Môi trường bên ngoài tổ chức bao gồm các nhân tố khách quan tạo ra các cơ hội và nguy cơ đối với tổ chức. Môi trường bên ngoài vừa tạo ra những cơ hội cũng vừa tạo ra những thách thức cho tổ chức trong quá trình hoạch định phát triển nguồn nhân lực.
a. Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, suy thoái, lạm phát, thu nhập, mức sống, tốc độ đầu tư….có ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhân lực và chính sách của tổ chức đối với nguồn nhân lực. Điều này sẽ tạo cơ hội hoặc áp lực cho công tác phát triển nguồn nhân lực của tổ chức.
b. Pháp luật, chính sách của Nhà nước
Đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, pháp luật của Nhà nước mà tiêu biểu là Luật lao động điều tiết tổng quát các vấn đề liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhằm tránh các hành xử tùy tiện liên quan đến vấn đề tuyển dụng, hợp đồng lao động, thôi việc, sa thải và các chế độ theo quy định…
Chính sách Nhà nước về lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực là những chính sách hội nhập kinh tế, chính sách trả lương, các quy định chế độ đãi ngộ…Những chính sách này có tác động làm thay đổi tư duy và cách thức, lề lối làm việc trong nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến chiến lược thu hút nguồn nhân lực, cơ chế và chính sách trả lương của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp cần gắn liền với pháp luật lao động và các cơ chế chính sách của Nhà nước.
c. Các yếu tố văn hoá, xã hội của quốc gia
Các yếu tố này có tác động lớn đến tâm lý, hành vi, phong cách, lối sống và sự thay đổi trong cách nhìn nhận về các giá trị của người lao động. Và như vậy, nó ảnh hưởng đến cách tư duy và các chính sách phát triển nguồn nhân lực nhằm phát huy cao độ những yếu tố tích cực, đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực trong tác phong lao động của nguồn nhân lực trong tổ chức.
d. Thị trường lao động
Thị trường lao động phát triển là cơ hội tốt để tổ chức dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng đáp ứng được những yêu cầu
công việc. Bên cạnh đó, người lao động cũng có nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và sở trường của mình.
Sự phát triển của hệ thống thông tin thị trường lao động, của các trung tâm giới thiệu việc làm sẽ là cầu nối tốt giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mối quan hệ giữa cung và cầu lao động sẽ ảnh hưởng đến mức tiền công trả cho người lao động và các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực.
e. Khoa học công nghệ
Gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ là thách thức về việc đảm bảo sự nắm bắt kịp thời của đội ngũ người lao động trong tổ chức nhằm đảm bảo tiến trình thực hiện công việc. Khi có sự thay đổi về công nghệ, một số công việc hiện tại hoặc một số kỹ năng sẽ không còn phù hợp làm phát sinh nhu cầu đào tạo lại, bố trí, sắp xếp nhân lực phù hợp với tình hình mới.
Vì vậy phát triển nguồn nhân lực trong tổ chức cần phải có kế hoạch và chiến lược cụ thể phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và những dự kiến thay đổi công nghệ trong tương lai của tổ chức.
f. Cạnh tranh thu hút nhân lực của tổ chức
Vấn đề cạnh tranh thu hút nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong cùng ngành có tác động mạnh đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của mỗi tổ chức. Nếu tổ chức tạo được các điều kiện tốt về môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến…sẽ thu hút được nguồn nhân lực từ tổ chức khác, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
g. Khả năng cung ứng của các cơ sở đào tạo
Các cơ sở đào tạo là một trong những nguồn cung cấp lao động rất quan trọng cho các tổ chức đặc biệt trong ngành giáo dục. Khả năng cung ứng này cao hay thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ dư thừa hay khan hiếm nguồn nhân lực của tổ chức trong các thời kì khác nhau.