8. Kết cấu của Luận án
1.1.3. Các nghiên cứu đã thực hiện về tác động của CLKT đến NLCT của DNKT
Kết quả nghiên cứu của Cronin & Taylor (1994), Taylor & Baker (1994) cho thấy chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng có liên quan đến các yếu tố chuyên môn. Do đó, CLKT và sự hài lòng của khách hàng có mối quan hệ gần gũi (Behn & cộng sự, 1997). Kết quả cho thấy các nhân tố CLKT có mối quan hệ tích cực với sự hài lòng của khách hàng đó là: (i) Đáp ứng được nhu cầu của khách hàng; (ii) Giám đốc điều hành công ty kiểm toán tham gia tích cực trong việc kiểm toán; (iii) Sự tương tác hiệu quả với các Ủy ban Kiểm toán; (iv) Tiến hành công việc phù hợp với lĩnh vực kiểm toán; (v) Năng lực chuyên môn và (vi) Kinh nghiệm nhóm kiểm toán với khách hàng.
Kết quả nghiên cứu của Berry & cộng sự (1989) cho thấy LTCT bền vững, rất quan trọng đối với các DNKT, vì họ cần phải cạnh tranh để thu hút và giữ khách hàng, chất lượng dịch vụ càng cao có thể đem đến sự trung thành của khách hàng, thu hút khách hàng mới, sự truyền miệng tích cực, sự hài lòng và sự gắn bó của nhân viên, tăng cường hình ảnh của công ty, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Do đó, cam kết về chất lượng dịch vụ có lợi ích rõ ràng đối với các DNKT.
Nghiên cứu về các khía cạnh của CLKT của Duff (2004) chỉ ra rằng các nghiên cứu chiến lược của công ty cho thấy chất lượng dịch vụ có thể là một nguồn LTCT, tức là một phương tiện bền vững cung cấp cho khách hàng (và các bên liên quan) với những gì họ muốn hoặc cần, tốt hơn và hiệu quả hơn. Chất lượng dịch vụ và chất lượng chuyên môn đều là thành phần cần thiết của CLKT, nếu các doanh nghiệp kiểm toán tạo ra đủ nguồn thu nhập từ phí kiểm toán để thu hút và giữ chân nhân viên có năng lực cao. Cũng theo Angus Duff: Sự quan tâm đến việc đánh giá chất lượng dịch vụ đã được thúc đẩy bởi sự công nhận tầm quan trọng của chất lượng dịch vụ đối với việc thành công trong kinh doanh. Dịch vụ trình độ cao có ý nghĩa to lớn đối với một tổ chức hay công ty trong việc đạt được LTCT bằng cách định vị bản thân hiệu quả hơn trên thị trường.
Nghiên cứu của Numan & Willekens (2012) về mối quan hệ giữa áp lực cạnh tranh – CLKT và sự chuyên môn hóa bằng phương pháp nghiên cứu định lượng với 845 doanh nghiệp được khảo sát nhằm xem xét mức độ ảnh hưởng của CLKT đến NLCT của DNKT – nhất là trong môi trường tập trung. Kết quả nghiên cứu cho thấy CLKT không những chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nội tại của ngành mà còn bị áp lực từ các
đối thủ cạnh tranh gần gũi của DNKT. Mặt khác, các Tác giả còn chỉ ra rằng: với sự chuyên môn hóa vào một số ngành nhất định, các DNKT sẽ tạo được một LTCT bền vững so với các doanh nghiệp không chuyên môn hóa trong thị trường tập trung.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu về CLKT của Pham, H., Amaria, P., Bui, T., & Tran, S. (2014) cũng cho rằng sự cạnh tranh có tác động đến CLKT, bên cạnh ảnh hưởng của nhiệm kỳ kiểm toán, sự thay đổi về nhân sự cao cấp, nhân tố cạnh tranh cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến CLKT của các DNKT tại Việt Nam.