1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Phong cách tự sự dân gian trong văn học Việt Nam đương đại (Khảo sát qua các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp.PDF

115 1,4K 6

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 115
Dung lượng 897,41 KB

Nội dung

Hiện nay, trong thời đại toàn cầu hóa, văn học Việt Nam đã có những bước chuyển mình, tiếp cận những xu hướng mới để hiện đại hóa nền văn học nhưng cũng có một xu hướng khác song hành đó

Trang 1

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU 3

PHẦN NỘI DUNG 14

Chương 1: Phong cách tự sự dân gian với vấn đề ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết 14

1.1: Đặc trưng của văn học dân gian trong tương quan với văn học viết 14 1.2: Sự xâm nhập của văn học dân gian đối với văn học viết và những biểu hiện của phong cách tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam đương đại 17

1.2.1: Sự xâm nhập của văn học dân gian đối với văn học viết 17

1.2.2: Những biểu hiện của phong cách tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam đương đại 26

Chương 2: Các yếu tố tự sự mang âm hưởng dân gian trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp 30

2.1: Mạch ngầm dân gian trong xây dựng cốt truyện 31

2.1.1: Truyện giả huyền thoại, giả cổ tích 31

2.1.2: Truyện cũ viết lại 37

2.1.3: Truyện lồng truyện 40

2.2: Mạch ngầm dân gian trong việc tạo dựng không gian và thời gian nghệ thuật 42

2.2.1: Không gian nghệ thuật 42

2.2.2: Thời gian nghệ thuật 55

2.3: Mạch ngầm dân gian trong xây dựng hệ thống nhân vật 60

2.3.1: Nhân vật xuất thân từ huyền thoại 60

2.3.2: Nhân vật nữ 64

2.3.3: Nhân vật cộng đồng 68

Chương 3: Một số tín hiệu nghệ thuật dân gian trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp 72

Trang 2

3.1: Biểu tượng, môtíp dân gian 72

3.1.1: Biểu tượng dân gian 72

3.1.2: Môtip dân gian 89

3.2: Ngôn ngữ dân gian 94

3.2.1: Ngôn ngữ dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 94

3.2.2: Ngôn ngữ dân gian trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn - Nguyễn Xuân Khánh 99

PHẦN KẾT LUẬN 104

TÀI LIỆU THAM KHẢO 109

Trang 3

PHẦN MỞ ĐẦU

1: Lí do chọn đề tài

1.1: Văn học dân gian và văn học viết, hai bộ phận hợp thành của nền văn học Việt Nam luôn có mối quan hệ qua lại tương hỗ lẫn nhau Trong đó văn học dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung chính là cơ sở nền tảng vững chắc và là nguồn thi liệu, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn cho văn học thành văn Việc nghiên cứu văn học dân gian mà cụ thể là ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học viết từ rất lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đạt được một số thành tựu nhất định

Hiện nay, trong thời đại toàn cầu hóa, văn học Việt Nam đã có những bước chuyển mình, tiếp cận những xu hướng mới để hiện đại hóa nền văn học nhưng cũng có một xu hướng khác song hành đó chính là việc không ít các tác giả tìm về với những sáng tác dân gian, hấp thụ tinh hoa nghệ thuật truyền thống để tạo nên những tác phẩm đặc sắc, vừa mang nét truyền thống dân gian vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, làm phong phú và tạo nên sức hấp dẫn của nền văn học

1.2: Trong các nhà văn Việt Nam đương đại việc sử dụng những chất liệu dân gian trong sáng tác là một điều dễ nhận thấy với những mức độ đậm nhạt khác nhau Trong đó phải kể đến hai tác giả tiêu biểu và đây cũng là hai tác giả là đối tượng mà chúng tôi muốn đề cập đến trong luận văn của mình:

nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn (đạt giải

thưởng tiểu thuyết Hội nhà văn Việt Nam 2006) và tác giả Nguyễn Huy Thiệp, một cây bút truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu nhất của cao trào đổi mới văn học Việt Nam sau năm 1986 Hai cá tính, hai phong cách nghệ thuật khác nhau cũng như cách thức khai thác chất liệu dân gian không giống nhau, Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên được những dấu ấn đặc biệt và thành tựu đáng ghi nhận Với những sáng tạo nghệ thuật có cội nguồn cắm rễ bởi nguồn mạch dân gian, họ cũng như những cánh diều lượn

Trang 4

bay trong không gian rộng lớn để hứng lấy ngọn gió mới của thời đại nhưng vẫn bám chặt lấy đất mẹ để tiếp thêm nguồn sức mạnh và hút lấy những chất nhựa tinh tuý nhất

Trong đó, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp hiện rõ tính liên tục và đứt đoạn của lịch sử văn học dân tộc Đứt đoạn bởi những khám phá và sáng tạo không ngừng của cá nhân người nghệ sĩ Liên tục được tạo bởi sự tiếp thu và

kế thừa nguồn mạch truyền thống Một mặt, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

đã động chạm đến những vấn đề nhức nhối của hiện thực, một hiện thực đang

bị ly tán, phân rã, mặt khác nó lại bàng bạc những màu sắc dân gian của lớp trầm tích văn hoá tồn tại trong thẳm sâu kho “kí ức tập thể” và “vô thức cộng đồng” dưới dạng những “siêu mẫu” (archétype) (chữ dùng của Sigmund Freud)

Nguyễn Xuân Khánh được độc giả biết đến nhiều với tiểu thuyết Hồ Quý Ly, sau 5, 6 năm sau ông lại tiếp tục được đón nhận với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, cuốn tiểu thuyết đặc sắc, tinh tế về văn hoá phong tục Việt Nam Từ Hồ Quý Ly đến Mẫu thượng ngàn là hành trình tư tưởng từ nhận thức lịch

sử tới cảm quan văn hoá, là sự mở rộng từ chiều dài thời gian đến bề rộng không gian Nó đã dựng lại thành công một không gian văn hoá làng với hạt nhân là tín ngưỡng dân gian Đây là cuốn tiểu thuyết được thai nghén lâu dài với cảm thức lịch sử và những trải nghiệm thể hiện tư tưởng nghệ thuật, nhãn quan độc đáo của nhà văn Lấy bối cảnh giao thời sơ khởi cho sự tiếp xúc Đông –

Tây ở Việt Nam làm bệ bỡ cho việc khám phá quá khứ dân tộc, Mẫu thượng ngàn đã tiếp tục khẳng định những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh ở đề

tài lịch sử

Nghiên cứu những ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết thông qua việc khảo sát tác phẩm của hai nhà văn trên sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn sự tiếp thu một cách tinh tế và đầy sáng tạo phong cách tự sự dân gian của những nghệ sĩ tài năng Đồng thời hiểu rõ hơn những xu hướng mới trong việc sử dụng những chất liệu, phong cách dân gian của các nhà văn Việt

Trang 5

Nam hiện đại Không chỉ học tập từ dân gian, vận dụng dân gian mà họ còn sáng tạo lại dân gian làm cho kho tàng văn hoá, văn học dân gian được mở rộng thêm ý nghĩa

Đó chính là những lí do để chúng tôi quyết định thực hiện đề tài này

2: Lịch sử vấn đề

Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học thành văn, cũng như sự tác động mạnh mẽ diễn ra liên tục của văn học dân gian đối với lịch sử phát triển của nền văn học dân tộc đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm ở những khía cạnh tiếp cận khác nhau

Trong đó có những công trình mang tính lý luận chung của Đinh Gia

Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn- Văn học dân gian, Cao Huy Đỉnh- Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Đỗ Bình Trị- Nghiên cứu tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam, Đinh Gia Khánh -Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam … đã đề cập đến tính

đặc thù của sự phát triển nền văn học viết trong mối tương quan với văn học

dân gian Việt Nam Lê Kinh Khiên trong bài Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian-văn học viết đã đưa ra những lập luận, kiến

giải về điều kiện và hoàn cảnh ra đời, đặc trưng thi pháp và quy luật chung của sự tác động giữa văn học dân gian và văn học viết

Ngoài ra, có những công trình, những bài viết đã đi sâu vào một số khía cạnh cụ thể trong sự tác động qua lại giữa hai hệ thống nghệ thuật:

Trong bài nghiên cứu Vai trò của văn học dân gian trong sự phát triển của văn học dân tộc [43], tác giả Đặng Văn Lung đã tổng kết các cách sử

dụng của các tác giả đối với văn học dân gian gồm: 1 Dùng y nguyên câu và truyện dân gian, 2 Tiếp nhận một vài yếu tố của câu và truyện, 3 Các nhà văn sử dụng chất liệu diễn xướng của văn học dân gian, 4 Sử dụng phương thức khuyết danh và truyền miệng của văn học dân gian để sáng tác ra truyện Nôm khuyết danh Từ đó nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: Văn học dân gian

Trang 6

và văn học viết có mối quan hệ bên trong, bên ngoài theo những quy luật nhất định Ở mỗi thời kỳ lịch sử mối quan hệ ấy có thiết diện khác nhau mà các nguyên nhân tạo ra các thiết diện ấy cũng khác nhau

Về sự hình thành thể loại, Kiều Thu Hoạch trong bài Vai trò của truyện

kể dân gian đối với sự hình thành các thể loại tự sự trong văn học Việt Nam

[22] đã chứng minh rằng, folklore nói chung, văn học dân gian nói riêng là cơ

sở, nền tảng đối với sự hình thành nền văn học viết trong đó có thể loại tự sự Truyện kể dân gian đã ảnh hưởng đến dòng văn học của dân tộc khởi đầu được ghi chép bằng chữ Hán từ thời Lý cho đến thời kỳ cận đại và góp phần đắc lực nhất, mạnh mẽ nhất vào sự ra đời của các thể loại tự sự của văn học viết

Bên cạnh đó còn có những công trình đi vào nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với những tác phẩm nghệ thuật cụ thể như Vũ Ngọc

Phan với bài Ảnh hưởng qua lại giữa Truyện Kiều và thơ ca dân gian Việt Nam, Từ một kiệt tác văn học- suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn học dân gian

và văn học viết- Đặng Thanh Lê, Thơ Hồ Xuân Hương với văn học dân gian- Nguyễn Đăng Na, Bài thơ Mời trầu, cộng đồng truyền thống và cá tính sáng tạo trong mối quan hệ văn học dân gian và văn học viết- Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chiểu và văn học dân gian- Đặng Văn Lung, Tìm hiểu phong cách dân gian-Nguyễn Khắc Xương, Thi pháp dân gian trong thơ Nguyễn Bính- Nguyễn Quốc Túy, Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu- Nguyễn

Phú Trọng

Các bài viết này đã chỉ ra được những biểu hiện mang tính quy luật, tính hệ thống của những thể loại, những tác phẩm cụ thể, thể hiện sự ảnh hưởng của văn học dân gian tới văn học thành văn từ thời kỳ cổ điển, trung đại đến văn học thời hiện đại

Cuốn Vai trò của văn học dân gian trong văn xuôi hiện đại Việt Nam

[70] của Võ Quang Trọng là một công trình rất đáng chú ý Nhà nghiên cứu

đã làm nổi rõ những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa hai hệ thống

Trang 7

thẩm mỹ văn học dân gian và văn học, vận dụng lý thuyết đó để xem xét vai trò của văn học dân gian trong một số tác phẩm văn xuôi hiện đại Việt Nam gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn và truyện cổ tích văn

học của các nhà văn như: Anh Đức (Hòn Đất), Vũ Tú Nam (Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công), Nguyên Ngọc (Đất nước đứng lên), Tô Hoài (Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Đảo hoang), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Thi (Người mẹ cầm súng), Đào Vũ (Cái sân gạch và vụ lúa chiêm)

Cuốn sách đã chỉ ra ảnh hưởng của của sáng tác dân gian nói chung và của văn học dân gian nói riêng về các phương diện tư tưởng thẩm mỹ và phong cách nghệ thuật của tác phẩm

Cũng với mục đích đưa ra những vấn đề mang tính khái quát về mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết cụ thể là nhận diện và khảo sát những dấu ấn của truyện cổ dân gian đối với bộ phận truyện trong văn học Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay ở góc độ sử dụng thi pháp, cốt truyện trong

quá trình sáng tác, Luận án Vai trò của văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại [67], tác giả Phạm Thị Trâm đã chỉ ra được vai trò và

sức sống tiềm tàng của truyện cổ cũng như phạm vi ảnh hướng sâu rộng của

nó trong đời sống văn hóa xã hội và văn học, đi vào tìm hiểu truyện cổ dân gian, một số hình thức mô phỏng phát triển cốt truyện và sáng tạo mới trong văn học Việt Nam sau 1975

Hoàng Cẩm Giang trong bài Sự xâm nhập và tái sinh của một số mô thức tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay đã thống kê các

kiểu xâm nhập của truyện kể dân gian đối với tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay với những kiểu loại chính là giải huyền thoại, giải cổ tích; truyện cổ viết lại và truyện lồng truyện Từ việc phân loại đó tác giả đã đưa ra những lí giải và phân tích của mình cũng như chỉ ra những những biến đổi trong cấu trúc thể loại và những giá trị, những ý nghĩa mới mẻ được tạo

nên từ quá trình trên, "mọi ranh giới đều bị xóa nhòa, thực và ảo, quá khứ và hiện tại đan xen, từ liên văn bản đã trở thành liên thế giới" [17,tr 54]

Trang 8

Tiếp đến là Bùi Thanh Truyền trong bài viết Mạch ngầm cổ tích trong dòng chảy văn học dân tộc [71] đã chỉ ra một dòng chảy liên tục từ cổ tích

dân gian - cổ tích văn học - đến truyện giả cổ tích, truyện cũ viết lại Trong đó

sự tìm về cội nguồn của văn học truyền thống trong truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại không hề có ý vị phục cổ, cũng không phải là "văn học phỏng theo văn học" mà là một sáng tác ngôn từ đúng nghĩa Truyền thống không hề tạo ra sức ì cho hiện đại mà ngược lại luôn tạo ra động lực, năng lượng cho sự phát triển của hiện đại

Cũng nhà nghiên cứu này, trong bài viết Song đề truyền thống - hiện đại trong điểm nhìn nghệ thuật của truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại thời đổi mới [72] đã đi vào nghiên cứu một đặc điểm thi pháp thú vị trong hai

kiểu truyện ngắn mang phong cách tự sự dân gian: truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại đó là vấn đề điểm nhìn Trong đó, dẫn chứng chủ yếu để tác giả chứng minh, phân tích, lí giải cho luận điểm của mình là những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Với hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp đã có một

số những bài viết đề cập đến dấu ấn cũng như ảnh hưởng của phong cách dân gian trong sáng tác của họ Tuy nhiên, có thể nhận thấy, đó chỉ là những lát cắt nhỏ chưa mang tính đầy đủ và hệ thống

Xung quanh Nguyễn Huy Thiệp có những tranh luận, những ý kiến trái chiều nhau bởi lẽ Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học độc đáo, một Nguyễn Huy Thiệp đa dạng trong bút pháp không lầm lẫn với ai: Khi là một

Nguyễn Huy Thiệp trần trụi trong bút pháp cố sự (Tướng về hưu, Không có vua), khi là một Nguyễn Huy Thiệp đằm thắm trong bút pháp trữ tình (Chảy

đi sông ơi, Tâm hồn mẹ), khi là một Nguyễn Huy Thiệp cổ xưa nhưng cũng rất mới lạ trong bút pháp huyền sử (Kiếm sắc, Vàng lửa, Giọt máu) và cũng là một Nguyễn Huy Thiệp trong phong cách thần thoại, cổ tích, hư ảo (Những ngọn gió Hua Tát) Nghiên cứu về phong cách này trong sáng tác của Nguyễn

Huy Thiệp có thể kể ra một số bài viết sau đây:

Trang 9

Philimonova trong bài Những ngọn gió Hua tát của Nguyễn Huy Thiệp như những hình mẫu các truyền thuyết văn học [52] đã đề cập đến ảnh hưởng

của truyền thuyết đối với sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp mà cụ thể là nhà

nghiên cứu đã đi vào khảo sát 10 truyện trong tập truyện Những ngọn gió Hua tát Trong bài viết này, một mặt nhà nghiên cứu đã chỉ ra những dấu vết của

truyền thuyết trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp như đề cập đến những con người đặc biệt, những sự kiện không bình thường , mặt khác ông cũng chỉ ra những điểm khác biệt, những chỗ "hiện đại hóa" của nhà văn như việc xây dựng kết thúc truyện

Trong bài: Nguyễn Huy Thiệp- Hợp lưu giữa nguồn mạch dân gian và tinh thần hiện đại [50], Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã chỉ ra được những nét kế

thừa, bảo lưu những yếu tố thuộc về tâm thức dân gian và những đối thoại, phủ định nó trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp Nhà nghiên cứu đã chỉ ra

tư tưởng bao trùm sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là triết học tự nhiên- nhân bản, thứ triết học nguyên sơ, bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực sâu xa của nền văn hóa cổ Đông Á và Đông Nam Á Vay mượn cốt truyện cổ, tái tạo những nhân vật xưa, đưa những bài thơ, những bài đồng dao dân dã mà thấm thía vào những trang văn của mình đồng thời lại hòa vào dòng chảy của chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế giới thế kỷ XX với những khai phá về chủ đề cái phi lí, sự cô đơn, tha hóa Từ đó khẳng định truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp một mặt là sự tiếp nối nguồn mạch văn học dân gian, mặt khác thấm đượm cảm quan hiện đại, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp đã sáng tạo nên

"folklore hiện đại"

Nguyễn Xuân Khánh với cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn đã được

công chúng đón nhận nhiệt liệt và các nhà nghiên cứu đánh giá cao Trần Thị

An trong bài Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn [1] đã đặt không gian của cuốn tiểu thuyết trong bối cảnh văn

hóa dân gian Việt Nam ở nhiều thời điểm để chỉ ra sự tác động của tín

ngưỡng dân gian lên không gian nghệ thuật của tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn

Trang 10

và bước đầu nhìn nhận quan điểm của nhà văn về tín ngưỡng dân gian người Việt Trong đó tín ngưỡng dân gian đã được người viết soi chiếu dưới 3 góc độ: Tín ngưỡng dân gian với tư cách là nội lực cố kết cộng đồng, tín ngưỡng dân gian với tư cách là phản lực tự vệ của một dân tộc và tín ngưỡng dân gian với tư cách là vô thức cộng đồng cần khai phóng Dưới cái nhìn của một nhà nghiên cứu văn học dân gian, những ảnh hưởng của văn hóa dân gian mà cụ

thể là tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của nhà văn

Nguyễn Xuân Khánh đã được nhìn nhận một cách sâu sắc, cho thấy sự gần gũi và khác biệt trong hành trình sáng tạo của nhà văn và dòng chảy văn học dân gian truyền thống Dựa trên đời sống tín ngưỡng dân gian truyền thống, Nguyễn Xuân Khánh đã không hòa tan vào nhân vật đám đông như một nhà văn học dân gian thuần túy mà đã "thoát xác" bằng tài hoa của một nhà văn sống hết mình với những lao tâm khổ tứ cho nghệ thuật

Bùi Kim Ánh trong bài Đạo Mẫu trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh [2] đã đi sâu vào việc nghiên cứu một tín ngưỡng

dân gian của người Việt, một tín ngưỡng bao trùm đậm đặc và trở thành hồn cốt của cuốn tiểu thuyết: tín ngưỡng thờ Mẫu Lấy đạo Mẫu làm hệ quy chiếu

để nghiên cứu cuốn tiểu thuyết, người viết không chỉ tìm được một không gian văn hóa với những phong tục tập quán độc đáo, mà còn thấy được những cách nghĩ, cách cảm rất riêng của nhà văn về thứ tôn giáo nguyên thủy này

Đi từ việc tìm hiểu đạo Mẫu nói chung cùng những nghi lễ của nó, người viết

đã đi sâu vào tìm hiểu tín ngưỡng này trong cuốn tiểu thuyết để chỉ ra được những mạch nổi và mạch ngầm của nó

Đặt Mẫu thượng ngàn từ lý thuyết hậu thực dân và lý thuyết tự sự học, tác giả Đoàn Ánh Dương trong Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh [12] đã đi tìm những biểu

hiện của tự sự hậu thực dân trong tác phẩm từ đó mở ra con đường tiếp cận bộ phận văn học độc đáo: văn học Việt Nam hậu thuộc địa Về nghệ thuật tự sự, nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu những phương diện tự sự nổi bật như hệ

Trang 11

thống nhân vật/ tiếng nói, hệ thống biểu tượng và cách thức tổ chức ngôi kể

của tác phẩm từ đó khẳng định Nguyễn Xuân Khánh với Mẫu thượng ngàn đã đem đến cho người đọc một diễn giải mới về lịch sử “Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu thượng ngàn không phải là câu chuyện quá khứ đã hoàn kết, mà là cái ngày xưa đang sống lại trong sự diễn giải của ngày hôm nay” [12,tr 119]

Ngoài ra còn phải kể đến bài Nguyên lý tính Mẫu trong truyền thống văn học Việt Nam [27] của tác giả Dương Thị Huyền Bài viết đã chỉ ra được

sự khác nhau của nguyên lý tính Mẫu trong mỗi thời kỳ văn học biểu hiện thông qua hình tượng người phụ nữ như người phụ nữ với việc lí giải nguồn gốc dân tộc, người phụ nữ với những giá trị về phẩm chất và đức hạnh, người phụ nữ với lao động sản xuất, người phụ nữ với sức mạnh đấu tranh và bảo vệ

tổ quốc, người phụ nữ với ý thức bản năng mạnh mẽ và cuối cùng bài viết đã dành ra một phần quan trọng để phát triển thêm cho những luận điểm trên của

mình bằng việc đưa ra dẫn chứng cuốn Mẫu thượng ngàn, một tác phẩm văn

học thể hiện nguyên lý tính Mẫu đặc sắc và tinh tế Người viết đã phát hiện từ

việc thể hiện bản năng mạnh mẽ của người phụ nữ, "nhà văn lại thêm một lần nữa phát triển thêm cho hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam đó

là việc kết hợp ý thức tôn giáo và bản năng của những người phụ nữ" [27],

nói cách khác người phụ nữ ở đây đã được "tôn giáo hóa"

Có thể thấy, những nghiên cứu về ảnh hưởng của văn học dân gian trong các tác phẩm của hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp mới chỉ dừng lại ở những công trình, những bài viết khai thác trên một hoặc một số khía cạnh riêng lẻ chứ chưa được tìm hiểu một cách hệ thống và toàn diện Tuy nhiên đó có thể coi là những gợi dẫn vấn đề bổ ích và quý báu để chúng tôi tiếp tục triển khai trong luận văn này

3: Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Luận văn lựa chọn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn

Xuân Khánh (NXB phụ nữ, Hà Nội, 2006) và một số truyện ngắn được dẫn từ

Trang 12

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (NXB Hội nhà văn, 2005) làm đối tượng

nghiên cứu cho đề tài

Luận văn sẽ đi sâu vào nghiên cứu những biểu hiện của phong cách nghệ thuật tự sự dân gian trong sáng tác của hai tác giả Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp như: cách thức xây dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật, môi trường văn hoá, ngôn ngữ, môtip, biểu tượng

4: Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhằm những mục đích sau:

- Có cái nhìn tổng thể và khái quát về ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết từ đó tìm hiểu những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ này trong các sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp

- Qua những biểu hiện cụ thể của phong cách tự sự dân gian trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp để chỉ ra điểm đặc sắc, nét truyền thống cũng như điểm hiện đại, sự kế thừa và đặc biệt là những sáng tạo, cách tân của nhà văn khi quay về với những giá trị truyền thống nói chung, văn học dân gian nói riêng

5: Phương pháp nghiên cứu

- Luận văn sử dụng nguyên tắc phương pháp luận của lí thuyết hệ thống

để chỉ ra những nét khác biệt giữa hai hệ thống nghệ thuật riêng biệt, thấy được sự tác động ảnh hưởng giữa chúng, chỉ ra những nét truyền thống và cách tân trong sáng tạo nghệ thuật của hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp

- Ngoài ra, trong suốt quá trình nghiên cứu, luận văn còn vận dụng thêm các thao tác khoa học như: so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê…

6: Cấu trúc luận văn

Trang 13

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần thư mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:

- Chương 1: Phong cách tự sự dân gian với vấn đề ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học viết

- Chương 2: Các yếu tố tự sự mang âm hưởng dân gian trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp

- Chương 3: Một số tín hiệu nghệ thuật dân gian trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp

Trang 14

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: PHONG CÁCH TỰ SỰ DÂN GIAN VỚI VẤN ĐỀ ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN ĐỐI VỚI VĂN HỌC VIẾT

1.1: Đặc trưng của văn học dân gian trong tương quan với văn học viết

Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp dân chúng, phát sinh từ thời công xã nguyên thuỷ và phát triển qua các thời

kỳ lịch sử cho đến ngày nay Nó được coi là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc

Có thể nói rằng, văn học dân gian là bộ bách khoa toàn thư của nhân dân ta Tính nguyên hợp của văn học dân gian thể hiện ở chỗ nó không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần tuý mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau Sự kết hợp này là tự nhiên, vốn có ngay khi tác phẩm mới hình thành Một bài dân ca không chỉ có lời mà còn có nhạc, điệu bộ, lề lối hát…Biểu hiện cụ thể của tính nguyên hợp là tính biểu diễn Trong biểu diễn, các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp

Văn học dân gian là sáng tác của nhân dân Tính tập thể của văn học dân gian thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm Chính tập thể nhân dân tham gia vào quá trình đồng sáng tạo nên tác phẩm Quan hệ giữa truyền thống và ứng tác là hệ quả của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể Trong đó, truyền thống là vốn giúp cho nghệ nhân dân gian ứng tác dễ dàng đồng thời quy định khuôn khổ cho việc sáng tác Và ứng tác đến lượt nó sẽ cung cấp những đơn vị làm giàu cho truyền thống văn học dân gian

Trang 15

Có thể nói, tính nguyên hợp và tính tập thể là hai đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Nó có liên quan chặt chẽ với các đặc trưng khác như tính khả biến, tính truyền miệng, tính vô danh của tác phẩm văn học dân gian

Cùng với sự ra đời của lịch sử dân tộc, văn học dân gian ra đời, tồn tại, phát triển trong một thời gian dài trước khi có văn học viết Chính kho tàng văn học dân gian sơ khai, nguyên thuỷ là nền tảng, là ngọn nguồn của nền văn học dân tộc, là kết tinh tư tưởng thẩm mỹ cho nền văn học viết ra đời và phát triển về sau

Cùng là loại hình nghệ thuật ngôn từ, nảy sinh trên cơ sở thực tiễn đời sống và truyền thống văn hoá của dân tộc, chịu sự tác động của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, văn học dân gian và văn học viết đồng thời có những đặc trưng riêng với khả năng nhận thức và tái tạo hiện thực riêng

Nếu sáng tác dân gian mang tính tập thể, tính tập thể được phản ánh trong sự sáng tạo của cá nhân nhưng không có tên tác giả thì văn học viết lại nhận thức và tái tạo lại thực tiễn theo những nguyên tắc chọn lọc và điển hình hoá các hiện tượng đời sống, với nghệ thuật xây dựng nhân vật, với hình thức

tư duy trừu tượng cùng cá tính sáng tạo của cá nhân nhà văn

Sự sáng tạo của cá nhân trong văn học viết tuân theo những quy luật tâm lí của sáng tác cá nhân, giá trị của tác phẩm văn học phụ thuộc vào sự độc đáo của cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, làm đa dạng và phong phú hơn nền văn học Trong khi đó trong sáng tác dân gian, sáng tạo của cá nhân thường tuân theo những quy luật tâm lí của sáng tác tập thể Tính tập thể tiêu biểu cho tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của một lớp người, một giai cấp trong

xã hội được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật mang tính chung nhất Cái riêng trở thành cái chung trong tập thể sáng tạo Ở đó, theo lời của M.Gorki

“Kinh nghiệm cá nhân không ngừng chảy vào nguồn dự trữ của tập thể, toàn

bộ kinh nghiệm tập thể đã trở thành sở hữu của mỗi thành viên trong nhóm”

[18,tr 49]

Trang 16

Đặc trưng của văn học dân gian là sự vận động liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nơi này đến nơi khác Do lưu truyền bằng miệng, ngoài những văn bản đã ghi chép, tác phẩm văn học dân gian luôn vận động, sửa chữa để ngày càng gắn với công chúng dân gian hơn Do vậy văn học dân gian có tính đa dị bản, quá trình sáng tác và lưu hành là một Trong khi đó trong văn học viết, văn bản là cố định, ở đó quá trình sáng tác và lưu hành tách rời và độc lập với nhau

Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, hình tượng trong văn học dân gian thường nặng về khái quát hoá, nhân vật, hoàn cảnh không cụ thể, không xác định Đặc điểm nổi trội làm nên tính truyền thống bền vững của văn học dân gian đó chính là sự lặp lại của các môtip, những công thức truyền thống sẵn

có ở các cấp độ khác nhau Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt về nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ, quyết định đặc trưng mỹ học folklore Ngược lại, trong văn học viết, việc xây dựng nhân vật và hoàn cảnh cụ thể điển hình là một nguyên tắc trong sáng tạo nghệ thuật, vai trò của chủ thể sáng tạo vô cùng quan trọng Với cá tính sáng tạo của nhà văn, yêu cầu đổi mới và cách tân trong văn học viết được đặt lên hàng đầu

Tuy đều là ngôn ngữ nghệ thuật nhưng ngôn ngữ của hai hệ thống thẩm

mĩ này cũng có những điểm khu biệt Nếu ngôn ngữ dân gian thường mộc mạc, giản dị, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân hơn thì ngôn ngữ trong văn học viết lại được chắt lọc, gọt giũa nhiều hơn và mang đậm dấu

ấn cá tính sáng tạo của nhà văn, thể hiện được phong cách nghệ thuât riêng có của người nghệ sĩ

Mặc dù có những đặc điểm riêng quy định sự khác nhau của mỗi hệ thống thẩm mĩ nhưng giữa văn học dân gian và văn học viết lại có mối quan

hệ bổ sung, tác động lẫn nhau, mang tính quy luật và phổ quát Sự tác động tương hỗ giữa chúng diễn ra trong suốt chiều dài hình thành và phát triển nền văn học của mỗi dân tộc và điều này đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của không ít nhà khoa học

Trang 17

1.2: Sự xâm nhập của văn học dân gian đối với văn học viết và những biểu hiện của phong cách tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam đương đại

1.2.1: Sự xâm nhập của văn học dân gian đối với văn học viết

Văn học Việt Nam là sự tích hợp từ hai dòng: văn học dân gian và văn học viết Mối quan hệ giữa hai bộ phận này là mối quan hệ tương hỗ ở đó văn học viết chịu ảnh hưởng của văn học dân gian trên nhiều phương diện từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật, đồng thời văn học viết cũng có tác động trở lại đối với văn học dân gian nhưng xét cho cùng có thể nói rằng văn học dân gian “cho” nhiều hơn là “nhận”

Sau khi quốc gia Đại Việt giành được độc lập, nền văn học chia thành dòng văn học dân gian và văn học viết Bên cạnh việc tiếp thu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, dòng văn học viết càng ngày càng dân tộc hóa về mặt hình thức ngôn từ, sử dụng nhiều chất liệu văn học dân gian

1.2.1.1: Ở lĩnh vực thơ ca:

Giữa văn học dân gian và văn học viết nói chung, thơ ca dân gian với thơ ca bác học nói riêng có một mối quan hệ qua lại vô cùng khăng khít, bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử

Từ thế kỷ XV, trong thơ Nôm, Nguyễn Trãi đã sử dụng sáng tạo ngôn ngữ dân tộc, làm cho dòng văn học dân tộc được khơi nguồn trước đó nay được mở rộng “cuồn cuộn nước triều đông” Đó là thứ ngôn ngữ của người lao động được gọt giũa, cách điệu hoá và nâng lên để diễn đạt những ý tưởng

cô đúc, nhuần nhị:

Lận đận nhà giàu no bữa cám Bạn bè kẻ trộm phải ăn đòn

(Bảo kính cảnh giới- Bài 21)

Hai dòng thơ trên đã gợi nhắc ta nhớ đến hai câu quen thuộc trong dân gian:

Trang 18

Ở gần nhà giàu đau răng ăn cám

Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn Hay câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”, “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho” lại được Ức Trai thể hiện sáng tạo, súc

tích trong hai câu thơ:

Nên thợ nên thầy vì có học

No ăn no mặc bởi hay làm

(Bảo kính cảnh giới- Bài 46)

Nguyễn Trãi cũng khéo léo kết hợp những ý chính trong mấy câu ca

dao: “Tham vàng bỏ nghĩa ai ôi/ Vàng ăn hay hết, nghĩa tôi đang còn”;

“Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” trong hai câu thất ngôn ở bài Tự thán, số 17:

Chĩnh vàng chẳng tiếc, danh thì tiếc Bia đá hay mòn, nghĩa chẳng mòn Cao Huy Đỉnh đã nhận định: “Nguyễn Trãi đã mượn tư tưởng của nhân dân cùng hình thức đúc kết trí tuệ và tình cảm tập thể của nhân dân để tự thuật, để hoài niệm cá nhân…lối nói ví von vần vè ngắn gọn của nhân dân ra đời rất xưa cùng với tiếng mẹ đẻ, bây giờ với Nguyễn Trãi chính thức trở thành nguồn khai thác của văn học và văn học thành văn đã chan hoà với sáng tác dân gian thì càng đậm đà tính nhân dân và tính dân tộc” [16,tr 97] Với Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã vận dụng sáng tạo vốn văn học dân gian

từ việc khai thác chủ đề, đề tài, ngôn ngữ, hình tượng thơ…Văn học dân gian nhờ đó cũng được chắp thêm đôi cánh để có thể bay xa hơn, vọng sâu hơn trong tâm trí độc giả muôn thế hệ

Kế thừa những tinh hoa truyền thống, các nhà thơ ưu tú của dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu…đã vận dụng nguồn ca dao, tục ngữ và thi pháp của văn học dân gian như một mảnh đất màu mỡ để sáng tác nên những bài thơ đậm đà chất dân gian, bám rễ sâu vào lòng dân tộc Trong đó không thể không nhắc đến

Trang 19

tác phẩm đỉnh cao của dòng văn học viết thời trung đại- Truyện Kiều Theo

những con số thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 200 trường hợp ca dao, dân

ca và Truyện Kiều chịu ảnh hưởng lẫn nhau và có gần 100 trường hợp tục ngữ, thành ngữ dân gian và Truyện Kiều xâm nhập lẫn nhau [23,tr 299]

Trong tác phẩm, không khó để nhận ra việc tác giả Nguyễn Du đã sử dụng các mã ngôn từ của ca dao Nếu trong ca dao có những lời:

Vì thuyền, vì bến, vì sông

Vì hoa nên bận cánh ong đi về thì trong Truyện Kiều có câu thơ tương ứng:

Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa

Từ câu ca dao thủa nào:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?

đến vần thơ đầy tâm sự của Nguyễn Du là một sự tiếp thu đầy chủ ý:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…

Trong ca dao có câu:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

(lời Thuý Kiều)

thì trong Truyện Kiều ta lại bắt gặp ý tứ quen thuộc:

Rắp mong treo ấn từ quan Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua

(độc thoại Kim Trọng)

Từ ca dao đến Truyện Kiều, thể thơ lục bát đã đi đến hoàn thiện Với

âm điệu hài hoà, phong phú, biến hoá, vừa thích hợp với trữ tình lại có khả năng tự sự, có khi được cất lên như những lời nói thường, lại vừa được sử dụng với vẻ bay bổng, lãng mạn Như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nhận xét

“Tiếng nói Việt Nam trong Truyện Kiều như làm bằng ánh sáng vậy” [59]

Trang 20

Tiếp mạch truyền thống, các nhà thơ hiện đại lại tiếp tục vận dụng một cách sáng tạo nguồn thi liệu dân gian để làm nên những tác phẩm đặc sắc Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Đồng Đức Bốn…đều ít nhiều quay về với “mảnh hồn làng” dân gian (chữ dùng của Tế Hanh) để hút chất nhụy tinh túy làm nên những bông hồng vàng nghệ thuật

Ở Tương tư của Nguyễn Bính dường như có sự kết nối giữa một hệ

thống hình ảnh đã trở thành ước lệ của làng quê Việt Nam, những hình ảnh gần gũi, thân thuộc tự ngàn xưa Ở đó có thôn Đoài và thôn Đông, có con đò

và bến nước, có hàng cau và giàn trầu Đó còn là nơi sinh thành và nuôi dưỡng lối thơ lục bát mộc mạc, thuần khiết và chân thành:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Một người chín nhớ mười mong một người

(Tương tư- Nguyễn Bính)

Khác với thôn Đoài, thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính, hình ảnh nông thôn hôm nay được Đồng Đức Bốn vẽ lại có những điểm vừa giống lại vừa khác:

Nhà quê có cái giếng đình Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ

Nhà quê có mấy trai tơ Quần bò, mũ cối giả vờ sang chơi

(Nhà quê- Đồng Đức Bốn)

Bảo lưu, bảo tồn các giá trị thơ ca truyền thống, thơ hiện đại Đồng Đức Bốn chính là hơi thở của cuộc sống hôm nay được “quản thúc” trong niêm luật cổ truyền lục bát Có thể nói thơ lục bát qua ngòi bút của thi nhân đã được sáng tạo không ngừng với một sức sống mới, một nét duyên mới

Là những nhà thơ trưởng thành sau năm 1975, cội nguồn dân gian đi vào thơ Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh không chỉ ở cấp độ ngôn từ mang đậm màu sắc dân dã và thể thơ dân gian mà còn ở chỗ các tác giả đã vận dụng đầy linh hoạt vốn hiểu biết văn học dân gian vào trong các sáng tác của mình

Trang 21

Những phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc được nhắc đến Đó là: Tục gói bánh chưng ăn với thịt mỡ, dưa hành, treo câu đối ngày tết:

Tháng giêng lá dong

xanh thịt mỡ

đỏ dưa hành bạch vế đối lẳng

(Nằm vạ tháng giêng- Phan Huyền Thư)

Khổ thơ gợi nhắc ta nhớ về câu đối quen thuộc mang hồn vía, bản sắc

của dân tộc: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Trong thơ Vi Thuỳ Linh, truyện cổ xuất hiện qua lời kể của mẹ, biết bao câu chuyện quá đỗi thân thuộc đã đi vào kí ức êm đềm của tuổi ấu thơ:

Chuyện Tấm dịu hiền

Mẹ chỉ kể đến đoạn cô lấy chồng hoàng tử

Sẽ kể cho con Thạch Sanh gan dạ bắn đại bàng cứu công chúa

Về Trương Chi xấu trai nhưng giọng hát tuyệt vời

Có tài, được biệt đãi, đâu chỉ công chúa mê, sẽ có chìa khóa mở đến nhiều cánh cửa

Về chú Gióng lên ba, ăn bảy nong cơm ba nong cà, lớn phổng thành dũng sĩ, cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà, diệt giặc xong, Gióng lên núi Sóc cưỡi ngựa về trời, đâu màng công trạng vinh hoa phú quý(…)

Về Mị Châu lấy Trọng Thủy, nhưng không u mê đến mức phản bội vua cha, mất Âu Lạc cho Triệu Đà

Về Mị Nương sẽ lấy Sơn Tinh để không có chiến tranh, ngập lụt

(Kể chuyện cho con-Vi Thuỳ Linh)

Trang 22

Điều đặc biệt cần ghi nhận ở những nhà thơ trẻ đó là họ đã tạo ra một hướng nghĩ khác cho các hình ảnh dân gian quen thuộc Sự táo bạo, thậm chí

có thể nói là liều lĩnh của họ không chỉ tạo ra sự mới lạ thú vị cho thơ mà còn xóa bỏ lối mòn trong cách suy nghĩ, tiếp nhận của độc giả:

Em ướm chân mình, định uống nước trong dấu chân, như cổ tích

Mà chỉ toàn dấu chân phụ nữ

Hai bên đường, những bông hoa loa kèn đỏ khóc Đêm ướt những dấu chân đọng nước

Đi theo những dấu chân tới khi là đi theo gió xối thành thác, nơi những người đàn bà ở trần, thổn thức nhìn đường tối và trăng sáng

Họ bảo em đừng đi nữa, không tìm được đâu, những dấu chân biến mất nhanh vì đàn ông đổi thay như biển cả

(Dấu vết- Vi Thùy Linh)

Có thể thấy rằng, việc tái sử dụng văn học dân gian trong sáng tạo thơ

ca đã thể hiện được sự gắn bó sâu nặng của các nhà thơ với những giá trị truyền thống mặt khác cũng thể hiện được sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong việc tìm ra những lối nẻo mới trong tiếp cận và phản ánh hiện thực, hiện thực cuộc sống cũng như hiện thực tâm hồn

1.2.1.2: Ở lĩnh vực văn xuôi:

- Truyện kể dân gian và sự hình thành các thể loại tự sự văn xuôi

Kho tàng truyện kể dân gian người Việt bao gồm các truyện kể miệng như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, sử thi… đã xuất hiện từ rất xa xưa, trước khi có chữ viết Chính vì vậy, ngay từ khi khởi phát nền văn học viết dân tộc, văn xuôi tự sự đã không thể không lấy các truyện kể dân gian làm nền tảng

Tác phẩm đầu tiên mang tên Ngoại sử ký của Đỗ Thiện xuất hiện vào

khoảng thế kỷ 12 Nội dung cuốn sách chủ yếu chỉ là một tập truyền thuyết, thần thoại cổ đại chứ không phải là một tập sử đích thực Nhờ vậy, nhiều

Trang 23

truyện dân gian/ dã sử truyền miệng có dịp được sưu tập và ghi chép thành văn bản cố định, đồng thời góp phần xây dựng các tác phẩm tự sự trong dòng văn học viết đương thời

Cũng theo hướng ghi chép các truyện kể dân gian, nhà chép sử Lý Tế Xuyên thời Lý Trần đã ghi chép những truyện kể về các vị thần có công với

dân với nước của thời cổ đại và trung đại trong tác phẩm Việt điện u linh

(Những truyện linh thiêng huyền diệu ở đất Việt) vào thế kỷ thứ 14 Nối tiếp công việc này, Trần Thế Pháp thời Trần và sau đó, Vũ Quỳnh, Kiều Phú ở đầu thời Lê, thế kỷ 15 đã ghi chép những truyện dân gian một cách đầy đủ và

phong phú hơn trong tập sách mang tên Lĩnh Nam chích quái (Lượm lặt những truyện quái dị ở cõi Lĩnh Nam) Có thể nói, Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái là hai tác phẩm đặt nền móng đầu tiên cho thể loại truyện ký

lịch sử ở các thời đại sau

Quá trình phát triển của thể loại truyện ký chính là một tiền đề nghệ thuật quan trọng đẩy tới sự hình thành một thể loại mới trong văn học tự sự Việt Nam, đó là tiểu thuyết lịch sử, hay còn gọi là loại truyện ký lịch sử

trường thiên Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, có tác phẩm Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm, cuối thế kỷ 18, có tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm tác giả họ Ngô Thì, khoảng đầu thế kỷ 19 có tác phẩm Việt Nam khai quốc chí diễn âm- bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên bằng

chữ Nôm…

Nếu như chủ đề lịch sử với nội dung yêu nước đã làm nảy sinh những tác phẩm truyện ký lịch sử và dọn đường cho các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử

ra đời thì chủ đề tình yêu với nội dung nhân đạo lại là cơ sở để tạo nên các tác

phẩm truyền kỳ Bắt đầu từ Thánh Tông di thảo ra đời khoảng thế kỷ 15, sau

đó vào thế kỷ 16, có tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thế kỷ 18 có thêm Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, khoảng cuối thể kỷ 18 đầu thế

kỷ 19 có Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích…

Trang 24

So với truyện ký lịch sử thì truyền kỳ là một bước phát triển mới về nghệ thuật viết truyện của văn học tự sự trung đại Việt Nam Từ những cốt truyện dân gian, các tác giả truyền kỳ đã hư cấu thành những câu chuyện hoàn chỉnh, vừa có yếu tố hiện thực vừa có yếu tố lãng mạn, vừa có tính tư tưởng sâu sắc vừa có giá trị nghệ thuật cao

- Từ truyện cổ tích dân gian đến sự ra đời của truyện cổ tích văn học

Dù là một thể loại sáng tác dân gian xuất hiện từ giai đoạn thô sơ của

tư duy loài người song truyện cổ tích, cho đến nay vẫn luôn được nhiều thế hệ say mê không chỉ với người nghe, người kể, người đọc mà cả với đội ngũ những người sáng tác văn học mọi thời đại Truyện cổ tích văn học ghi nhận

sự biến thiên, trường tồn của bộ phận văn học này trong lịch sử văn học dân tộc, thể hiện mối quan hệ, bước chuyển biến từ văn học dân gian đến văn học

viết Đây là những truyện “có phong cách cổ tích do các nhà văn mới sáng tác hoặc những truyện cổ tích cũ do các nhà văn viết theo lối mới” [33,tr 35], “nảy sinh tương đối sớm trong nền văn học viết cuả một dân tộc và không ngừng tồn tại, phát triển cho đến ngày nay, mà cội nguồn, nền tảng của

nó chính là kho tàng truyện kể dân gian của các dân tộc bao gồm truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười…trong đó truyện cổ tích đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thể loại này” [69,tr

47]

Truyện cổ tích văn học đã tiếp tục truyện cổ tích dân gian của mỗi một dân tộc trong việc phản ánh hiện thực đời sống, những vấn đề đang đặt ra ở mỗi thời đại Hướng tới truyện cổ dân gian, các nhà văn nói chung đều tìm kiếm những giá trị đạo đức thông qua các nhân vật, tham gia luận bàn về những phạm trù có tính toàn nhân loại như điều thiện và điều ác, công bằng

và bất công, chính nghĩa và phi nghĩa , hé mở niềm tin vào tương lai, ngợi ca cái tốt đẹp, phê phán, phủ định cái xấu, cái ác, nhỏ bé, thấp hèn… Truyện cổ tích văn học được cải biến từ truyện cổ tích dân gian và trở thành một hiện tượng mới của nghệ thuật, nó chỉ giống truyện cổ tích dân gian ở nét phong

Trang 25

cách cơ bản, các môtip chính yếu…điểm khác biệt là các chi tiết, sự kiện, tính linh hoạt của cốt truyện, nhân vật

Trần Thế Pháp (khởi thảo Lĩnh Nam chích quái, sau đó là Vũ Quỳnh, Kiều Phú hiệu đính, bổ sung) và Lí Tế Xuyên (được xem là soạn giả Việt điện

u linh) có thể coi như những người tiên phong trong việc sáng tác thể loại văn

học này Đến những tác giả của văn học hiện đại như Nguyễn Trọng Thuật

(Quả dưa đỏ), Nguyễn Tuân (Chùa Đàn, Trên đỉnh non Tản), Phạm Hổ (Truyện hoa truyện quả), Tô Hoài (Nỏ thần, Đảo hoang, Nhà Chử), một mặt

giữ lấy những đặc trưng cơ bản của cổ tích truyền thống mặt khác lại mặc cho chúng chiếc áo khoác của thời đại mới, hướng đến những yêu cầu mang tính thời sự

Truyện Chuyện nỏ thần của Tô Hoài có tên trùng với tên truyền thuyết

nảy sinh từ mảnh đất Cổ Loa và được lưu truyền rộng rãi khắp cả nước để ca ngợi một danh tướng của An Dương Vương là Cao Lỗ đã chế tạo ra chiếc nỏ thần kỳ, bắn một phát ra hàng vạn mũi tên và giết chết vô số quân giặc Tác

phẩm này của Tô Hoài ngoài việc sử dụng ba truyền thuyết: Truyện lẫy nỏ, Thục An Dương Vương xây thành và Mỵ Châu Trọng Thuỷ còn sử dụng

truyền thuyết về Đô Nồi, truyện Lý Ông Trọng … các truyền thuyết được móc nối lại với nhau đã làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, vừa quen mà vừa lạ

Cũng giống như Chuyện nỏ thần, ở Đảo hoang, Tô Hoài cũng ghép nối một số truyện dân gian khác như truyện Thần núi Tản Viên, Sơn Tinh Thuỷ Tinh vào Sự tích dưa hấu Tái sinh lại truyện kể dân gian về quả dưa hấu, Tô

Hoài đã thể hiện những nhận thức sâu sắc về lịch sử và văn minh dân tộc

“Câu chuyện dưa hấu là tinh thần sức mạnh lớn lao của dân tộc, là truyền thống chiến đấu chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, giành quyền sống và phát triển qua tất cả các đời” [25,tr 10]

Con đường từ truyện cổ tích dân gian đến sự ra đời của truyện cổ tích văn học vẫn chưa dừng lại ở đó mà nó còn tiếp tục phát triển, biến thiên mạnh

Trang 26

mẽ để phù hợp với những thay đổi của thời đại, phục vụ cho mục đích mới mang tính thời sự Sự xuất hiện của truyện giả cổ tích, truyện cũ viết lại trong văn xuôi Đổi mới như là một sự ra đời tất yếu, hợp quy luật Ở phần sau của luận văn, chúng tôi sẽ tiếp tục có những tìm hiểu sâu hơn về bộ phận văn học này

1.2.2: Những biểu hiện của phong cách tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam đương đại

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nền văn xuôi Việt Nam chứng kiến những cách tân mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật của nhà văn cũng như trong cấu trúc tự sự của tác phẩm Bên cạnh việc tiếp thu những kỹ thuật sáng tác hiện đại của phương Tây, một khuynh hướng không thể phủ nhận là việc các nhà văn lại quay về với những giá trị truyền thống, thâu nhận và tái sử dụng những chất liệu dân gian truyền thống Họ không chỉ kế thừa dân gian mà điều quan trọng là đã sáng tạo lại dân gian, tạo thêm những huyền thoại mới

từ những huyền thoại đã có với hai phong cách chính, hai con đường chính đó là: lối “giả cổ tích, giả huyền thoại” và “truyện cổ viết lại”

“Giả cổ tích”- như tên gọi của nó, không phải là truyện cổ đúng nghĩa, chính xác hơn, cũng giống như cổ tích văn học, nó chỉ là một thứ truyện cổ của thời hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay Từ đó nhà văn có điều kiện thuận lợi để thể hiện cá tính, bộc lộ quan điểm, thái độ và trách

nhiệm công dân của mình Mười truyện ngắn trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát (Nguyễn Huy Thiệp), truyện Hồn trinh nữ, Khát của muôn đời, Nàng tiên xanh xao, Tim vỡ (Võ Thị Hảo), Thợ may (Phạm Hải Vân), Miêu cẩm (Lưu Sơn Minh)…chính là những ví dụ cho phong cách văn học này

Truyện giả cổ tích không thiên về thủ pháp “ngoại hiện” như cổ tích đích thực mà thường chú tâm vào thế giới nội tâm phong phú của nhân vật, thủ pháp “nội hiện” được đề cao Nhân vật được miêu tả với một quá trình tâm lí, tính cách phức tạp, có thể sống với những hồi ức về quá khứ

Trang 27

Với loại truyện giả cổ tích, cốt truyện thường phức tạp, chú trọng đến thế giới nội tâm, tính muôn mặt đời thường của con người hiện đại để khái quát lên những vấn đề có ý nghĩa thiết thân với cuộc sống thường ngày của

họ Sự khác biệt của nó với truyện cổ thể hiện trên các mặt như tâm lý nhân vật (hồi tưởng, kí ức), trữ tình ngoại đề (triết lí, miêu tả cảnh vật), hoặc cho nhân vật hành động khác với truyện cổ để phản ánh những vấn đề thời đại

Được soi chiếu dưới ánh sáng của “cái bây giờ”, thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp tuy mang dáng dấp cổ tích nhưng lại thấm đẫm tinh thần thời đại Trên con đường đi tìm cái Chân, Thiện, Mĩ, những giá trị tuyệt đích của cuộc sống, con người nhận lại bao cay đắng, xót xa: Đi tìm tình yêu thì gặp sự vô tình, đi tìm cái Đẹp thì gặp cái xấu xa, đi tìm cái Chân

thì gặp cái nguỵ trang, giả trá Những ngọn gió Hua Tát (Nguyễn Huy Thiệp), Hồn trinh nữ, Nàng tiên xanh xao, Tim vỡ (Võ Thị Hảo)…đều không

có một kết thúc có hậu Kết thúc ấy chỉ hiện diện trong những câu chuyện xa xăm của một thời quá vãng, còn trong những câu chuyện của ngày hôm nay, con người dù có đau đớn nhưng cũng phải dũng cảm đối diện với những đắng cay, chua chát của lẽ đời, với sự cô độc, yếu đuối của bản thể Nhưng chỉ có như vậy, con người mới có thể mạnh mẽ và can đảm hơn trong hành động, dạn dĩ và trưởng thành hơn trong nhận thức

Khác biệt với truyện giả cổ tích, truyện cũ viết lại có điểm tựa là một truyện dân gian truyền thống Trên cơ sở đó, tác giả sẽ có sự lựa chọn đối thoại hoặc đối lập với truyền thống Điều này có thể nhận thấy trong các tác

phẩm Bụt mệt (Hoà Vang), Lầu hạc vàng, Cây đàn Long Môn (Lê Đạt), Trương Chi (Nguyễn Huy Thiệp), Hoang đường, Trương Chi của tôi (Bão Vũ), Châu Long, Ngày xưa, cô Tấm…(Lê Minh Hà)… Ở đó, tiếng nói, quan

điểm của người viết được bộc lộ một cách thẳn thắn, tường minh hơn, ngược lại, trong truyện giả cổ tích, sự bộc lộ tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ của tác giả thường như một ẩn ngữ, mang ý nghĩa hàm ẩn Từ một chi tiết, sự kiện hay nhân vật trong truyện cổ, bằng cái nhìn mới mẻ, tác giả của truyện

Trang 28

cũ viết lại đã gia cố thêm để sáng tạo nên những tác phẩm giàu ý nghĩa thời

sự, có sức lan toả, cuốn hút Nói một cách hình tượng, nhân vật, môtip, chi tiết, sự kiện… trong truyện cổ chính là những cái đinh để các tác giả đương đại treo lên đó các bức tranh đủ màu sắc của cuộc sống

Cụ thể, trong truyện cũ viết lại, những nhân vật dân gian được sử dụng theo hai hướng Từ chất liệu dân gian, các nhà văn đương đại đã thể hiện cách đánh giá đồng thuận hoặc bất đồng khi nhìn nhận lại những nhân vật mà từ lâu đã trở thành biểu tượng cho một tính cách, cho một lối nghĩ với cảm quan

và tư duy hiện đại Từ điểm tựa là hình tượng nhân vật trong truyện cổ dân gian truyền thống, trên cơ sở đó, các tác giả đương đại, bằng nhận thức và tình cảm cá nhân sẽ có sự kế thừa, sáng tạo để tạo nên những tác phẩm phù

hợp với cảm thụ nghệ thuật của độc giả “Có cảm giác như nhà văn đã xé toạc tấm mặt nạ “chức năng, loại hình” của nhân vật cổ tích, tái tạo cho họ một gương mặt mới bằng xương bằng thịt, một gương mặt biểu lộ đầy đủ những cung bậc tình cảm” [71,tr 68]

Ta bắt gặp hình ảnh nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh quen thuộc trong tác

phẩm Sự tích những ngày đẹp trời của nhà văn Hoà Vang Tuy nhiên ở đây,

độc giả sẽ có một cái nhìn đẹp đẽ hơn về nhân vật Thuỷ Tinh, hiểu thêm về

mối tình thầm kín của Mỵ Nương Nhân vật Thuỷ Tinh trong Sự tích những ngày đẹp trời thật đáng yêu vì chàng đã sống tất cả cho tình yêu, sẵn sàng từ

bỏ quyền lực, danh vọng để sống cho tình yêu: “Bây giờ thì tôi đã từ bỏ tất

cả Tôi đã quyết định trả lại ngôi Chúa Biển Tôi về đây…hy vọng gặp em”

[77, tr 20]

Cũng trong tác phẩm của nhà văn Hoà Vang, nhân vật Bụt không còn là một nhân vật thần kỳ, có sức mạnh siêu nhiên như trong những câu truyện cổ nữa Bụt của Hoà Vang cũng mệt mỏi, bất lực trước những áp lực bộn bề của

cuộc sống đời thường: “Bụt nằm bẹp dưới một gốc trùng bách chết khô sát mé một hồ nước trong vắt, áo quần lấm láp, đôi hài mòn vẹt thủng hở cả gót chân, hơi thở hổn hển, mắt lờ đờ, tay quờ quạng…” [77,tr 96]

Trang 29

Với Ngày xưa, cô Tấm…, Châu Long, An Dương Vương, Gióng…, Lê

Minh Hà đã biến những nhân vật trong truyện cổ xa xưa mang trong nó những

bi kịch lớn nhỏ, những nỗi niềm khuất lấp không thể giãi bày Đó là cô Tấm với những dằn vặt khủng khiếp giữa lầu son gác tía sau khi giết chết mẹ con Cám; đó là An Dương Vương với nỗi đau thăm thẳm của một vị vua đã làm mất nước, một người cha đã giết chết người con gái thân yêu của mình; đó là

mẹ Gióng với nỗi nhớ khôn nguôi về một đứa con đã “hoá thánh” để vĩnh viễn không còn thuộc về bà - dù trong ký ức ăm ắp yêu thương nó vẫn mãi là một đứa trẻ lên ba cần mẹ vỗ về, chăm bẵm

Các nhân vật dân gian được tái sinh trong tác phẩm hiện đại đã bị đẩy

ra khỏi ranh giới của hình tượng cũ, thậm chí không còn đường dây liên hệ với nhân vật quá khứ Nhân vật mới phủ nhận sự tồn tại của nhân vật cũ, bước vào xã hội hiện đại, phát ngôn cho tư tưởng nghệ thuật mới Đó là nhân vật

Tấm bươn chải giữa dòng đời trễ nải hôm nay (Trầu têm cánh phượng - Bão Vũ), một Trương Chi cay cú đến phản ứng xã hội (Trương Chi -Nguyễn Huy

Thiệp), một nhân vật Bụt không sao lấp hết được bể khổ của con người nơi

trần gian đành phải kiệt sức bên hồ nước mắt của con người (Bụt mệt- Hoà

Vang) Nhưng một điều dễ nhận thấy là trong các tác phẩm này vẫn nêu bật được những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện và cái ác, về số phận, bi kịch… đang dằn vặt con người hiện đại

Có thể nói, truyện cũ viết lại đã phản ánh một cách chân thực, sinh động nhu cầu nhận thức lại của văn học Đổi mới, mang lại hiệu quả “lạ hoá” cho văn học

“Truyện cổ dân gian không phải là một hằng số bất biến mà luôn có tính năng sinh sản, tính thời sự” [71,tr 70] Những truyện có tính nhân bản

luôn được đánh thức, tái sinh để tham gia vào dòng chảy của cuộc sống thực tại, là bệ đỡ văn hoá truyền thống để người viết tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ của xã hội hiện đại Sức sống, sức lan toả của chúng là vì thế Sự tìm

về cội nguồn của văn học truyền thống trong truyện giả cổ tích và truyện cũ

Trang 30

viết lại không hề có ý vị phục cổ, cũng không phải là “văn học phỏng theo văn học”, mà là một sáng tác ngôn từ đúng nghĩa Ở đó, truyền thống không

hề tạo ra “sức ì” cho hiện đại mà ngược lại, luôn tạo ra động lực, năng lượng cho sự phát triển của hiện đại Sự đối thoại của nhà văn hôm nay giúp cho văn học tránh được cái nhìn hời hợt, lỗi thời về hiện thực, thể hiện được đầy đủ chức năng nhận thức và phản ánh hiện thực của văn học

Tiểu kết:

Giá trị của văn học dân gian không phải là một hằng số bất biến mà luôn có khả năng tái sinh, vận động và mở rộng thêm ý nghĩa để tham gia vào dòng chảy không ngừng của đời sống xã hội và đời sống văn học Trên hành trình tìm về nguồn cội, sự bổ khuyết, đối thoại đầy chủ động và tích cực của nhà văn hôm nay giúp cho văn học có được cái nhìn toàn diện, đa chiều về hiện thực

Không chỉ góp phần vào sự hình thành thể loại, chúng ta còn nhận thấy dấu ấn, phong cách văn học dân gian trong văn học viết nói chung và văn xuôi đương đại nói riêng từ việc lựa chọn chủ đề, đề tài, xây dựng cốt truyện, hình tượng nhân vật đến cách thức thể hiện Nó là minh chứng cho sự tiếp thu một cách đầy sáng tạo của các nhà văn hôm nay cũng như sức sống và giá trị lâu bền của văn học dân gian, kết tinh tinh hoa nghệ thuật truyền thống

CHƯƠNG 2: CÁC YẾU TỐ TỰ SỰ MANG ÂM HƯỞNG DÂN GIAN

TRONG SÁNG TÁC NGUYỄN XUÂN KHÁNH, NGUYỄN HUY THIỆP

Trang 31

2.1: Mạch ngầm dân gian trong xây dựng cốt truyện

Như đã trình bày trong phần trước, truyện kể dân gian được xâm nhập vào trong các tự sự hiện đại bằng hai con đường, hai phong cách chính là lối giả cổ tích, giả huyền thoại và lối truyện cổ viết lại Ngoài ra còn có loại thứ

ba, ở đó các truyện kể dân gian được trích dẫn một phần hay nguyên vẹn trong lòng các tự sự hiện đại tuỳ theo diễn biến của câu chuyện và tâm lý của nhân vật hay còn được gọi là lối truyện lồng truyện

Để thấy được dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ của văn học dân gian trong việc xây dựng cốt truyện văn xuôi đương đại, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu những ảnh hưởng của văn học dân gian ở cả ba kiểu loại truyện đã đề cập ở trên: “truyện giả cổ tích”; “truyện cũ viết lại” và “truyện lồng truyện” trong sáng tác của hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp

2.1.1: Truyện giả huyền thoại, giả cổ tích

Truyện giả cổ tích như tên gọi của nó không phải là truyện cổ đúng nghĩa, chính xác hơn đó là những tác phẩm được viết theo phong cách của huyền thoại, truyền thuyết hoặc cổ tích nhưng ẩn đằng sau nó là những tự sự

về xã hội hiện đại, những vấn đề, số phận của con người đương thời Ở đó, ranh giới giữa cổ tích với đời thường, giữa quá khứ và hiện tại dường như bị xoá nhoà

Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp chính là ví dụ sinh

động cho loại truyện này Trong chùm mười truyện, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sử dụng lối kết cấu đơn giản, bao gồm một hệ thống các sự kiện, trong

đó các sự kiện được kể theo một tuyến thẳng, nhân vật đi từ điểm xuất phát đến kết thúc tác phẩm một cách tuần tự, sự kiện cũng được sắp xếp theo một trật tự có vẻ như định sẵn, được diễn ra từ nơi này đến nơi khác, từ thời điểm này đến thời điểm khác theo hướng tịnh tiến

Trang 32

Kiểu thời gian này không chỉ xuất hiện trong nhóm truyện được xây dựng với kết thúc có hậu mang âm hưởng lạc quan, với niềm tin rằng những con người nhỏ bé nhưng hiền lành, tốt bụng cuối cùng sẽ được hưởng hạnh phúc dài lâu- một điểm rất gần với những câu chuyện cổ có nội dung “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”

Tiệc xoè vui nhất là câu chuyện về cuộc thi kén rể cho người đẹp Hà

Thị E, tiếp đến là lần lượt những thử thách đối với những người đến cầu hôn, nhân vật chính là chàng Hặc mồ côi vượt qua được thử thách và kết truyện cùng sự đổi đời của nhân vật chính: chàng Hặc lấy được cô con gái xinh đẹp của trưởng bản và sống cuộc đời hạnh phúc

Chiếc tù và bị bỏ quên mở đầu là sự xuất hiện của chiếc tù và cũ kĩ

không được ai chú ý đến và kết thúc sau khi chiếc tù và cứu được bản làng khỏi nạn sâu phá hoại nay đã được đặt trang trọng ở trên ngai thờ Truyện

Nàng Sinh bắt đầu bằng câu chuyện về cô gái đáng thương, nghèo khó và kết

thúc như trong truyện cổ khi cô gái bỗng chốc trở nên xinh đẹp, sống cuộc đời sung sướng hạnh phúc

Mạch thời gian tuyến tính đi từ mở đầu cho đến khi kết thúc truyện còn xuất hiện trong nhóm truyện được xây dựng với kết thúc không có hậu khi nhân vật chính dù tốt hay xấu đều phải nhận lấy cái chết đau đớn cùng những

ám ảnh đầy day dứt khôn nguôi

Truyện Trái tim hổ mở đầu bằng sự xuất hiện cô gái Pùa xinh đẹp

nhưng không may mắn bị liệt hai chân Tiếp đến một sự việc lạ lùng xảy ra tạo nên điểm thắt nút cho câu chuyện cũng như thử thách cho nhân vật Đó là

sự xuất hiện của con hổ dữ trong bản Hua Tát, có lời đồn rằng trái tim hổ là vị thuốc thần, chữa được mọi thứ bệnh Mạch truyện phát triển khi: Rất nhiều người đi săn hổ nhưng chỉ có Khó, chàng trai mồ côi, xấu xí giết chết được con hổ nhưng anh cũng phải trả giá bằng sinh mạng của mình Câu chuyện kết thúc bằng cái chết của chàng Khó si tình và nàng Pùa tội nghiệp cùng dấu hỏi

về trái tim hổ đã mất

Trang 33

Con thú lớn nhất lại là câu chuyện kể về bi kịch của đôi vợ chồng người thợ săn già Truyện Nàng Bua, mở đầu cùng sự xuất hiện của nhân vật

chính: nàng Bua thiếu phụ duyên dáng với chín đứa con nhỏ không cha, tiếp đến là một hoàn cảnh khác thường xảy ra: Bua và lũ con trong lúc đi đào rừng tìm thấy một hũ sành đầy vàng, bỗng chốc trở nên giàu có, kết truyện nàng Bua lấy một người thợ săn làm chồng nhưng khi đứa con thứ mười được sinh

ra thì nàng Bua cũng qua đời

Sói trả thù là câu chuyện về cuộc đời ngắn ngủi của đứa bé tên San

trong một gia đình người thợ săn: mạch truyện phát triển từ khi San ra đời đến khi San mười ba tuổi, trong ngày cúng ma, San đã bị chính con chó sói được

mang về nuôi cắn chết Đất quên được diễn tiến theo cuộc hành trình của

nhân vật Lò Văn Pành đến Mường Lưm mua trâu và kết thúc bằng dấu chấm hết cho cuộc đời của nhân vật Pành, ông đã chết vì bị vỡ tim khi không chinh phục được trái tim người đẹp;

Câu chuyện về Sạ là diễn biến lần lượt của những sự kiện xảy ra xung quanh cuộc đời của nhân vật từ khi còn nhỏ cho đến khi qua đời Nạn dịch kể

về cặp vợ chồng Lù và Hếnh Nạn dịch bất ngờ xảy ra khi Lù đi đánh bạc vắng nhà, lúc thắng bạc về đến nhà thì vợ đã chết vì mắc dịch Cuối truyện là hình ảnh của ngôi mộ chôn Lù và Hếnh

Cũng giống với truyện cổ, trong chùm 10 truyện Những ngọn gió Hua Tát, yếu tố thời gian không quá phức tạp Truyện thường chỉ có một tuyến

thời gian của nhân vật chính Do vậy, kết cấu các truyện là sự nối tiếp của các

sự kiện theo sự vận động nhân quả Trên trục thời gian ấy, số phận con người được tái hiện qua sự luân chuyển liên tục của các hình thức không gian

Những ngọn gió Hua Tát gồm mười câu chuyện nhỏ cũng là mười

truyền thuyết được kể lại với những con người đặc biệt và những sự kiện không bình thường còn lưu lại trong ký ức của những người dân bản Hua Tát Chính chuỗi sự kiện không bình thường ấy đã tạo nên sự kịch phát của hệ số

Trang 34

cảm xúc và làm nền cho mạch diễn biến, phát triển của các truyện Âm hưởng huyền thoại, cổ tích của tác phẩm từ đó cũng trở nên đậm nét

Sau đây là bản thống kê những sự kiện không bình thường, những sự

kiện mấu chốt trong diễn biến của chùm mười truyện Những ngọn gió Hua Tát:

1 Trái tim hổ Xuất hiện con hổ dữ làm cả vùng kinh

hãi

2 Con thú lớn nhẩt Đột nhiên ở các khu rừng lân cận cây cối

húa éo, muông thú bỏ đi, dường như có sự trừng phạt của Then

3 Nàng Bua Nàng Bua bất ngờ tìm thấy trong rừng

chiếc vò cổ đựng toàn tiền vàng, tiền bạc

4 Tiệc xoè vui nhất Cuộc thi kén rể để kén chồng cho người

đẹp Hà Thị E

5 Sói trả thù Người thợ săn giết được con sói cái tinh

khôn và mang con sói con về nuôi để làm bạn với đứa con duy nhất của mình

6 Đất quên Ông già Pành tám mươi tuổi bỗng yêu say

đắm cô gái trẻ măng và muốn cưới cô về làm vợ

7 Chiếc tù và bị bỏ quên Cuộc tấn công của loại sâu đen kỳ lạ làm

trụi sạch hết lá cây trong rừng

8 Sạ Sự xuất hiện của Sạ- kẻ điên rồ, liều lĩnh,

khát khao lập nên những sự tích phi thường

9 Nạn dịch Trận dịch tả cướp đi nhiều sinh mạng một

Trang 35

cách không thương tiếc

10 Nàng Sinh Nàng Sinh bé nhỏ nhấc được hòn đá linh

thiêng mà trước đó chưa ai nhấc nổi

“Năm ấy, không hiểu sao rừng Hua Tát củ mài nhiều vô kể”(Nàng Bua) [62,tr 204] ; cuộc thi kén rể diễn ra lúc trời đại hạn “Tất cả các mó nước đều

đã cạn khô” (Tiệc xoè vui nhất) [62,tr 208]; Ông lão Pành gặp tình yêu cuối đời mình giữa một cơn dông dữ dội kèm theo mưa như trút (Đất quên) ; dịch

tả ập xuống bản Hua Tát “vào một ngày thời tiết kỳ lạ: vừa nắng chang chang, vừa mưa như trút”.(Nạn dịch) [62,tr 219]

Tất cả các nhân vật, sự kiện trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát đã tạo nên một không khí huyền bí cho tác phẩm, làm cho nó thấm đẫm

sắc màu của truyền thuyết, của cổ tích xa xưa Tuy nhiên, mục đích của nhà văn không dừng lại ở đó, những truyền thuyết đó chỉ là những ẩn số bí mật để độc giả giải mã những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hiện tại đối với những con người của hiện tại Không còn là một kết thúc tốt đẹp với hạnh phúc cho người tốt và sự trừng phạt tất yếu dành cho kẻ ác như truyện cổ, trong số mười truyện, chỉ có ba truyện được xây dựng với kết thúc có hậu:

Tiệc xoè vui nhất, Chiếc tù và bị bỏ quên, Nàng Sinh Bảy truyện còn lại đều

kết thúc bằng cái chết của các nhân vật: Chàng trai Khó giết được con hổ

nhưng chính anh cũng bỏ mạng; người thợ săn già trong Con thú lớn nhất do

sự nhầm lẫn mà giết chết vợ mình rồi ông ta cũng tự sát; trong Sói trả thù, con

sói con lớn lên đã cắn chết đứa con trai duy nhất của người thợ săn, truyện

Trang 36

Đất quên kết thúc bằng cái chết vì một cơn đau tim của ông già Pành khi không vượt qua được thử thách; kết thúc Nạn dịch là ám ảnh bởi ngôi mộ chôn Lù và Hếnh “một đụn đất khá cao, trên mọc đầy những cây song, cây mây gai góc…” [62,tr 221]…

Qua việc xây dựng kết thúc truyện, Nguyễn Huy Thiệp dường như muốn chuyển một thông điệp đến với độc giả: Kết thúc có hậu chỉ có thể có trong cổ tích Còn trong cuộc đời thực với đầy rẫy những bất công, ngang trái

sẽ không bao giờ có chỗ cho những phép màu kỳ lạ Nhiều huyền thoại, niềm tin đã không thể trở thành hiện thực Ở đó, mọi mâu thuẫn, xung đột không giải quyết bằng phép nhiệm màu mà tuân theo quy luật vận hành của vũ trụ, của đời sống xã hội hiện đại Nhân vật không thể hoà nhập được với cộng đồng hiện hữu, cô đơn, bơ vơ trên hành trình đi tìm những điều kì diệu chỉ có trong cổ tích

Mô hình cốt truyện kiểu nhân vật đi tìm điều kì diệu cũng xuất hiện

trong truyện Con gái thuỷ thần, một truyện ngắn khác được viết theo phong

cách truyện giả cổ tích Ở đây, cấu trúc cốt truyện không đơn thuần được hình

thành thông qua những biến cố do nhân vật tạo ra Con gái thuỷ thần là một

tổng thể bao gồm ba truyện kể liên tiếp được thống nhất với nhau theo một nhân vật chung: Chương Mỗi đơn vị truyện kể bao gồm một hệ thống các biến cố trong đó biến cố lớn nhất, thời điểm đánh dấu xung đột gay gắt trong truyện và làm thay đổi cuộc đời nhân vật là sự kiện Chương gặp những cô gái

có tên là Phượng – trùng với tên của Mẹ Cả, huyền thoại mà anh đang tìm kiếm Ba lần gặp cô gái có tên là Phượng là ba lần trong đời anh ta có những thay đổi và dịch chuyển lớn lao Tuy nhiên những cuộc gặp gỡ chỉ khiến cho anh ta trở nên lạc lõng, lố bịch và đau đớn Dù là cô Phượng gặp ở lớp kế toán hay cô Phượng con ông trùm xứ đạo- những người có tình cảm với Chương

thì thực ra “cũng chỉ là một mảnh của nàng, con gái thuỷ thần” [62,tr 86]

Trong Con gái thuỷ thần, nhân vật Chương suốt đời đi tìm một nhân vật truyền thuyết với một câu hỏi được nhắc đi nhắc lại: “Tôi cứ đi…Nàng là

Trang 37

ai, con gái thuỷ thần…Nàng ở đâu, con gái thuỷ thần…?” Câu hỏi ấy đã

khuấy động và dẫn dắt cả cuộc đời Chương Hình ảnh Mẹ Cả là một “cổ mẫu” trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam: Mẹ Cả là con của giao long, được sinh ra trong một đêm mưa gió dưới gốc muỗm bên sông…Việc Chương đi tìm Mẹ Cả chính là việc con người sống trong một thế giới bị giải thiêng triệt

để đang hoài vọng về những huyền thoại đã mất Với Chương, hành trình tìm đến với biển và Mẹ Cả thực chất chính là hành trình chạy trốn khỏi kiếp sống mòn mỏi, vô vọng, tẻ nhạt, tầm thường đã đè nặng lên bao thế hệ những người dân quê hiền lành, lam lũ Kết thúc truyện, nhân vật Chương vẫn trên hành trình không ngừng nghỉ đi về phía biển với một câu hỏi đầy day dứt:

“Con gái thuỷ thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi”…[62,tr 96] Có thể nói hành trình Chương đi

tìm Mẹ Cả thực chất là hành trình của nhân vật đi tìm cái bản nguyên đích thực của cuộc đời mình, đi tìm cái cao cả, tuyệt đích cần hướng đến của cuộc đời mình

Truyện giả cổ tích với phong cách, màu sắc của huyền thoại, cổ tích xa xưa đã tạo nên một không khí đầy hư ảo cho tác phẩm Với Nguyễn Huy Thiệp, đó không đơn thuần là một cuộc dạo chơi mà là một “phép thử”, một hành trình tự nhận chân cuộc sống với không ít những đau đớn, chua chát Thông qua loại truyện này, nhà văn bằng một con đường khác, muốn độc giả đương thời cùng nhau đối diện và suy ngẫm trước những vấn đề nhức nhối, bức thiết đang đặt ra trong cuộc sống của chúng ta

2.1.2: Truyện cũ viết lại

Truyện cũ viết lại có điểm tựa là một truyện dân gian truyền thống (của Việt Nam hay nước ngoài) Trên cơ sở đó, tác giả tự sự đương đại, bằng nhận thức và tình cảm cá nhân sẽ lựa chọn việc đối thoại hoặc đối lập với truyền thống Trong truyện cũ viết lại xuất hiện những chủ đề rất thời sự: tình yêu và hạnh phúc riêng tư trước những vần xoay của lịch sử, mối quan hệ giữa cá

Trang 38

nhân với cộng đồng, dân tộc, hành trình tìm kiếm cái đẹp, ý nghĩa con người… Nhà văn tiếp cận, khám phá hiện thực, làm cuộc “đối thoại” với người xưa, người nay theo một hướng khác, ở đó những gì diễn ra trong câu chuyện quá khứ chỉ đóng vai trò là nguyên nhân, thậm chí chỉ là nguyên cớ để tác giả viết lại theo quan điểm, nhận thức của con người hiện đại Nói cách khác, các nhà văn đã sáng tạo lại những truyện cổ dựa trên hệ giá trị mới và đặt chúng vào môi trường văn xuôi đương đại

Truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp có thể xếp vào kiểu truyện này Trương Chi trong truyện cổ là một câu chuyện hay và cảm động

Mị Nương, người con gái với nhan sắc tuyệt trần từ say mê câu hát, tiếng đàn của chàng trai con nhà thuyền chài trên sông đâm ra thương nhớ người hát đến ngã bệnh Đến khi phụ thân nàng gọi Trương Chi đến thì hoá ra lại là một người với khuôn mặt xấu xí vô cùng Mị Nương thoát bệnh thì lại đến căn bệnh tương tư của Trương Chi, chàng ra về mà mang theo hình ảnh giai nhân thầm yêu trộm nhớ cho đến lúc chết

Dựa vào tình tiết về mối tình éo le, sự cam chịu của nhân vật trước thân phận nghèo hèn để xây dựng hình ảnh chàng Trương Chi mới của thời đại Câu chuyện không còn thơ mộng và trữ tình như trong truyện cổ, không còn

là hình ảnh của chàng Trương Chi cam chịu, nhẫn nhục của ngày xưa nữa mà thay vào đó là một con người do bị dồn nén, o ép đến mức phản ứng gay gắt đối với xã hội, sẵn sàng văng tục ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào Nghiền ngẫm hiện thực dẫu là một hiện thực đã chìm lấp trong lớp trầm tích thời gian, Nguyễn Huy Thiệp đã tái tạo, sáng tạo lại chúng bằng chính những nghiệm suy của mình nhằm đưa tới cho độc giả những vấn đề thiết thân của cuộc sống hôm nay Tác giả đã lấy truyện cổ rồi thay đổi cả nội dung lẫn hình thức của

nó để đề ra một chủ đề tư tưởng mới, những hình tượng văn học mới theo quan điểm của mình Kết thúc truyện Trương Chi là lời bộc bạch của chính

tác giả: “Tôi- người viết truyện ngắn này- căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ

Trang 39

dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác…Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.” [62,tr 318]

Không phải là lặp lại giản đơn cái cũ, mà các nhà văn đương đại đã sử dụng và cắt nghĩa lại, đổi mới, thậm chí nhiều khi đi ngược lại một số truyền

thống cũ Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh,

huyền thoại về ông Đùng, bà Đà cũng mang một màu sắc mới Theo các bộ sưu tập truyện dân gian thì ông Đùng, bà Đà là hai nhân vật huyền thoại gắn với sự sáng tạo vũ trụ của người tiền Việt - Mường, truyện kể dân gian và dấu tích sáng tạo vũ trụ của hai ông bà còn lưu lại khá nhiều ở vùng Hoà Bình Nhưng trong kí ức của người Cổ Đình thì truyện kể về ông Đùng, bà Đà đã có một hình hài mới, nó không còn là một huyền thoại sáng thế thuần nhất mà là

sự pha trộn của các huyền thoại và cả sự giải thiêng huyền thoại theo các lớp thời gian thông qua thái độ của từng thế hệ trong tác phẩm Trật tự của truyện dân gian truyền thống bị phá vỡ và được sắp đặt trong một trật tự mới, tạo ra một dị bản mới không trung thành với logic của truyện dân gian truyền thống nhằm khắc hoạ diện mạo của cuộc sống hiện tại

Việc giải huyền thoại thể hiện rõ nét ở chỗ nhân vật huyền thoại bị xua đuổi và bắn chết Người Cổ Đình kể lại rằng, ông Đùng bà Đà đã bị bắn, bị đuổi ra khỏi lãnh địa của làng trong một cơn cuồng nộ chung với mục đích xoá bỏ hoàn toàn quan niệm truyền thống, cắt rời quá khứ và hiện tại Nhưng hành vi giải thiêng đó đã để lại vết thương sâu cho cả cộng đồng: sự ra đi của ông Đùng, bà Đà để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi, niềm day dứt, dằn vặt cho

tất cả: “Từ đó không ai muốn nhắc tới chuyện ông Đùng, bà Đà nữa Người ta

ân hận chăng? Hối hận chăng? Họ sống thì chẳng ai muốn nhìn Khi họ chết, lại được xây hai bệ thờ…Có lẽ người ta ăn năn, muốn xoa dịu nỗi căm tức của hai cô hồn.” [34,tr 658] Nhân vật huyền thoại được sống trong kí ức

cộng đồng, con người vẫn sống trong bóng rợp phủ che của nó bởi huyền

Trang 40

thoại đã được hoá thạch vào các di tích và đâu đó trong niềm vọng tưởng của con người [1]

Có thể nói, truyện cũ viết lại đã phản ánh một cách chân thực và sinh động nhu cầu “nhận thức lại” của văn học Đổi mới Những truyện thành công thường tạo ra được một thứ “phản tỉnh” nghệ thuật cho con người thời đại trước một số định kiến, lối mòn, thói quen Sự tiếp thu sáng tạo truyền thống

đã làm phát lộ những hướng mới, khả năng mới trong sáng tạo văn học nhưng vẫn không vượt ra ngoài quy luật của “cái đẹp”, vượt ra ngoài “sự thật” và

“nhân bản”

2.1.3: Truyện lồng truyện

Bên cạnh hai kiểu truyện chính đã xét ở trên là truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại, một con đường xâm nhập khác của truyện kể dân gian vào trong lòng các tự sự đương đại đó là kiểu: truyện lồng truyện Ở đó, truyện kể dân gian tuỳ theo dụng ý nghệ thuật của tác giả, được trích dẫn một phần hay nguyên vẹn trong các tác phẩm

Trong cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, huyền thoại ông Đùng bà Đà

không được đưa vào tiểu thuyết ở tình trạng vẹn nguyên của nó mà được cắt rời thành nhiều mảnh và được xâu chuỗi lại theo một tuyến tính mới dọc theo tác phẩm

Ông Đùng bà Đà là hai vị thần Đực và Cái trong thần thoại Việt Mường

cổ, hiện diện trong những mẩu chuyện về hai chủ đề: Mở mang trời đất và phát triển sản xuất Ông Đùng cũng là ông Sấm trên trời Tháng ba sấm động

là lúc ông Đùng xuống hạ giới “ăn nằm” với bà Đà (tức là mẹ Đất và mẹ Nước) Ở nhiều địa phương người ta lấy sinh thực khí nam giới làm biểu tượng cho ông Đùng và sinh thực khí nữ giới làm biểu tượng cho bà Đà Trong lễ hội mùa xuân, có rước hai biểu tượng đó, diễn tả cảnh ông Đùng, bà

Đà gặp nhau Người ta cho sinh thực khí của hai vị thần giao hợp với nhau,

Ngày đăng: 23/03/2015, 17:45

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Trần Thị An (2007), Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn
Tác giả: Trần Thị An
Năm: 2007
2. Bùi Kim Ánh, Đạo Mẫu trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, http://nguvan.hnue.edu.vn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đạo Mẫu trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh
3. Trần Lê Bảo (2009), Liêu trai hiện đại Việt Nam trích trong Văn học Việt Nam sau 1975, Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (Ch.b: Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn), Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Liêu trai hiện đại Việt Nam" trích trong "Văn học Việt Nam sau 1975, Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy
Tác giả: Trần Lê Bảo
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2009
4. Nguyễn Huy Bỉnh (2009), Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về các thần tự nhiên, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về các thần tự nhiên
Tác giả: Nguyễn Huy Bỉnh
Năm: 2009
5. Nguyễn Bính (1999), Lỡ bước sang ngang: Thơ/ Nguyễn Bính, Nxb Văn nghệ TP HCM, Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lỡ bước sang ngang: Thơ/ Nguyễn Bính
Tác giả: Nguyễn Bính
Nhà XB: Nxb Văn nghệ TP HCM
Năm: 1999
6. Đồng Đức Bốn (2006), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc: Tác phẩm và dư luận, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc: Tác phẩm và dư luận
Tác giả: Đồng Đức Bốn
Nhà XB: Nxb Hội nhà văn
Năm: 2006
7. Nguyễn Phương Châm, Biểu tượng cây đa, http://www.vanhoahoc.edu.vn, 04/05/2008 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Biểu tượng cây đa
8. Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb Viện văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Đổng Chi
Nhà XB: Nxb Viện văn học
Năm: 1993
9. Lương Minh Chung (2011), Những biểu tượng của làng Việt cổ trong thơ Hoàng Cầm, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3, tr. 111- 118 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những biểu tượng của làng Việt cổ trong thơ Hoàng Cầm
Tác giả: Lương Minh Chung
Năm: 2011
10. Chu Xuân Diên (1966), Nhà văn và sáng tác dân gian, Tạp chí Văn học, số 1, tr 13-20 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhà văn và sáng tác dân gian
Tác giả: Chu Xuân Diên
Năm: 1966
11. Phan Đại Doãn (2004), Mấy vấn đề về văn hoá làng xã Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mấy vấn đề về văn hoá làng xã Việt Nam trong lịch sử
Tác giả: Phan Đại Doãn
Nhà XB: Nxb Chính trị Quốc gia
Năm: 2004
12. Đoàn Ánh Dương (2010), Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9, tr. 107-121 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền thoại trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh
Tác giả: Đoàn Ánh Dương
Năm: 2010
13. Triêu Dương (1963), Đi tìm ảnh hưởng Truyện Kiều trong văn học dân gian, Tạp chí Văn học, số 4 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đi tìm ảnh hưởng Truyện Kiều trong văn học dân gian
Tác giả: Triêu Dương
Năm: 1963
14. Đặng Anh Đào, Âm hưởng văn chương truyền miệng trong nghệ thuật kể truyện Việt Nam, http://vienvanhocorg.vn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Âm hưởng văn chương truyền miệng trong nghệ thuật kể truyện Việt Nam
15. Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2004), Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, LA TS Ngữ văn: 5.04.33, TP Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Điệp
Năm: 2004
16. Cao Huy Đỉnh (1976), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam
Tác giả: Cao Huy Đỉnh
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 1976
17. Hoàng Cẩm Giang (2011), Sự xâm nhập và tái sinh của một số mô thức tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1, tr43-54 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sự xâm nhập và tái sinh của một số mô thức tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay
Tác giả: Hoàng Cẩm Giang
Năm: 2011
19. Lê Minh Hà (2000), Cổ tích cho ngày mới, Nxb Văn, California, USA Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cổ tích cho ngày mới
Tác giả: Lê Minh Hà
Nhà XB: Nxb Văn
Năm: 2000
20. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thi pháp hiện đại
Tác giả: Đỗ Đức Hiểu
Nhà XB: Nxb Hội nhà văn
Năm: 2000
21. Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề thi pháp của truyện
Tác giả: Nguyễn Thái Hoà
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2000

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w