Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là quá trình làm biến đổi cấu trúc và các mối quan hệ tương tác trong hệ thống kinh tế nông nghiệp theo những định hướng và mục tiêu nhất định, nhất là đưa hệ thống đó từ một trạng thái nhất định đến trạng thái phát triển tối ưu để đạt được hiệu quả mong muốn, thông qua sự điều khiển có ý thức của con người, trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan.
Theo Đào Thế Anh và Đào Thế Tuấn (2005): “Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào việc chuyển đổi cơ cấu của cả nền kinh tế. Theo nghiên cứu thống kê của nhiều nước trên thế giới, giữa tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp có một tương quan rất chặt chẽ: 1% tăng trưởng nông nghiệp tương ứng với 4% tăng trưởng phi nông nghiệp”. Ở Việt Nam, khái niệm về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn là việc đa dạng hóa sản xuất, phát triển nông nghiệp toàn diện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng lên của xã hội và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp nhằm rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp và nông thôn, tăng năng suất lao động nông nghiệp và tăng thu nhập của hộ nông dân.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn được định nghĩa là sự thay đổi quan hệ tỷ lệ về mặt lượng giữa các thành phần, các yếu tố và các bộ phận
13
hợp thành nền nông nghiệp theo xu hướng nhất định. Vì vậy, ở thời điểm khác nhau có mối quan hệ tỷ lệ về các yếu tố cấu thành kinh tế nông nghiệp khác nhau. Bởi vì trong quá trình vận động của cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mỗi yếu tố có sự vận động khác nhau và có sự chuyển hóa cho nhau. Đó là tất yếu khách quan do sự vận động nội tại của cơ cấu kinh tế đến với sự tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến chúng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng có thể diễn ra theo hai hướng:
Chuyển dịch tự phát: là quá trình kinh tế nông nghiệp chuyển dịch không theo một xu hướng mục tiêu định trước mà là chuyển dịch phụ thuộc vào tác động của quy luật và điều kiện kinh tế khách quan.
Chuyển dịch tự giác: là sự chuyển dịch theo một xu hướng, mục tiêu sẵn có cả về lượng và chất, là sự chuyển dịch có sự can thiệp, tác động của con người nhằm thúc đẩy, định hướng cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo xu hướng có lợi và hiệu quả hơn.