8. Kết cấu của Luận án
5.3.3. Điều kiện để thực hiện các giải pháp
Để thực hiện được các giải pháp nâng cao CLKT và NLCT của các DNKT Việt Nam, cần phải có sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi từ các Cơ quan quản lý Nhà nước về Kế toán – Kiểm toán, các Hội nghề nghiệp về Kế toán – Kiểm toán, sự quyết tâm của các DNKT cũng như sự nỗ lực của bản thân các KTV hành nghề và sự hỗ trợ từ các nhân tố bên ngoài khác. Thành công của các giải pháp này tùy thuộc vào các điều kiện thuận lợi từ các phía như sau:
(1) Về phía Nhà nước
Nhà nước cần ban hành đầy đủ và hoàn thiện khung pháp lý về KTĐL, về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nói chung và DNKT nói riêng, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng, có sự kiểm soát hiệu quả đối với hoạt động KTĐL nói chung và DNKT Việt Nam nói riêng. Cụ thể về phía Bộ Tài chính:
Cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn Luật KTĐL; Cập nhật và hoàn thiện hệ thống Chuẩn mực Kế toán và hệ thống CMKiT.
Tổ chức việc triển khai Quy chế quản lý hành nghề kế toán ở các DNKT và các đối tượng doanh nghiệp có liên quan.
Hoàn thiện các văn bản pháp lý về trách nhiệm của các DNKT và KTV đối với CLKT.
Thực hiện thường xuyên việc KSCL từ bên ngoài đối với các DNKT đủ điều kiện kiểm toán các DNNY, qua đó áp dụng các biện pháp chế tài kịp thời và công khai đối với các sai phạm trong hành nghề và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của DNKT và KTV nhằm hạn chế rủi ro và góp phần nâng cao uy tín của hoạt động KTĐL.
Bộ Tài chính cần tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động của VACPA nhằm phối hợp, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của VACPA trong việc quản lý, đào tạo, kiểm tra chất lượng của DNKT và KTV hành nghề.
Cơ quan kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thuế cần thực hiện việc sử dụng KTĐL như là một đối tượng cung cấp dịch vụ nhằm thực hiện nhiệm vụ của mình như đã được đề cập tại Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014: “Cơ chế cơ quan thuế đặt hàng và sử dụng kết quả của các DNKT độc lập, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động”. Qua đó, giúp cho Cơ quan kiểm toán Nhà nước có điều kiện tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, thể hiện sự công nhận một cách đầy đủ về vai trò của KTĐL trong nền kinh tế.
(2) Về phía VACPA
Nâng cao năng lực hoạt động và thực hiện quyền hạn và trách nhiệm trong khuôn khổ Luật KTĐL và trách nhiệm xã hội của tổ chức nghề nghiệp. Đổi mới và phát triển về cơ cấu tổ chức và hoạt động, để thực sự là một tổ chức độc lập, mang tính nghề nghiệp cao. Góp phần hỗ trợ, tư vấn cho các DNKT Việt Nam nâng cao CLKT và NLCT.
Hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc đào tạo, cập nhật kiến thức KTV tham gia biên soạn và hoàn thiện các CMKiT Việt Nam phù hợp với Hệ thống CMKiT Quốc tế, tham gia việc KSCL từ bên ngoài đối với dịch vụ cung cấp của DNKT và KTV nhất là đối với các DNKT được cung cấp dịch vụ kiểm toán là Hội tập thể và cá nhân của VACPA.
(3) Về phía các DNKT
Nhận thức tầm quan trọng CLKT, NLCT trong quá trình hoạt động và phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, nhận biết được những cơ hội, nguy cơ và thách thức trong quá trình hội nhập, nhằm không ngừng hoàn thiện, có biện pháp nâng cao CLKT và NLCT theo các nhân tố đã được xác định.
Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở, vật chất với công nghệ tiên tiến áp dụng trong quy trình kiểm toán.
Xây dựng, thực hiện đầy đủ và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm toán, quy trình nghiệp vụ thực hiện đúng Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp.
Tổ chức và thực hiện thường xuyên việc KSCL từ bên trong đối với hoạt động kiểm toán và quy trình kiểm toán, đảm bảo tuân thủ đầy đủ Quy chế KSCL và CMKiT về KSCL.
Tranh thủ học hỏi, tiếp cận và nắm bắt quy trình, công nghệ tiên tiến của các DNKT lớn, có uy tín và kinh nghiệm quốc tế thông qua việc gia nhập trở thành Thành viên của các Hãng kiểm toán, các Hiệp hội Kiểm toán Quốc tế.
Từng bước xây dựng thương hiệu, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo uy tín trên thị trường, tạo môi trường làm việc hợp tác thân thiện, cởi mở trong công việc kiểm toán.
Phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tuyển dụng, đào tạo về kỹ năng, phương pháp, nhận thức của đội ngũ KTV và nhân viên trong doanh nghiệp.
(4) Về phía các cơ sở đào tạo
Chú trọng việc đào tạo Kế toán - Kiểm toán theo định hướng nghề nghiệp theo yêu cầu, lộ trình và chương trình thi, cấp chứng chỉ KTV của Bộ Tài chính, xây dựng và đào tạo theo chuyên ngành Kiểm toán để cung cấp nguồn nhân lực đủ năng lực, trình độ về kiểm toán, chú trọng việc đào tạo thực hành trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Kiểm toán với mức độ cao.
Đưa nội dung giảng dạy về Đạo đức nghề nghiệp vào chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo chuyên ngành kiểm toán cần có sự tham gia xây dựng và phản biện của các Hội nghề nghiệp Kế toán - Kiểm toán, các DNKT Việt Nam và nước ngoài nhằm hướng tới sự công nhận của các nước trong khu vực và Quốc tế.