8. Kết cấu của Luận án
2.2.2.3. Lý thuyết cạnh tranh dựa trên năng lực của doanh nghiệp (CBV) và sự
động của CLKT đến NLCT
Quan điểm cạnh tranh dựa trên năng lực (Competences Based View – CBV) của doanh nghiệp tập trung vào khả năng sử dụng, kết hợp tài sản, nguồn năng lực nhằm đạt được sự tăng trưởng và hiệu quả tổng thể của tổ chức, được hình thành từ quan điểm của Barney (1991) và phát triển bởi Sanchez & Heence (1996), được Eisenhardt và Martin phát triển trong thị trường động và hình thành nên Lý thuyết Năng lực động và cho rằng môi trường doanh nghiệp là môi trường năng động. Do đó, doanh nghiệp phải xây dựng năng lực và tận dụng năng lực liên tục để duy trì LTCT (Sanchez & Heence, 1996), (Eisenhardt & Martin, 2000). Teece & cộng sự (1997), Teece (2014) đã định nghĩa Năng lực động là “Khả năng tích hợp, xây dựng, và định dạng lại những tiềm năng của doanh nghiệp để đáp ứng với thay đổi của môi trường kinh doanh” và đưa ra Mô hình Năng lực động, trong đó để tạo ra LTCT, các doanh nghiệp phải dựa trên chiến lược, chính sách thực hiện. Cơ sở của việc xây dựng chiến lược là năng lực động và nguồn lực của doanh nghiệp. Trong đó, Năng lực động do doanh nghiệp tự xây dựng trong quá trình kinh doanh. Nguồn lực và những nhân tố đầu vào có được từ những chi phí đầu tư cho hoạt động kinh doanh. Mô hình này được sử dụng để làm cơ sở cho việc xây dựng Mô hình tác động của CLKT và các nhân tố CLKT đến NLCT của Luận án.
Nghiên cứu của Wang & Ahmed (2007), Parida (2008), Jusoh & Parnell (2008), Morgan & cộng sự (2009) kết luận rằng năng lực động gồm 6 thành phần cơ bản: Năng lực sáng tạo (Innovative capability), Năng lực thích nghi (Adaptive capability), Năng lực tiếp thu (Absorptive capability), Năng lực kết nối (Networking capability), Năng lực nhận thức (Sensing capability) và Năng lực tích hợp (Integrative capability). Theo Wilden & cộng sự (2009), năng lực động bao gồm khả năng của doanh nghiệp để
nhận thức và tận dụng những cơ hội mới của thị trường. Những nguồn lực này phải thỏa mãn 4 đặc điểm: có giá trị (Valuable), hiếm (Rare), khó thay thế (Inimitable), khó bị bắt chước (Nonsubstitutable) thường được gọi tắt là VRIN.
Theo Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang (2008), năng lực động của doanh nghiệp là một hướng nghiên cứu về NLCT trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn nỗ lực xác định, nuôi dưỡng, phát triển và sử dụng năng lực động một cách có hiệu quả, thích ứng với sự thay đổi của thị trường để đem lại lợi thế cạnh tranh cho mình một cách sáng tạo.
Tóm lại, Lý thuyết NLCT dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp (RBV) tập trung chủ yếu vào sử dụng các nguồn lực sẵn có tại một thời điểm nhất định để giải thích kết quả của doanh nghiệp. Trong khi đó, Lý thuyết NLCT dựa trên năng lực của doanh nghiệp (CBV) cho rằng NLCT được hình thành từ khả năng duy trì, phối hợp các nguồn lực và khả năng cho phép các công ty đạt được mục tiêu chiến lược của mình trong thị trường năng động. Như vậy, đã có sự chuyển tiếp trong định hướng nghiên cứu giữa lý thuyết nguồn lực và lý thuyết năng lực, trọng tâm nghiên cứu đã được chuyển từ việc nghiên cứu nguồn lực sẵn có trong doanh nghiệp sang nghiên cứu việc kết hợp nguồn lực nhằm tạo ra NLCT của Doanh nghiệp.
Các DNKT với vai trò và đặc điểm của mình luôn hoạt động trong một thị trường năng động. Việc duy trì, kết hợp các yếu tố đầu vào dựa trên khả năng quản trị tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao CLKT. Quá trình kiểm toán cũng là quá trình chuyển hóa từ những nguồn lực có sẵn sang quá trình kết hợp sử dụng nguồn lực và tương tác với các bên tham gia. Quá trình này sẽ góp phần nâng cao CLKT, qua đó tạo ra khả năng để nâng cao NLCT.