Công tác phát triển số lượng giáo viên dạy nghề nếu được chú trọng và thực hiện đúng theo kế hoạch sẽ đảm bảo đội ngũ giáo viên của Trường không rơi vào tình trạng thiếu hụt và không bị “quá tải” về tỷ lệ học sinh học nghề/ giáo viên dạy nghề. Điều này góp phần hoàn thành tốt công tác giảng dạy của giáo viên và nâng cao được chất lượng đào tạo của Trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề của trường vẫn còn khá khiêm tốn với quy mô một trường cao đẳng nghề, tuy nhiên nếu nhìn lại quá trình phát triển của trường trong 3 năm vừa qua có thể thấy công tác phát triển số lượng giáo viên dạy nghề tại trường đã có những bước tiến đáng kể theo từng năm nhằm đảm bảo công tác đào tạo tại trường luôn đạt hiệu quả cao nhất.
Bảng 2.7. Tình hình phát triển số lượng giáo viên dạy nghề của các Khoa chuyên môn
Chỉ tiêu ĐVT Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013
1. Số công nhân viên chức toàn trường người 36 44 55
2. Số lượng giáo viên dạy nghề người 18 26 31
a. Dịch vụ nhà hàng 3 5 5 b. Khách sạn 3 5 6 c. Khoa học cơ bản 8 8 10 d. Kỹ thuật chế biến - - 4 e. Lữ hành – Hướng dẫn 3 5 3 f. Quản trị kinh doanh 1 3 3
3. Tỷ lệ giáo viên dạy nghề trong tổng số
công nhân viên chức % 50 59,09 56,36
(Nguồn: Phòng Tổ chức cán bộ 2011 – 2013)
Tỷ lệ giáo viên dạy nghề luôn chiếm hơn 50% tổng số công nhân viên chức của Trường. Tỷ lệ này có sự biến động khá thấp cho dù số lượng giáo viên dạy nghề tăng đều qua 3 năm, vì đi cùng với sự phát triển số lượng giáo viên dạy nghề trong các khoa chuyên ngành là quá trình mở rộng các phòng, ban chức năng nhằm đáp ứng tốt cho công tác đào tạo tại trường.
Số lượng giáo viên ở các khoa có sự gia tăng hàng năm nhằm đáp ứng với nhu cầu đào tạo của trường. Đặc biệt số lượng giáo viên dạy nghề có sự tăng mạnh trong năm 2012 vì đây là năm đầu tiên trường đào tạo hệ cao đẳng nghề nên có sự phát triển mạnh về quy mô giáo viên dạy nghề.
Đến năm 2013, số lượng giáo viên dạy nghề tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ tăng thấp hơn so với năm 2012 chủ yếu để đáp ứng được nhu cầu đào tạo khi trường mở rộng thêm một số ngành học (ngành Kỹ thuật chế biến). Riêng đối với khoa Lữ hành – Hướng dẫn, số lượng giáo viên lại có sự sụt giảm trong năm 2013, điều này đi ngược lại với tốc độ phát triển của trường nhưng có thể giải thích được khi ở thời điểm khảo sát, một giáo viên của khoa được chuyển sang khoa Khoa học cơ bản để đảm bảo có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy. Thêm vào đó, một giáo viên nữ của khoa sau khi kết hôn đã xin nghỉ việc để có thời gian và điều kiện chăm sóc gia đình.
Nhìn chung, đối với các khoa chuyên ngành của một trường Cao đẳng nghề Du lịch số lượng giáo viên dạy nghề này vẫn còn khá mỏng. Do đó đến năm 2014, nhà trường đang đẩy mạnh công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên dạy nghề cho các khoa chuyên môn, hướng đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tập trung tuyển dụng các giáo viên có kinh nghiệm làm việc và kỹ năng nghề nghiệp cao.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược “Phát triển Trường Cao đẳng nghề Du lịch Nha Trang giai đoạn 2013 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với con số đội ngũ giáo viên trong năm 2015 đạt hơn 100 người và đến năm 2020 khoảng trên 150 người với những chỉ tiêu về chất lượng đề ra đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường phải không ngừng phấn đấu. Bên cạnh đó là những chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề của nhà trường cần phải áp dụng có hiệu quả hơn nữa.
Biểu đồ 2.6. Sự phát triển số lượng giáo viên dạy nghề của các Khoa chuyên môn giai đoạn 2011- 2013
Để tiến hành đánh giá tình hình số lượng giáo viên dạy nghề có đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho học sinh đang theo học tại trường hay không, tác giả tiến hành khảo sát tỷ lệ HSSV/ giáo viên để so sánh với tỷ lệ này theo quy định của Luật dạy nghề: 30 HSSV/giáo viên trong giờ học lý thuyết, 18 – 25 HSSV/giáo viên trong giờ học thực hành. [2].
Tỷ lệ HSSV/giáo viên trong các khoa chuyên ngành được thể hiện trong bảng 2.8 như sau:
Bảng 2.8. Tình hình số học sinh bình quân trên 1 giáo viên dạy nghề
Chỉ tiêu Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013
1.Số lượng học sinh theo học tại trường 116 415 619
a. Dịch vụ nhà hàng 35 100 105
b. Khách sạn 45 120 221
c. Kỹ thuật chế biến 0 54 104
d. Lữ hành – Hướng dẫn 21 72 121
e. Quản trị kinh doanh 15 69 68
2.Số học sinh bình quân trên 1 giáo viên 6 20 20
a. Dịch vụ nhà hàng 7 20 21
b. Khách sạn 9 20 37
c. Kỹ thuật chế biến 0 14 26
d. Lữ hành – Hướng dẫn 4 24 40
e. Quản trị kinh doanh 5 23 23
(Nguồn: Phòng Đào tạo 2010 – 2013)
Số lượng học sinh theo học trong năm đầu còn khá thấp và con số này có sự gia tăng đột biến trong năm 2012, điều này có thể dễ hiểu vì đây là năm đầu tiên Trường tiến hành tuyển sinh hệ Cao đẳng nghề.
Do đã có sự chuẩn bị từ trước về việc số lượng HSSV sẽ tăng đột biến trong năm 2012 bằng cách tuyển dụng số lượng khá nhiều đội ngũ giáo viên dạy nghề nên Trường đã không rơi vào tình trạng thiếu hụt giáo viên đứng lớp, đảm bảo đủ tỷ lệ HSSV/giáo viên theo đúng quy định của Luật dạy nghề trong năm 2011.
Năm 2013, số lượng tuyển sinh đầu vào của trường tiếp tục tăng. Với một số khoa chuyên ngành đã bắt đầu xuất hiện tình trạng “quá tải” học sinh sinh viên như ở khoa Khách sạn nguyên nhân vì số lượng học sinh theo học thường chiếm tỷ lệ cao
nhất trong tổng số sinh viên toàn khóa mới (chiếm 36% trong năm 2013), hoặc ở Khoa Lữ hành – hướng dẫn vì đây là khoa có tỷ lệ giáo viên thấp nhất trong các khoa chuyên ngành. Tuy nhiên, khi xét tỷ lệ số học sinh sinh viên bình quân trên 1 giáo viên của toàn trường thì vẫn đảm bảo đạt yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Luật Dạy nghề đã đề ra vì còn một số lượng lớn giáo viên dạy nghề trực thuộc khoa Khoa học cơ bản chưa được tính vào bảng tỷ lệ nêu trên. Do đó, xét một cách tổng thể trong năm 2013 trường vẫn đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy nghề phục vụ cho công tác giảng dạy tại trường.
Với tình hình thực tế của trường hiện nay, có trường hợp một số giáo viên trẻ khi được tuyển dụng về trường chưa có nhiều kinh nghiệm về thực tế nghề nghiệp nên khả năng giảng dạy kỹ năng thực hành nghề còn hạn chế, do đó chỉ có thể làm trợ giảng cho các giáo viên dạy nghề lâu năm. Bên cạnh đó, có một số giáo viên sau khi tuyển dụng không được phân công đúng chuyên ngành đào tạo nên khó đảm nhận được trọng trách đứng lớp. Đây hiện đang là gánh nặng đối với các giáo viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm đồng thời cũng là vấn đề khó khăn mà Trường đang tìm biện pháp khắc phục, giải quyết.
Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của Trường sẽ tăng 50% trong những năm tới, do đó đòi hỏi Trường phải có chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tập trung vào chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề nhằm đáp ứng được các yêu cầu sắp tới về dạy và học tại Trường.
2.3.3. Đánh giá tình hình đảm bảo cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy nghề tại Trường
Công việc giảng dạy của người giáo viên dạy nghề mang những đặc thù riêng, khác với người giáo viên giảng dạy trong các trường phổ thông, trường đại học.
- Bên cạnh hoạt động dạy các môn học lý thuyết, người giáo viên dạy nghề tập trung chính vào kỹ năng dạy thực hành nghề cho HSSV, hay nói cách khác là hình thức dạy tích hợp khá phổ biến đối với các trường dạy nghề. Đây là phương pháp người giáo viên kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và dạy thực hành trong cùng một buổi học.
- Tài liệu giảng dạy dùng cho giáo viên dạy nghề còn khá hạn chế và mang tính đặc thù riêng đối với từng ngành nghề nên hầu hết các giáo viên dạy nghề trong quá trình giảng dạy phải kết hợp song song với quá trình nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu nhằm phục vụ công tác giảng dạy của cá nhân, của Khoa, Tổ bộ môn.
- Trong suốt quá trình giảng dạy, người giáo viên dạy nghề phải thường xuyên tiến hành đánh giá, kiểm tra kết quả hoạt động đào tạo của mình bằng các hình thức kiểm tra định kì đối với người học và một kì kiểm tra kết thúc môn theo các quy định của nhà trường.
- Ngoài ra, để đáp ứng với nhu cầu ngày một cao của xã hội và những thay đổi đang không ngừng diễn ra trong lĩnh vực nghề nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới đòi hỏi người giáo viên dạy nghề phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ hiểu biết và tay nghề nhằm đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển hiện nay.
Việc đảm bảo cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy nghề sẽ góp phần hoàn thiện đội ngũ giáo viên dạy nghề của Trường, tạo nên sự cân bằng không chỉ trong hoạt động dạy và học mà còn bao gồm các hoạt động đoàn thể, xã hội khác. Sự hợp lí về cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình hợp tác, học hỏi giữa các cán bộ giáo viên trong việc giảng dạy, nghiên cứu đặc biệt là sự trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm của các giáo viên lâu năm dành cho đội ngũ giáo viên trẻ.
Bảng 2.9. Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo biên chế, tuổi và giới tính
Chỉ tiêu Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013
1.Số lượng GV dạy nghề (người) 18 26 31
2.Cơ cấu GV theo biên chế (%)
a. Biên chế 89 77 84
b. Hợp đồng 11 23 16
2.Cơ cấu GV theo giới tính (%)
a. Nam 44 35 23
b. Nữ 56 65 77
3.Cơ cấu GV theo tuổi (%)
a. Dưới 30 72 58 58
b.Từ 30 - dưới 40 28 38 39
c. Từ 40 – dưới 50 - 4 3
d. Từ 50 trở lên - - -
(Nguồn: Phòng Tổ chức cán bộ 2011 – 2013)
- Tỉ lệ giáo viên trong biên chế của trường được duy trì khá cao và ổn định qua các năm, đây là một thế mạnh trong quá trình phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề tại
trường. Điều này tạo nên sự ổn định trong tâm lý của đội ngũ giáo viên khi tham gia vào các chương trình đào tạo, tập huấn dài hạn. Bên cạnh đó, tính chất công việc ổn định, lâu dài thúc đẩy người giáo viên nỗ lực cống hiến hết mình cho công việc và sự nghiệp phát triển giáo dục của nhà trường.
Biểu đồ 2.7. Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo biên chế
- Cơ cấu giáo viên theo giới tính có sự tăng nhẹ tỉ lệ nữ qua các năm, đặc biệt trong năm 2013, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 2/3 tổng số giáo viên cơ hữu của trường. Điều này gần như là nét đặc trưng của hầu hết các trường đào tạo nghề về du lịch trong cả nước. Đây vừa là điểm mạnh lại vừa là điểm yếu cho công tác phát triển đội ngũ giáo viên của trường. Đội ngũ giáo viên nữ thường có mong muốn gắn bó lâu dài với nghề nghiệp, ít có sự thay đổi, nhảy việc…nên tạo thuận lợi hơn cho công tác đào tạo dài hạn đội ngũ giáo viên dạy nghề của trường. Tuy nhiên, các giáo viên nữ lại thường gặp phải nhiều vấn đề về gia đình như mang thai, nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm…do đó khó dồn hết tâm huyết vào công việc.
Biểu đồ 2.8. Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo giới tính
- Cơ cấu giáo viên theo độ tuổi: trường đang quan tâm đến công tác tuyển dụng các giáo viên lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và thâm niên nghề nghiệp. Điều này làm cho cơ cấu độ tuổi giáo viên đang có xu hướng tăng tỉ lệ
nhóm lớn tuổi, tuy nhiên nhà trường vẫn chú trọng công tác tuyển dụng người trẻ, thu hút lượng lượng nhân tài vừa tốt nghiệp từ các trường sư phạm kỹ thuật và các trường đào tạo chuyên ngành liên quan với quan điểm sức trẻ, sự mới mẻ và năng động của tuổi trẻ sẽ đem lại những luồng gió mới trong công tác đào tạo nghề tại trường.
Biểu đồ 2.9. Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo độ tuổi
Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo khoa chuyên môn cũng có sự thay đổi tỷ lệ khá rõ rệt sau 3 năm và được thể hiện ở bảng 2.10.
Bảng 2.10. Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo khoa chuyên môn
Chỉ tiêu Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013
1. Số lượng GV dạy nghề (người) 18 26 31
2. Cơ cấu GV theo khoa chuyên môn (%)
a. Dịch vụ nhà hàng 17 19 16
b. Khách sạn 17 19 19
c. Khoa học cơ bản 44 31 32
d. Kỹ thuật chế biến - - 13
e. Lữ hành – Hướng dẫn 17 19 10
f. Quản trị kinh doanh 05 12 10
(Nguồn: Phòng Tổ chức cán bộ 2011 – 2013)
Cơ cấu giáo viên dạy nghề ở các khoa chuyên ngành có sự gia tăng rõ rệt trong năm chuyển giao từ 2011 sang 2012 khi trường nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề. Qua năm 2013, khi đã dần có sự phát triển ổn định, cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy nghề của trường được phân bổ lại một cách hợp lý cho phù hợp với số lượng học sinh sinh viên theo học ở các khoa. Trong đó, Khoa Khách sạn chiếm tỷ lệ cao nhất về giáo viên dạy nghề ở các khoa chuyên ngành (19% trong năm 2013) vì số lượng tuyển sinh đầu vào ở Khoa này thường đứng đầu so với các khoa chuyên ngành khác của trường.
Xét một cách tổng quát qua 3 năm, trong tổng số giáo viên dạy nghề của trường tỷ trọng giáo viên khoa Khoa học cơ bản có xu hướng giảm rõ rệt từ 44% (năm 2011) giảm còn 32% (năm 2013), trong khi tỷ trọng tổng giáo viên dạy nghề ở các khoa chuyên ngành có xu hướng tăng mạnh từ 56% (năm 2011) tăng đến 68% (năm 2013) cho thấy nhà trường đang dần ổn định cơ cấu giáo viên dạy nghề theo xu hướng chú trọng sự đầu tư vào đội ngũ giáo viên ở các khoa chuyên ngành. Dự báo trong những năm tiếp theo với sự đẩy mạnh về chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào thì cơ cấu giáo viên dạy nghề ở các khoa chuyên ngành cũng sẽ được gia tăng đáng kể nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho công tác đào tạo nghề của trường..
Biểu đồ 2.10. Cơ cấu giáo viên dạy nghề theo khoa chuyên môn 2.3.4. Đánh giá tình hình chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tại Trường
Chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm đầu ra là năng lực thực hành nghề và đạo đức của HSSV sau khi tốt nghiệp. Có thể nói đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ đó, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và có những tác động lớn đến việc thu hút lực lượng HSSV trong những đợt tuyển sinh tiếp theo của Trường. Nên có thể nói chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề là nhân tố quyết định sự sống còn của một trường dạy nghề ngay cả ở hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề của Trường là một công tác hết sức cấp thiết, đặt trong bối cảnh đất nước ta trong thời kì hội nhập và mở cửa, đón nhận những cơ hội và thách thức từ thế giới bên ngoài.
Căn cứ vào các tiêu chí quy định chuẩn giáo viên dạy nghề (thông tư số 30/2010/TT – BLĐTBH), tác giả tiến hành phân tích, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo