Nhân tố môi trường nội tại của doanh nghiệp viễn thông

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Chiến lược marketing của VNPT Hà Nội (Trang 42 - 44)

Bộ phận quản lý là đầu não của DN, quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh: sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào, khối lượng bao nhiêu. Mỗi một quyết định có một ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan tới sự tồn tại phát triển hay diệt vong của DN. Chính họ là những người quyết định phát triển thị trường bằng những cách nào. Mặt khác, nếu bộ máy quản lý tinh gọn sẽ góp phần tiết kiệm chi phí quản lý DN.

Bên cạnh đó, trình độ của lực lượng lao động có tác động rất lớn đến số lượng và chất lượng của sản phẩm, năng suất và chi phí của DN. Đây là yếu tố tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của DN. Ở các DN viễn thông, do đặc thù về loại hình sản phẩm – dịch vụ cung cấp nên yêu cầu về đội ngũ lao động có kiến thức, trình độ rất khắt khe, phải luôn nghiên cứu và phát triển những sản phẩm – dịch vụ mới, triển khai những chương trình marketing hiệu quả, ấn tượng, mang đến nhiều hơn giá trị hữu ích cho khách hàng.

1.3.3.2. Yếu tố về hạ tầng cơ sở và nghiên cứu, phát triển :

Một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cùng với một công nghệ tiên tiến phù hợp với quy mô của DN chắc chắn sẽ làm phát triển thị trường dịch vụ và thực thi chiến lược marketing của DN. Với một cơ sở vật chất như vậy cùng chất lượng sản phẩm - dịch vụ được nâng cao hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào, giá thành dịch vụ hạ xuống kéo theo sự giảm giá dịch vụ cung cấp trên thị trường, khả năng phát triển chiến lược marketing của DN là rất thuận lợi. Ngược lại, không một DN nào lại có thể phát triển chiến lược marketing dịch vụ của DN khi mà công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ kỹ, vì chính nó sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm - dịch vụ và tăng chi phí sản xuất.

1.3.3.3. Yếu tố về tài chính, nguồn vốn :

Để có thể phát triển thị trường tốt DN phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh. Tiềm lực tài chính phản ánh quy mô của DN và quyết định khả năng sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ, thực hiện các hoạt động chào hàng, khuyến mãi, cũng như R&D thị trường. Ngoài ra, với khả năng tài chính hùng mạnh, DN dễ dàng xoay sở khi hoạt động kinh doanh khó khăn, hay để giữ vững và mở rộng thị phần của mình, DN có khả năng hạ giá thành sản phẩm dịch vụ, chấp nhận lỗ một thời gian ngắn để đạt mục tiêu của mình, nâng cao được lợi thế cạnh tranh so với

các đối thủ cạnh tranh.

1.3.3.4. Hoạt động marketing:

Là hoạt động hướng vào thị trường, tập trung vào các vấn đề như: phân tích khách hàng, các hoạt động mua bán, công tác kế hoạch về sản phẩm và dịch vụ, vấn đề định giá, phân phối, công tác nghiên cứu marketing, phân tích cơ hội và trách nhiệm xã hội… nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoạt động marketing chỉ ra xu hướng trong tiêu dùng cũng nhu trong cung ứng, những xu hướng tiêu dùng mới phát sinh và những xu hướng nào sẽ thống trị, xu hướng trong tâm lý người tiêu dùng và những ảnh hưởng khác nhau của môi trường. 1.3.3.5. Hoạt động sản xuất tác nghiệp

Là hoạt động trực tiếp tạo ra giá trị của sản phẩm – dịch vụ. Đây là một hoạt động rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của DN và sản phẩm, nó tác động đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành… thông qua việc bố trí lao động, máy móc hợp lý, sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng,…

1.3.3.6. Năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D)

Năng lực nghiên cứu và phát triển của DN là yếu tố tổng hợp gồm nhiều yếu tố như: nhân lực nghiên cứu, thiết bị, tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, khả năng đổi mới sản phẩm – dịch vụ của DN. Năng lực nghiên cứu và phát triển có vai trò quan trọng trong cải tiến công nghệ để SX ra các sản phẩm với mức chất lượng cao, mẫu mã và công dụng khác biệt, từ đó có thể nâng cao được lợi thế cạnh tranh của DN.

1.3.3.7. Hệ thống thông tin

Thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp các nhà quản trị nắm bắt kịp thời các diễn biến của thị trường, ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Tất cả các DN viễn thông đều có hệ thống thông tin nhưng hệ thống này khác nhau nhiều về mức độ tinh vi, về trang thiết bị, công nghệ. Trong rất nhiều trường hợp thông tin không có, đến chậm hay không thể tin cậy được làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà quản trị.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Chiến lược marketing của VNPT Hà Nội (Trang 42 - 44)