Bên cạnh hai kiểu truyện chính đã xét ở trên là truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại, một con đường xâm nhập khác của truyện kể dân gian vào trong lòng các tự sự đương đại đó là kiểu: truyện lồng truyện. Ở đó, truyện kể dân gian tuỳ theo dụng ý nghệ thuật của tác giả, được trích dẫn một phần hay nguyên vẹn trong các tác phẩm.
Trong cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, huyền thoại ông Đùng bà Đà không được đưa vào tiểu thuyết ở tình trạng vẹn nguyên của nó mà được cắt rời thành nhiều mảnh và được xâu chuỗi lại theo một tuyến tính mới dọc theo tác phẩm.
Ông Đùng bà Đà là hai vị thần Đực và Cái trong thần thoại Việt Mường cổ, hiện diện trong những mẩu chuyện về hai chủ đề: Mở mang trời đất và phát triển sản xuất. Ông Đùng cũng là ông Sấm trên trời. Tháng ba sấm động là lúc ông Đùng xuống hạ giới “ăn nằm” với bà Đà (tức là mẹ Đất và mẹ Nước). Ở nhiều địa phương người ta lấy sinh thực khí nam giới làm biểu tượng cho ông Đùng và sinh thực khí nữ giới làm biểu tượng cho bà Đà. Trong lễ hội mùa xuân, có rước hai biểu tượng đó, diễn tả cảnh ông Đùng, bà Đà gặp nhau. Người ta cho sinh thực khí của hai vị thần giao hợp với nhau,
tin rằng làm như thế, năm ấy sẽ được mùa, gia súc, gia cầm sẽ sinh sôi, nảy nở.
Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, các lớp huyền thoại đan xen vào
nhau: huyền thoại về hai vị thần khổng lồ sáng tạo nên vũ trụ, người kể chỉ giữ lại chút dấu vết khổng lồ của hai nhân vật huyền thoại này: “Tháng ngày
qua, hai anh em Đùng, Đà lớn lên thành hai con người to lớn gấp rưỡi người thường” [34,tr. 653]; huyền thoại về cuộc hôn nhân của hai anh em ruột sống
sót sau trận đại hồng thuỷ, cấp cho họ nguồn gốc thế tục mang màu sắc cổ tích “Xưa kia, đã lâu lắm rồi, có hai vợ chồng già sinh được hai người con
một trai, một gái…” [34,tr. 652], huyền thoại Nữ Oa-Tứ Tượng, đặt hai nhân
vật có màu sắc huyền thoại này vào mối quan hệ với trai gái trong làng thông qua quan hệ tính giao hồn nhiên, đưa vào một motif của huyền thoại là cách thức quyết định cuộc hôn nhân của hai anh em sau trận đại hồng thủy (hai anh em đi, gặp ai thì lấy người đó làm chồng/vợ, cuối cùng chỉ họ gặp nhau), đặt số phận của họ dưới quyền uy của Mẫu, một vị thánh xuất hiện sau các nhân vật huyền thoại khá lâu và cuối cùng, đặt huyền thoại này trong sự phán xét của quan niệm Nho giáo. Tuy nhiên có thể nhận thấy một điều ở trong tác phẩm này, huyền thoại ông Đùng bà Đà vẫn có thể được xâu chuỗi lại thành một tự sự nguyên vẹn nằm trong lòng tiểu thuyết một cách đầy chủ ý. Cái không khí hư ảo, huyền hoặc song lại thấm đẫm ý nghĩa phồn thực- chính nhờ đó mà được tạo nên một cách tự nhiên- bao bọc lấy cuộc đời và số phận các nhân vật thời cận, hiện đại. Ranh giới về mặt thời đại dường như đã bị xoá nhoà. Các yếu tố truyền thống được cắt xén, sắp đặt và lắp ghép theo một trật tự mới của người kể chuyện, diện mạo đời sống hiện tại được khắc hoạ, khơi gợi mạch sống tự nhiên cuồn cuộn chảy đang xô lệch mọi sự cấm đoán nghiệt ngã.
Ít được các nhà nghiên cứu đề cập đến nhưng có thể coi kiểu viết truyện lồng truyện là phương thức tiên khởi của những con đường còn lại. Với dụng ý nghệ thuật của người sáng tạo, nó đã tạo nên một hiệu ứng thẩm
mỹ đặc sắc, tạo cho câu chuyện cũ một dáng dấp vừa quen thuộc vừa khác lạ và kích thích sự khám phá không ngừng nơi độc giả.