ăn mòn nhân tính của loại người này để chúng gây ra biết bao tai họa, ngay cả chính cho bản thân và gia đình chúng.

Từ anh cai thợ nề Tạ Đình Hách thành trọc phú, thành Bắc kỳ nhân dân đại biểu, lừng danh bạo chúa với bao tội ác giết người, hiếp người, thông dâm vợ người, dùng mọi thủ đoạn để đàn áp dân nghèo, người cô thế, vơ vét làm giàu bất chính, dã man, tán tận lương tâm, đánh mất nhân tính đến độ để hai đứa con ruột của mình là Long, Tuyết lấy nhau cho được tiếng “bình dân”.

Cái xã hội thực dân nửa phong kiến hồi ấy sản sinh ra một lớp người thành thị đặc biệt, học đòi theo mốt Âu hóa, vui vẻ trẻ trung, cải cách y phục , cổ vũ thể thao, hô hào bình dân... Đại diện cho số đó là Văn Minh, Typn, Xuân Tóc Đỏ, Tuyết, Hoàng Hôn, Phó Đoan.

Nắm được “thần tính” của chúng nên dầu có được tố son vẽ phấn, ngụy trang khéo đến mấy đi nữa Vũ Trọng Phụng cũng điểm mặt được chúng - là bọn người ăn chơi sa đọa:

“Một trận cuồng phong dữ dội thổi đến xứ ta... văn chương mỹ thuật đã bị đem ra lợi dụng chỉ cốt để tán dương cuộc phụng sự dâm thần.” [121]

Trong cái sân khấu tranh tối tranh sáng đó, đời sống thành thị được mô tả bằng những bức tranh tối màu, nhầy nhụa với gái điếm, thuốc phiện, những trò lừa đảo bỉ ổi, con người lao vào cuộc sống vật chất để đánh mất mình lúc nào không biết, sống không thực chất chỉ chuộng hư danh. Bức tranh nông thôn nặng nề u tối, đói rét, thất học, bị bọn quan lại tham nhũng đè đầu, cởi cổ và đặc biệt còn in đậm dấu vết của tinh thần hương đảng xôi thịt.

Những nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là những hình mẫu ngoài đời, nhân vật của Vũ Trọng Phụng như kính chiếu yêu đem soi vào những tên có máu mặt đương thời thì sẽ lộ rõ cho bằng hết từng chân tơ kẽ tóc của chúng. Hách là ai ? Chẳng phải hư cấu, hắn là một nhân vật quan trọng trong xã hội ngày ấy mà tên và ảnh được ghi trong cuốn Những nhân

43

vật Đông Dương in năm 1941. Những nhân vật ngoài đời như thống sứ Chatel, đốc tờ Le Roy des Barres, quan năm Ducouroy, tổng đốc V, đốc học O v.v... chắc chắn có tên trong sổ tay tư liệu để làm nên những trang viết của Vũ Trọng Phụng.

Từ khi xã hội tư sản phương Tây du nhập, những đứa con của “đời sống vật chất” ấy ra đời: sống xa hoa, ăn chơi hư hỏng, bụng mong bị hiếp mà mồm nói kiên trinh. Cái cảnh Phó Đoan bị Xuân hiếp [120, chương 17] cũng giống với cảnh Chí Phèo - Thị Nở ngủ với nhau, nhưng cũng thật khác. Một đằng được hưởng cái phút giây ban đầu chưa biết, chưa bao giờ dám nghĩ đến, một đằng của loại đĩ “thập thành”, tỉnh táo, mưu mô, cơ trí đến lạ. Đây là loại đĩ “có tàn, có tán, có hương án thờ vua”. Có thể xếp Tuyết, vợ Nghị Hách vào cùng một loại này. Thử xem trong Số đỏ có ai đáng ra người. Tất cả đều thuộc hạng “khuyết tật bẩm sinh” về nhân cách (trừ ông Hai và cô con gái).

Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng phản ảnh khá rõ loại học đòi, hợm hĩnh, vênh váo, ưa danh hảo. Phán Tích từ khi con trúng số thì “mặt cứ vác mãi lên như có mấy chục cái chân sào đỡ dưới” [123, tr.276]. Cụ cố Hồng cứ mò miệng là “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, trả tiền xe cố ý đếm nhầm, mặc thì trời nóng vẫn cứ áo bông, lúc nào cũng ôm ngực ho như để tỏ ra là giả cả, là cụ cố... Ông bà Đồ Uẩn, Typn, vợ Văn Minh v.v... cũng thuộc dạng này.

Một bọn người trí trá giảo hoạt, đón gió theo thời, lợi dụng thời thế, tôn giáo... để phất lên làm giàu như thầu khoán Khoát, sư Tăng Phú, Victor Ban. Tiêu biểu phải kể đến Victor Ban, làm nghề cởi ngựa thi, buôn thuốc lậu, mở nhà chứa, khách sạn mà trở nên giàu có.

Xã hội Việt Nam thời Pháp đã thay đổi hoàn toàn do sự du nhập của nền văn minh

phương Tây. Sự thay đổi đó không do nhu cầu, không phát sinh từ bản chất của xã hội Việt Nam. Đây là sự du nhập miễn cưỡng, xã hội thay đổi không tự nó. Vì vậy những con người tiêu biểu cho những gì tốt đẹp thì ít mà bọn người xấu xa, ti tiện, bẩn thỉu, dâm đãng... thì nhiều. Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là tiểu thuyết tả chân, tiểu thuyết hiện thực phê phán, tiểu thuyết xã hội tâm lý.

Một phần của tài liệu nghệ thuật tiểu thuyết vũ trọng phụng (Trang 41 - 43)